Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ai qua Kẻ Bượm

Trần Đăng Đàn - 07:14 05/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nếu bạn có lần nào ngược xuôi theo Quốc lộ 8A đến Ghềnh Tàng chỗ giáp ranh giữa hai huyện Đức Thọ và Hương Sơn (Hà Tĩnh), nhìn lên phía thượng nguồn sông Ngàn Sâu sẽ thấy hiện ra một miền quê thôn dã yên bình, nay đang trở thành “Làng nông thôn mới kiểu mẫu”, còn thuở xa xưa được gọi bằng cái tên nôm na là Kẻ Bượm.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  (thứ 2 từ trái sang) trồng cây lưu niệm tại khuôn viên nhà văn hóa thôn Phúc Xá (xã Hoà Lạc). Ảnh BHT

Kẻ Bượm, nay là thôn Phúc Xá, xã Hòa Lạc (Đức Thọ). Quê tôi đó!

Quê tôi có con sông Ngàn Sâu (tên chữ là Thâm Giang) từ lâu đời đã đi vào thi ca nhạc họa. Dòng Ngàn Sâu thâu nhận nước của tất cả suối khe hói sông lớn nhỏ thuộc hệ đại ngàn Giăng Màn trên dãy Trường Sơn gồm Ngàn Trươi và Ngàn Sâu, hợp lưu tại Cửa Rào thuộc địa phận Đức Liên của huyện Vũ Quang, rồi theo dòng chảy nhanh về dưới xuôi. Đến vực Nướt thuộc địa giới của xã Hoà Lạc gặp dòng Liệt Thuỷ thì bỗng nhiên nó chậm lại, rẽ trái sang phía Bãi Trạng dưới chân núi Mồng Gà, đón nhận thêm con hói Hiến, xoáy sâu lòng sông thành một cái vực gọi là vực Ác rồi mới ngoặt phải xuôi xuống ghềnh Tàng trước khi hợp cùng Ngàn Phố góp nước thành sông La.

Cũng như bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, quê tôi vốn có một truyền thống văn hoá quần cư làng xã lâu đời, vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa mang những nét riêng biệt của một miền quê. Những phong tục tập quán đẹp đẽ được hình thành và lưu giữ, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác đã định hình trong đời sống sinh hoạt thường nhật thường niên của cộng động là nhưng di sản tinh thần vô cùng quý giá. Cư dân sống bên bờ sông có tục rửa nước Tiên sáng mồng một Tết. Dân vùng xóm núi có tục cúng Thần núi, Thần khe. Người làm nghề chài lưới thì cúng Hà bá - Thuỷ thần.  Người dân quê từ xưa tới nay đã thấm sâu trong căn cơ máu thịt nghĩa xóm tình làng. Bình thường ai lo việc nấy nhưng khi có việc này việc nọ thì cả làng xúm lại. Một người ốm nặng, cả làng đến thăm. Nhà có tang cả làng cùng đỡ, ngồi túc trực với tang chủ đến tận khuya. Ai dựng vợ gả chồng cho con cái thì mọi người đến giúp chung vui. Ngày nào cũng nghe râm ran mời nhau uống nước chè xanh.  Quây quần với nhau trên chõng tre giữa sân những đêm trăng sáng, uống nước “chè om”, với rổ lạc rang, củ khoai, củ sắn của cây nhà lá vườn là cái thú quê, không phải nơi nào cũng có được.

Lúc thường đã vậy, dịp Tết càng thắm tình hơn. Ai từ quê ra đi, dù là đi làm ăn theo năm theo mùa vụ hay đi rồi định cư lập nghiệp ở nơi khác, đến ngày Tết lại tìm về. Nếu có ai đó vì hoàn cảnh không về được thì cái tết đó coi như giảm bớt nhiều ý nghĩa. Người đi đã thế, còn người ở quê thì trông đợi. Thấy lác đác có người về ăn Tết lại thấp thỏm nghĩ tới người thân của mình.

 Trong tâm khảm mỗi người, ngày Tết thật là thiêng liêng. Tết cũng là dịp để mọi người đến thăm hỏi nhau, gắn bó thân tình với nhau hơn. Quanh năm ai lo việc nấy nhưng tối tất niên thì thể nào cũng phải chạy qua nhà này nhà kia một tý cho kịp hết năm cũ. Sang mồng một thì đi chúc Tết tất cả xóm giềng. Nhà nào chưa đến được trong ngày đầu năm là day dứt lắm. Dù mới gặp nhau hôm qua hôm kia nhưng hôm nay nó khác hơn. “Hai năm rồi ta mới gặp lại nhau nhỉ!”. Người ta đùa vui, nắm tay nhau như thể đã lâu rồi mới gặp lại, chúc nhau những lời chúc tốt lành để rồi ngày mai ngày kia đã lại là năm cũ rồi ai lo việc nấy, chờ đến một cái Tết sau. 

Với địa hình tứ bề là núi chắn sông ôm, Kẻ Bượm không những là một vùng cảnh quan sơn thuỷ hữu tình mà còn có nhiều chứng tích lích sử.  Năm 1951, từ mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa, gia đình của Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng một số gia đình khác từ Quảng Trị tản cư ra ở xóm Tùng Lân. Ông Lê Hiệp là thân sinh của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, sinh thời mọi người thường gọi là ông Nhuận, người cao to, da dẻ hồng hào. Bà vợ của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ở cùng với hai người con gái tên là Diệu Cừ và Diệu Hồng. Đến cuối năm 1953 thì gia đình ông Nhuận ra ở Cổng Chốt thuộc thành phố Vinh rồi sau mới chuyển ra Hà Nội.  

Những năm 1961-1962, khi miền Bắc nước ta  bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, bỗng nhiên có nhiều người ở xa đến dựng lán mở xưởng đóng thuyền nan tại làng Trùa. Phần lớn họ là dân biển, quê ở mãi trong Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khi mới đến họ còn ở phân tán trong các nhà dân, sau đó thì tập trung ở lán cả và cũng rất ít tiếp xúc với bên ngoài. Công việc của họ là làm thuyền nan vượt biển.  Lúc đầu họ đan những chiếc thuyền thúng tròn, có miệng rộng từ 3 - 4 mét. Thời gian sau họ đan những thuyền to và dài, trọng tải từ 10 đến 20 tấn. Đặc điểm của những chiếc thuyền nan này là không hề có một thứ gì dính dáng đến kim loại. Tất cả đều từ tre và mây. 

Sau khi đan xong thuyền, họ xảm thuyền bằng cách đổ tráng phủ một lớp dầu dày gọi là dầu rái. Loại dầu này sau khi đun sôi lên đổ vào nan tre thì nó dính chặt không thể bong ra và nước không thấm qua được. Ngày hạ thủy thuyền thật là vui. Họ buộc những dây chão to bện bằng sợi xơ dừa vào mũi và thân thuyền rồi tời thuyền lăn trên những cái đà bằng tre hoặc bằng gỗ tròn.  Thuyền hạ thuỷ xong thì có một bộ phận khác đến nhận rồi theo dòng sông Ngàn Sâu mà xuôi về phía biển ngay trong đêm ấy. Những người trong đội thuyền lại bắt tay ngay vào việc đóng một chiếc thuyền nan khác. Rất nhiều những chiếc thuyền  như vậy đã từ làng Trùa ra đi. 

Đãi hến bên bờ sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh Dương Chiến.

Cứ  thế cho đến một ngày cuối năm 1966, cả đội thuyền nan ấy cũng ra đi một cách lặng lẽ như khi họ đến. Mãi sau này người ta mới biết được đội đóng thuyền nan ấy là một bộ phận của “Đoàn tàu không số”. Họ đã đan những chiếc thuyền nan đặc biệt để chở những chuyến hàng đặc biệt chi viện cho chiến trường miền Nam theo con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, con đường huyền thoại có một không hai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Những năm miền Bắc bước vào giai đoạn chống chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, nhiều cơ quan, xưởng máy, xí nghiệp, trường học đã chọn quê tôi làm nơi sơ tán để tiếp tục sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1965, hai tổ máy số 1 và số 2 của nhà máy nhiệt điện Vinh đã được chuyển về đây. Các đơn vị bộ đội công binh, dân quân địa phương và dân công hoả tuyến được huy động tập trung ngày đêm đào hầm lớn, xuyên sâu vào lòng núi để đặt máy phát điện. Rồi từ trong lòng rú Tàng ấy, dòng điện vẫn đêm ngày liền mạch, phục vụ cho trạm bơm Linh Cảm, cho các nhà máy xí nghiệp và các đơn vị quốc phòng trên cả một khu vực rộng lớn vùng Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn. Cùng với hai tổ máy phát điện của nhà máy điện Vinh, một bộ phận của xí nghiệp cơ khí thông dụng Hà Tĩnh cũng về đóng ở xóm Đông Lĩnh có tên gọi là xưởng cơ khí 31 tháng 3 (vì xưởng cơ khí này được thành lập vào ngày 31 tháng 3 năm 1966). Họ chế tạo các mặt hàng cơ khí phục vụ nông nghiệp và quốc phòng từ xe cải tiến, cào cỏ lúa cải tiến, cuốc xẻng, đinh ốc đến các bộ phận thiết bị máy móc quan trọng khác. Xí nghiệp gỗ 26 tháng 3 Linh Cảm thì về dựng lán sản xuất tại xóm Đông Bình. Binh trạm 8 đóng quân suốt dọc từ Đoài Trung, Đoài Đức xuống đến xóm Thượng Hoà, có nhiệm vụ đưa đón thương binh từ tuyến trong ra, nhận tập kết chuyển quân từ ngoài Bắc vào.  

Làng quê tôi trước đây là một trong những địa phương có hệ thống đường giao thông vào loại kém nhất huyện. Vào mùa mưa lụt, đường sá lầy lội đi lại thật khó khăn. Những năm gần đây, đặc biệt là trong phong trào xây dựng nông thôn mới, diện mạo làng quê tôi đang từng ngày từng giờ khởi sắc. Tỉnh lộ số 5 từ Linh Cảm lên Yên Duệ qua Hòa Lạc có từ thời Pháp thuộc nay được đổ bê tông kiên cố là đường giao thông chính liên xã rất thuận tiện. Tất cả các tuyến đường liên thôn lối xóm cũng đã được nâng cấp, bê tông hóa, mở rộng theo quy chuẩn đường  nông thôn mới. Theo đó các loại xe tải, xe khách, xe du lịch ngày càng xuất hiện.

Phong trào chỉnh trang vườn hộ xây dựng vườn mẫu được toàn dân trong thôn hưởng ứng tích cực. Đi qua các khu dân cư bây giờ là những đường hoa đủ sắc màu sặc sỡ. Nhiều “triệu phú làng” xuất hiện. Nhiều nhà mới khang trang đã mọc lên. Có những ngôi nhà được xây theo lối biệt thự sang trọng. Các khu vui chơi giải trí được người dân tự giác góp công sức và tiền của đầu tư. Đặc biệt Nhà văn hóa thôn vừa được hoàn thành theo mô hình “nhà vượt lũ hai tầng” với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cộng đồng vô cùng thuận tiện. 

Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000 - 2020, thôn Phúc Xá  là đơn vị xuất sắc nhất của xã Hòa Lạc, được UBND huyện Đức Thọ tặng giấy khen. Trong đợt khảo sát vừa qua, Phúc Xá được huyện đề xuất đạt danh hiệu  “Làng nông thôn mới kiểu mẫu” cấp tỉnh. 

Mùa xuân này mời bạn về thăm Kẻ Bượm quê tôi nhé, để cùng chung khúc ca vui với dân làng, để cùng tự hào về một miền quê nghèo năm xưa bây giờ đã đổi thay, làng như phố.