Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

10.000 nông dân được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet

19:46 17/01/2020 GMT+7
Sáng ngày 17/1/2020, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) giai đoạn 2017 – 2019”. Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư

Sáng ngày 17/1/2020, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) giai đoạn 2017 – 2019”.

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: T. Hà.

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội, lãnh đạo Hội ND một số tỉnh, thành và đại diện 9 tỉnh tham gia dự án gồm: Lai Châu, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An, Lâm Đồng, Bình Phước, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu.

140 mô hình đã được các hội viên nông dân xây dựng và đổi mới sau khi tham gia Dự án

Theo Ban quản lý Dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên Hội NDVN”, từ năm 2017 – 2019 đã đào tạo được 45 giảng viên nguồn; tổ chức 164 khóa tập huấn về nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho cán bộ, hội viên nông dân; thành lập và duy trì hoạt động của 164 câu lạc bộ nông dân với internet ngoại tuyến và 163 câu lạc bộ nông dân với internet trực tuyến; hơn 10.000 nông dân được hướng dẫn trực tiếp về kỹ năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet (thông qua các lớp tập huấn và câu lạc bộ); hơn 20.000 nông dân được chia sẻ kiến thức, kỹ năng về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet.

Sau khi tham gia các khóa tập huấn, ND đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức, khả năng tiếp cận kiến thức và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet trong sản xuất, kinh doanh cũng như các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, ND, nông thôn; các hội viên nông dân đều trở thành giảng viên ND. Họ trực tiếp chia sẻ kiến thức, thông tin về sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet cho nhiều hội viên ND khác. Đồng thời, họ là những thành viên nòng cốt trong các câu lạc bộ (CLB) ND với internet, tích cực tuyên truyền chia sẻ kiến thức, lợi ích của việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet đến nhiều người.

Toàn cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: T.A

Dự án đã mang lại lợi ích và hiệu quả cho người ND nên các cấp chính quyền địa phương hết sức ủng hộ và tạo điều kiện để các hoạt động của dự án triển khai đạt kết quả cao. Nhiều tỉnh đã được hỗ trợ kinh phí để mở rộng các hoạt động tập huấn, hỗ trợ CLB, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm… Thông qua Dự án, nhiều doanh nghiệp viễn thông tại tỉnh đã hỗ trợ sim điện thoại tích hợp mạng 3G/4G cho ND.

140 mô hình đã được các hội viên nông dân xây dựng và đổi mới sau các buổi tập huấn đang đem lại thêm hiệu quả về kinh tế cho họ.Tiêu biểu như mô hình của anh Đỗ Văn Sâm, thành viên CLB ND với internet Phương Định 1 (Nam Định) đã biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để tra cứu thông tin về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan; qua đó anh đã ứng dụng vào thực tiễn bằng cách phát triển mô hình trồng lan trên diện tích gần 200m2, trang bị hệ thống tưới nước phun sương tự động. Hiện, vườn lan của anh đã cho thu nhập với giá trị kinh tế cao.

ND Sơn Ngọc Xuân, thành viên CLB ND với internet Ấp Công Điền 1, xã Vĩnh Trạch, Bạc Liêu lên mạng tìm hiểu về mô hình trồng ớt chỉ thiên và thấy loại cây trồng này phù hợp với thổ nhưỡng tại Bạc Liêu và mang lại hiệu quả kinh tế. Ông đã chủ động tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đã tiến hành trồng trên diện tích 3000m2. Đến nay, vườn ớt của ông Xuân đã mang lại hiệu quả kinh tế (giá bán giao động từ 18 – 35 nghìn đồng/kg tùy vào từng thời điểm. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm trồng ớt của mình cho 14 thành viên khác trong câu lạc bộ nông dân với internet để cùng nhân rộng và phát triển với tổng diện tích hiện nay khoảng 2,5ha.

Mô hình chăn nuôi bò của hội viên ND Vũ Thị Sáng, thành viên CLB ND với Internet xã Long Giang, huyện Phú Riềng, Bình Phước đã có từ trước khi Dự án triển khai. Tuy nhiên, khi có Dự án và được tham gia vào các hoạt động của Dự án, chị đã chủ động học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi bò trên mạng internet và ứng dụng vào đàn bò của gia đình. Đến nay, gia đình đã nhân rộng đàn bò lên 16 con và đầu tư chăm sóc 0,25ha trồng cỏ nuôi bò. Mô hình cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Tại Đồng Tháp, sau khi tham gia các hoạt động của Dự án, các hội viên ND đã phát triển hiệu quả mô hình trồng sen theo hướng an toàn và đang xây dựng nhiều sản phẩm có chất lượng như: Hoa Liên Tửu, trà tim sen, hạt sen sấy, dưa sen ngâm giấm… Các hội viên, nông dân còn liên kết và cung ứng nguyên liệu cho các công ty trên địa bàn tỉnh chế biến trà lá sen….

Việc thành lập và duy trì các CLB ND với internet ngoại tuyến và trực tuyến đã tạo ra cơ hội để các thành viên ở các vùng miền, dân tộc giao lưu, chia sẻ thông tin, tìm hiểu, xích lại gần nhau, qua đó thúc đẩy câu lạc bộ hoạt động ngày càng hiệu quả. Các CLB được thành lập trên tình thần tự nguyện, hội viên ND tự đóng quỹ để duy trì và phát triển CLB. Nhiều ND sau khi tham gia tập huấn và sinh hoạt CLB đã chủ động mua điện thoại hoặc máy tính để phục vụ học tập. Nhiều CLB đã đẩy mạnh phong trào xây dựng tổ hùn vốn nhằm giúp đỡ những thành viên trong CLB mua máy tính, điện thoại thông minh.

Tạo sự lan toả và khai thác nguồn lực ở địa phương

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Giang- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội ND tỉnh Bình Phước chia sẻ: Các hoạt động của Dự án được tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng của từng hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực cho cán bộ Hội cơ sở của tỉnh, đặc biệt là cán bộ, hội viên, nông dân tại địa bàn triển khai thực hiện Dự án.

Trong 3 năm thực hiện, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án T.Ư, Hội ND Bình Phước đã thực hiện tại 11 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Đồng Phú, Chơn Thành, Phú Riềng và thị xã Phước Long; tổ chức 19 lớp tập huấn “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và internet” cho 475 cán bộ, hội viên, ND. Các thành viên lớp tập huấn, thành viên các CLB đã chia sẻ, hướng dẫn cho 3.580 hội viên, ND chưa biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh và chưa biết truy cập mạng internet.

Ông Nguyễn Văn Giang- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội ND tỉnh Bình Phước chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh:  T.Thuỷ

Ông Phạm Tuấn Tài,  Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hàng tháng, Ban quản lý Dự án phân công đội ngũ giảng viên nguồn, cán bộ Hội các cấp tham gia cùng sinh hoạt để theo dõi, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho các thành viên CLB. Nội dung, hình thức sinh hoạt phong phú, đa dạng, phù hợp và gắn kết chặt chẽ với các nội dung công tác Hội và phong trào ND, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội của địa phương.

Tổ giảng viên nguồn và các thành viên của các CLB ND với internet đã chia sẽ các kiến thức học hỏi từ các buổi sinh hoạt CLB và các cuộc sinh hoạt của tổ hợp tác, hợp tác xã cho hơn 189 tổ Hội trên địa bàn tỉnh với 3.024 người tham dự. Qua đó, nhân rộng và tuyên truyền, triển khai các nội dung của Dự án và truyền đạt các kiến thức cơ bản về internet cho hội viên ND, nâng cao nhận thức cho hàng ngàn hội viên ND trong việc ứng dụng internet trong hoạt động sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo ông Lã Văn Đoàn Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang: Để Dự án có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các cấp, các ngành, Hội ND tỉnh tổ chức hội nghị khởi động Dự án; mời Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan như Sở NN&PTNT, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công thương tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Dự án; tổ chức Hội thi “CLB ND với internet”…

Chị Đinh Tường Vi, hội viên ND ở xã Ninh Giang (Đức Trọng, Lâm Đồng) chia sẻ: Chưa được tập huấn “ND với Internet”, chúng tôi chỉ biết sản xuất trên đồng ruộng, sản phẩm nông sản làm ra được các thương lái, các đại lý thu mua trả giá, có khi còn bị khấu trừ vì những lý do mà họ đưa ra như nông sản có mẫu mã không đều, không đẹp và khi đó chúng tôi chỉ biết chấp nhận thiệt thòi.

Khi Hội ND tỉnh Lâm Đồng mở lớp tập huấn “ND với Internet”, tôi đã được tiếp thu kiến thức, biết tạo email, thành lập nhóm, biết truy cập thông tin khoa học kỹ thuật, biết tìm kiếm các nhà thu mua với địa chỉ, số điện thoại để liên hệ trao đổi mua bán nông sản. Lúc đầu, còn rụt rè, chưa tự tin trong đàm phán giá trị hợp đồng, nhưng qua tiếp xúc, dần dần cũng quen, từ đó bản thân tôi càng thêm tự tin và khuyến khích mọi người ND cùng tham gia. Lớp internet tổ chức vào tháng 4/2019, đến nay, gia đình tôi thường xuyên sản xuất rau củ và cà phê các loại, hàng năm là 1ha. Năm nay, do biết đàm phán với các thương lái nên giá trị bán hàng tăng hơn những  năm trước đây khoảng 20% và không bị ép giá như trước.

Ông Nguyễn Công Chức- Phó Chủ nhiệm CLB ND với internet xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: Để CLB hoạt động có hiệu quả, được sự tư vấn, hỗ trợ của Hội ND xã, huyện và sự thống nhất của các thành viên CLB ND với internet xã Bình Thạnh đã xây dựng tổ hùn vốn xoay vòng mua điện thoại di động, máy tính xách tay, tùy vào điều kiện của thành viên để tổ chức góp vốn xoay vòng từ 200.000 -300.000 nghìn đồng. Đến nay, CLB đã kết nạp thêm các thành viên mới, nâng tổng số thành viên câu lạc bộ lên 38 thành viên, hùn vốn mua mới hơn 15 thiết bị điện thoại thông minh và 3 máy vi tính với tổng số tiền xoay vòng trên 55 triệu đồng.

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: T.A

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội ND biểu dương những kết quả đạt được của Dự án trong thời gian qua. Và đánh giá cao các tỉnh, thành Hội đã có nhiều hoạt động sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Dự án đã góp phần khích lệ sự tìm tòi, nắm bắt và sử dụng thông tin cho hội viên, nông dân. Đồng thời, thông qua Dự án, vị trí, vai trò của Hội ND được nâng lên, qua đó tạo thêm mối quan hệ giữa Hội ND với các cấp, các ngành; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế nhằm khai thác nguồn lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, quảng bá nông sản, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hải Quỳnh