Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bi hài mạng xã hội

22:29 18/06/2018 GMT+7

Hộp tin nhắn Facebook của tôi có hai văn bản lạ. Một là thư thông báo nợ của một công ty chuyên đòi nợ thuê và một của chính doanh nghiệp bạn tôi được cho là đang nợ nần.

Văn bản nói bạn tôi, ông D. – giám đốc công ty dịch vụ du lịch S đã nợ món tiền khổng lồ, đòi nhiều tháng không trả, họ đang đưa bạn tôi ra tòa dân sự.

Tôi hốt hoảng hỏi vài người chung lớp, ai cũng xác nhận đã đọc tin nhắn tương tự.

Thôi rồi, bạn D. của chúng tôi gặp chuyện chẳng lành. Chắc danh sách 800 bạn bè Facebook anh ấy đã bị khủng bố.

D. kết bạn trên mạng với hai đứa con, vợ, cha mẹ, anh em họ hàng… Khi tôi tọc mạch nhắn hỏi cái nick trong hộp thư inbox rằng bạn tôi có nợ nần gì thì để cơ quan chức năng làm việc, họ gửi như thế này đâu có tác dụng gì. Cái nick ảo đó đưa ra hàng loạt những lời vô học, bặm trợn, dọa dẫm tôi. Anh ta (hay chị ta?) nói đã gửi tin cho 500 cái nick trong danh sách bạn bè của D. mà không có ai dám nói lại như tôi. Người này còn dọa rằng có muốn họ tung những cái “còm” (comment) của tôi trên trang cá nhân của D. lâu nay không. Hú hồn, tôi chặn nick, rút khỏi cuộc trò chuyện, lo lắng nghĩ, không chừng theo hiệu ứng cấp số nhân, cả danh sách “bạn bè của bạn bè” liên quan tới D. cũng bị khủng bố.

Tôi sợ hãi hơn nữa khi nghĩ tới hai đứa con của D. đang học cấp 2, nghĩ tới người đàn bà yếu đuối là vợ D. đang làm công sở nhà nước. Tôi toát mồ hôi hột khi nghĩ tới ông bố D. đang là tổ trưởng tổ dân phố mẫu mực, mẹ D. – một bà giáo già đang trị bệnh tim mạch, họ sẽ thế nào?

Tôi tìm nick của D. Anh đã khóa tài khoản tự khi nào. Không rõ do bạn bè nhận tin nhắn và báo cho anh khóa. Hay anh đã dự cảm điều ấy mà rút lui trên mạng.

Nhưng dù thế nào cũng quá muộn rồi. Chuyện làm ăn và quan hệ dân sự của cá nhân, chưa biết thực hư đúng sai ra sao, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới người thân, thậm chí lưu vĩnh viễn trên bộ nhớ của Facebook. Và anh cũng như chúng tôi, hẳn không bao giờ biết việc chơi mạng xã hội lại có lúc trở nên bi thảm thế này.

Hai tuần qua, báo chí ồn ào với nhiều bài viết quanh các phản ứng của khách hàng khi một công ty tài chính cho vay dễ dãi, duyệt hồ sơ cẩu thả, rồi sau đó không quản nổi những nhân viên thu hồi nợ khi họ khủng bố khách hàng bằng điện thoại, tin nhắn theo kiểu xã hội đen. Nơi tôi làm việc, có một chị chẳng liên quan gì tới nợ vay cũng nhận một lá thư của ngân hàng nọ với mục đích “hỗ trợ thu hồi nợ”. Lá thư ấy đi không đúng đường, chẳng có chút giá trị pháp lý, nhưng khả năng tàn phá uy tín cá nhân thì thật kinh khủng.

Người vay nợ là anh chồng cũ mà chị đã ly dị. Cách đây ba năm, khi làm hồ sơ vay tín chấp, anh chồng có đính kèm bản sao hộ khẩu gia đình (lúc ấy chị đang làm thủ tục tách khẩu). Nhân viên tín dụng duyệt hồ sơ vay không hề gọi chị để xác minh, suốt ba năm qua cũng không có ai liên lạc với chị. Rồi bỗng một ngày, không hiểu sao họ biết được nơi chị làm việc và “rải” văn bản tới cơ quan để hạ nhục, gây sức ép với chị. Sau khi giải trình với lãnh đạo cơ quan và nhờ luật sư xác minh hồ sơ vay không liên quan gì tới mình, chị tạm vơi nỗi lo mất uy tín nơi làm việc.

Chuyện nhà ồn ào, chị có thể nói “tôi không còn là vợ anh ấy”, song những đứa con của chị, chúng có còn yên ổn? Một dòng thông tin ngày nay có thể lưu vĩnh viễn trên Google và không một ai có thể lường hết những nguy cơ. Lo lắng một ngày nào đó những kẻ đòi nợ máu lạnh sẽ tìm được số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội, để bảo vệ mình, bảo vệ bọn trẻ, chị lặng lẽ khóa Facebook, Zalo, Viber, Instagram, biến mất hoàn toàn khỏi mạng xã hội.

Ôi cái Facebook, tưởng là trò chơi mà đâu dè không hề đơn giản, có lúc tai họa chẳng biết từ đâu rơi xuống. “Vỡ trận” công ăn việc làm và cũng “vỡ trận” gia đình như chơi!

Minh Lê