Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bắc Giang: Hiểu luật, giảm khiếu kiện, cuộc sống khá giả, đầm ấm

08:25 29/10/2020 GMT+7

Có kiến thức pháp luật cuộc sống của các hội viên nông dân trên địa bàn Bắc Giang ngày càng đầm ấm và khá giả. Tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu kiện ngày càng giảm.

Một buổi tập huấn pháp luật cho cán bộ Hội. Ảnh T.L

Các hoạt động tuyên truyền pháp luật có chiều sâu

Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật triển khai đến Hội Nông dân các huyện, thành phố và coi đó là chỉ tiêu thi đua trong năm. Trong giai đoạn 2004-2019, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật đất đai, Luật Phòng chống mua bán người, khiếu nại, tố cáo, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ… bằng các hình thức như tập huấn, toạ đàm, hội thi, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, phát tài liệu tuyên tuyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ nông dân với pháp luật; phát tờ rơi, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở…

Kết quả đã tổ chức 206 cuộc tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho 22.311 lượt cán bộ, hội viên; tổ chức 65 cuộc toạ đàm, hội thảo, hội nghị Chuyên đề Nông dân tìm hiểu pháp luật cho 19.360 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự. Các cấp Hội thường xuyên vận động 100% gia đình hội viên ký cam kết thực hiện “Gia đình nông dân hạnh phúc”, không phạm tội và mắc các tệ nạn xã hội. Hàng năm, các cấp Hội đều tổ chức những hoạt động cụ thể (tổ chức hội nghị tuyên truyền , toạ đàm, treo băng zôn, khẩu hiệu…) để hưởng ứng “Ngày Pháp luật”.

Nhằm cung cấp tài liệu tuyên truyền đồng thời hỗ trợ các buổi sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu pháp luật của hội viên nông dân được thuận lợi, các cấp Hội đã khai thác 98.217 cuốn tài liệu về Những điều cần biết về tội phạm buôn bán người; Di cư an toàn; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; quyền và trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam… xuống cơ sở làm tài liệu tuyên truyền. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phát hành hàng nghìn tài liệu hướng dẫn sinh hoạt chi hội, trong đó đã biên soạn các bộ câu hỏi tìm hiểu một số văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Luật An toàn thực phẩm…

Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bắc Giang cho biết: “Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền mang tính chiều rộng, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang còn chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền theo chiều sâu các văn bản pháp luật có liên quan, công tác giải quyết đơn thư và hoà giải trong các cấp Hội Nông dân; công tác sơ kết, tổng kết thi hành các văn bản pháp luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức Hội cũng được các cấp Hội quan tâm thực hiện tốt. Thời gian qua các cấp Hội đã thực hiện tổng kết, sơ kết thi hành Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013, Bộ Luật Hình sự 1999, Bộ Luật Dân sự 2005, Luật Hoà giải ở cơ sở… Căn cứ vào kết quả thực tiễn thi hành luật, tổ chức Hội đã tổ chức đóng góp ý kiến, phản biện xã hội vào các dự thảo văn bản pháp luật liên quan như: Hiến pháp 2013, Luật phòng chống tác hại thuốc lá, Luật phổ biến giáo dục pháp luật , Luật đất đai…”

Được tuyên truyền pháp luật, nông dân ở Bắc Giang yên tâm sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thanh

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền

Để công tác giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, chất lượng, Hội Nông dân Bắc Giang rất quan tâm, bố trí, khai thác nguồn nhân lực nhằm đảm bảo triển khai hoạt động. Hội Nông dân tỉnh phân công lãnh đạo phụ trách, phân công Ban Tổ chức – Kiểm tra là đầu mối tham mưu công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hội Nông dân của 10/10 huyện, thành phố phân công đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật cấp huyện, cử lãnh đạo phụ trách, cán bộ tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong hệ thống Hội. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh còn bảo vệ ngân sách dành cho công tác phổ biến pháp luật khoảng 70-100 triệu đồng. Qua đó tổ chức các cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn chủ động phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Ban An toàn giao thông tỉnh định kỳ hàng năm tổ chức từ 20-30 hội nghị truyền thông, tập huấn, toạ đàm hái hoa dân chủ tìm hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, an toàn giao thông…

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn cơ sở, thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò của pháp luật trong đời sống, trong lao động sản xuất và kinh doanh; nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật ngày càng được nâng lên rõ rệt. Ý thức tự giác chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Việc xây dựng các mô hình chuyên đề nông dân với pháp luật cũng là một nội dung mà tổ chức Hội thực hiện có hiệu quả, qua đó hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến hội viên nông dân. Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 1.200 các loại hình câu lạc bộ như Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; câu lạc bộ “Gia đình nông dân hạnh phúc” với trên 10.783 thành viên. Trong 15 năm qua (2004-2019), Hội Nông dân tỉnh tiếp nhận, giải quyết 134 đơn thư; Hội Nông dân cấp huyện, thành phố và cơ sở tiếp nhận, giải quyết 678 đơn thư; phối hợp thực hiện hoà giải 3.256 vụ mâu thuẫn gia đình, làng xóm…

Ông Nguyễn Văn Nguồn cho hay, trong quá trình tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật, các cấp Hội luôn chủ động đề xuất và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng như công an, tư pháp, giao thông vận tải, lao động thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường… qua đó tổ chức các hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả.

“Trong quá trình triển khai thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân tỉnh Hội chỉ đạo nội dung tuyên truyền phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đổi mới, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội từng địa bàn, đa dạng các hình thức triển khai thực hiện như: Tập huấn, trang bị tài liệu sinh hoạt chi hội, viết tin, bài, thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh ở cơ sở, tổ chức hội thi…”.
Ông Nguyễn Văn Nguồn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang.

Minh Tâm