Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bác Hồ về Hà Nội

13:16 02/09/2021 GMT+7

Con đường cách mạng của Hồ Chủ tịch đi tìm đường cứu nước bắt đầu từ bến Nhà Rồng – Sài Gòn sau hơn 30 năm bôn ba hải ngoại, cuối cùng đã tới Hà Nội. Trước mặt Người là một Thủ đô rực cờ đỏ sao vàng và Làng Gạ (Phú Thượng) vinh dự được đón Bác.

Chiếc máy chữ đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh mang từ ATK về Hà Nội.

Con đường từ ATK về Phú Thượng

Sau ngày 18/8 không khí ở Tân Trào trở nên yên ắng lạ thường. Các đơn vị bộ đội dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Đàm Quang Trung đã lên đường tiến về thị xã Thái Nguyên. Ở đây những trận đánh nhằm giải phóng thị xã Thái Nguyên ra khỏi quân Nhật đang chờ họ. Các đại biểu của Quốc dân đại hội đã trở về.

Những người còn lại ai cũng háo hức chờ đợi giây phút hằng mong đợi được về xuôi. Sáng ngày 22/8, Bác cho gọi các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Kháng, Trần Thị Minh Châu, Lê Giản lên họp và nói: “Nay thời cơ cách mạng đã chín muồi, các cô các chú ai cũng muốn về Hà Nội nhưng đợt này Bác về và để các cô các chú ở lại Tân Trào thêm một thời gian nữa. Các cô các chú nên nhớ rằng Cách mạng phải có đường tiến, đường lùi. Đừng tưởng chúng ta về là sẽ không bao giờ trở lại núi rừng nữa. Có thể chúng ta vẫn còn trở lại khu căn cứ này. Cho nên Bác giao cho các cô, các chú nhiệm vụ ở lại đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn, no ấm hơn, văn minh hơn để đồng bào thấy rõ ánh sáng của cách mạng và cũng là đền đáp công ơn của đồng bào đã đùm bọc chúng ta trong bao nhiêu năm”.

Trước khi lên, đường Bác Hồ chào hỏi bà con dân bản. Bác tặng cháu bé Khoái một quyển vở và một chiếc bút và chúc cháu học chăm học giỏi. Đây là cháu bé vẫn thường hay ra lán chơi với Bác và được Bác dạy cho những chữ cái đầu tiên.

Đúng 8h sáng Bác cùng đoàn bảo vệ hơn 10 người bắt đầu khởi hành theo đường mòn qua đèo De sang Đại Từ. Chiều tối cả đoàn đến Đại Từ thì ngủ đêm. Sáng hôm sau tiếp tục di chuyển về thị xã Thái Nguyên. Đi qua những vùng giải phóng cờ đỏ sao vàng biểu ngữ chăng khắp nơi làm mọi người trong đoàn nức lòng. Buổi trưa đoàn đến thị xã Thái Nguyên khi trận đánh đã dừng được 1 tiếng. Đồng chí Đàm Quang Trung, Thomas (Đội trưởng đội con Nai) đưa Bác vào nghỉ trong một căn nhà nhỏ để trao đổi. Tại đây, Bác được biết rằng đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng hai chi đội quân giải phóng tiến thẳng về Hà Nội sau khi biết tin tổng khởi nghĩa đã thành công ở Thủ đô.

Ngày đó chúng ta chưa trang bị thông tin liên lạc nên quân giải phóng không thể báo cho Bác biết. Tuy vậy Bác Hồ cảm thấy rất vui vì quyết định mau lẹ, đúng đắn của người chỉ huy tối cao quân giải phóng. Đó là một giải quyết rất hợp lý. Chia tay đội giải phóng quân của đồng chí Đàm Quang Trung, Bác và các đồng chí cận vệ lên xe ô tô tiến nhanh về Hà Nội. Buổi tối hôm đó, Trung ương Đảng đưa Hồ Chủ tịch đến nghỉ tại nhà ông Công Ngọc Kha tại làng Gạ, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Gạ, Phú Thượng, Hà Nội.

Những ngày đầu tiên ở làng Gạ

Phú Thượng từ lâu đã là cơ sơ của phong trào cách mạng nội đô. Khu vực này là nơi hoạt động thường xuyên của đồng chí Hoàng Tùng (Nguyên Bí thư BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân). Gia đình mà Bác Hồ đến trọ nguyên là nhà của một Chánh tổng đã giác ngộ cách mạng. Khi Bác về người chủ gia đình là ông Công Ngọc Kha. Sở dĩ chúng ta chọn ngôi nhà này để Bác ở đầu tiên là để đảm bảo bí mật tuyệt đối, không bị nghi ngờ. Đoàn hơn 10 người của Bác đã trọ ở đây từ ngày 23-25/8. Ông Công Ngọc Kha lúc đó được tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Bảo vệ vòng trong là đồng chí Nam Long – một tiểu đội trưởng của Trung đội Giải phóng quân đầu tiên. Đồng chí Nam Long là người dân tộc Tày, sau này tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, về hưu ở cấp bậc Trung tướng. Được giới thiệu là các đồng chí từ chiến khu trở về, ông Kha rất mong được nghe những chuyện ở trên đó nhưng ông Hoàng Tùng đã ngăn lại vì sợ mọi người mệt do đi đường xa. Và cũng để đảm bảo bí mật. Bác nghỉ trên một cái chõng tre.

Đêm đầu tiên ở Phú Thượng, Bác làm việc rất khuya. Khi ông Kha đi gác về vẫn thấy Cụ ngồi trên chiếc trường kỷ bên cạnh là đèn dầu lập lòe (những năm đó ở Phú Thượng chưa đó điện). Sáng sớm, Bác ra trước bờ ao tập thể dục rồi quay vào bàn làm việc.

Hai ngày Hồ CHủ tịch ở đây, các đồng chí lãnh đạo tối cao của Đảng như: Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Trần Đăng Ninh đã đến để báo cáo về tình hình cách mạng trong nước. Về lực lượng quân Nhật, những nhóm Việt gian thân Tàu Tưởng… Cũng tại nơi đây Bác được thông báo một phái đoàn Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Trần Huy Liệu đã lên đường vào Nam nhằm tước ấn kiếm của Bảo Đại.

Trong những ngày Bác ở làng Gạ, mọi việc diễn ra rất bí mật. Ví dụ như vỏ hộp thịt ông Hoàng Tùng chuyển cho gia đình làm cơm cho Bác ăn được vứt xuống đáy ao. Chính tại nơi đây những ý tưởng đầu tiên về Tuyên ngôn độc lập của dân tộc đã được hình thành. Chiều ngày 25/8, Trung ương Đảng quyết định đưa Bác về 48 Hàng Ngang để cho tiện việc họp hành, gặp gỡ các đại diện quốc tế. Trước khi đi Bác gọi ông Kha tới và nói: “Tôi về đây mấy hôm được sự chăm nom của gia đình, chiều nay phải đi công tác, tôi xin cảm ơn gia đình đã giúp đỡ tôi cùng anh em trong đoàn. Hẹn dịp khác sẽ quay trở lại”.

Hơn một tuần sau, ngày 2/9/1945 trong gia đình có người đi tham dự mít tinh ở Quảng trường Ba Đình được nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, thấy hơi ngờ ngợ giống ông Cụ mắt sáng trong đoàn. Tới khi ông Hoàng Tùng khẳng định đấy chính là Hồ Chủ tịch, là Nguyễn Ái Quốc thì mọi người trong gia đình vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc vì đã được chăm lo cho Bác trong những ngày đầu tiên về Thủ đô.

Sau này ngày 24/11/1946, Bác đã quay trở về thăm Phú Thượng. Tới gia đình, Bác hỏi thăm ông Trường (là ông nội của ông Kha, lúc đó đã 90 tuổi), ông Trường mặc áo the, khăn xếp trịnh trọng chạy ra, thấy Bác định quỳ xuống làm lễ. Nhưng Bác đã nhanh nhẹn đỡ cụ Trường đứng lên và nói: “Bây giờ chúng ta là anh em, không còn chế độ thực dân phong kiến nữa. Mời cụ vào trong nhà nói chuyện”. Ông Trường nói: “Đất nước phải có trên có dưới, phải có tôn ti trật tự, tôi không dám”. Hai người tiếp tục trò chuyện một hồi lâu.

“Năm 1996, ngôi nhà ở làng Gạ, Phú Thượng đã được thành phố Hà Nội công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Trung ương và Hà Nội đã về đây thăm. Đây là di tích giữ gần nguyên vẹn trạng thái ban đầu. Chúng tôi có trách nhiệm khai thác, giữ gìn những gì thế hệ trước truyền lại. Đó là điều đáng trân trọng và tự hào của quê hương chúng tôi”- ông Công Ngọc Điệp, Bí thư chi bộ 3, Đảng bộ phường Phú Thượng cho biết.

Thiên Việt