Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

1.727 vụ phá rừng trái phép trong năm 2018

16:14 25/12/2018 GMT+7

Trong năm 2018, Việt Nam phát hiện 1.727 vụ phá rừng trái phép (giảm 440 vụ), nghĩa là tính trung bình mỗi ngày phát hiện hơn 4,7 vụ.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) sáng (24/12), ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp cho biết: Trong năm 2018 vẫn còn tình trạng phá rừng gây bức xúc trong xã hội.

Hiện trường một vụ phá rừng Pơ mu tại Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: THCL

Cụ thể, trong năm 2018 đã phát hiện trên 12.900 vi phạm pháp luật về rừng, giảm 3.500 vụ so với năm 2017. Trong số vi phạm này, có 1.727 vụ phá rừng trái phép (giảm 440 vụ). Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô.

Theo Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp): Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 11.289 vụ, trong đó xử phạt hành chính 10.900 vụ, giảm 3.077 vụ (tương ứng 22%) với năm 2017; xử lý hình sự 363 vụ tăng 51 vụ (tăng 16%) so với năm 2017; tịch thu 16.027 m3 gỗ các loại (giảm 7% so với năm 2017); thu nộp ngân sách nhà nước 143 tỷ đồng.

Về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật, đã phát hiện 4.967 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với cùng 2017), tịch thu 16.027 m3 trong đó 7.236 m3 gỗ tròn; 8.791m3 gỗ xẻ.

Ông Đỗ Quang Tùng-Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng Cục Lâm nghiệp) cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn tới các vụ vi phạm chủ yếu do áp lực về nhu cầu đất sản xuất và sản phẩm từ rừng của người dân ngày càng tăng, tình trạng dân di cư tự do đã có tác động tiêu cực và gây áp lực rất lớn cho công tác bảo vệ rừng.

Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Các vụ phá rừng đã được xử lý nghiêm. Thực tế cho thấy số vụ phá rừng giảm nhưng số vụ bị xử lý, khởi tố hình sự lại tăng mạnh.

Thanh Nguyễn