Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau: Chú trọng nâng chất sản phẩm để chứng nhận OCOP

07:08 28/06/2021 GMT+7

Theo triển khai của UBND tỉnh đến năm 2025, ngoài nâng chất các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, tỉnh Cà Mau sẽ đạt mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm khác đạt từ 3-4 sao.

Gian hàng các sản phẩm tỉnh Cà Mau tham gia Ngày hội TP. Châu Đốc (An Giang). Ảnh T.L

Lợi thế trong quá nhiều khó khăn

Là 1 trong 4 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, khí hậu đất đai thích hợp phát triển cây trồng, vật nuôi nên Cà Mau có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Hơn nữa, thành tựu vượt bậc sau 10 năm thực hiện chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới (với 43/82 xã được công nhận) đã làm diện mạo nông thôn Cà Mau ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Xét về hình thái chung, đây là điều kiện tốt để Cà Mau thực hiện chương trình OCOP. Nhưng về căn bản, Cà Mau vẫn là tỉnh vùng sâu, vùng xa, hạ tầng giao thông thủy lợi kém với hệ thống sông ngòi chằng chịt. Tổ chức sản xuất qui mô nhỏ lẻ manh mún còn tồn tại nhiều, giá trị nông sản còn thấp chưa ổn định bền vững. Tiêu thụ nông sản chủ yếu ở dạng thô sơ chế, công nghiệp dịch vụ ngành nghề nông thôn và năng lực nhận thức về chương trình OCOP còn nhiều hạn chế.

Thế nhưng, dù trong bối cảnh diễn biến dịch Covid – 19 phức tạp, Cà Mau vẫn nỗ lực vượt bậc trong thực hiện Chương trình OCOP. Chỉ trong năm 2020, tỉnh Cà Mau đã có 37 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, vượt 48% so với 25 sản phẩm kế hoạch đề ra. Có 33 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP, vượt 32% so với 25 sản phẩm của kế hoạch năm 2020. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao, vượt so với mục tiêu kế hoạch đặt ra. Các sản phẩm OCOP chủ yếu là thuộc nhóm thực phẩm cua, tôm, ba khía, thòi lòi, cá khô bổi (cá sặc), ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu, bánh phồng tôm…. đây được xem là các đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Trong đó, nhiều nhất là các sản phẩm từ tôm, như bánh phồng tôm (38% tôm), bánh phồng tôm (tôm sú), bánh phồng tôm (tôm đất), tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ… Sản phẩm cua có thịt cua sinh thái, cua biển Năm Căn…

Trạm dừng chân Tư Tỵ, Thị Trấn Rạch Gốc. Đây là 1 trong 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tiêu biểu cuả địa phương tỉnh Cà Mau, điểm này nằm trên đường đi Đất Mũi Cà Mau đoạn qua huyện Ngọc Hiển.

Tự hào nhưng không tự mãn

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thông tin, để đạt được những thành công vừa qua, đó là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp và sự ủng hộ của người dân, của các doanh nghiệp địa phương. Để thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, thì sự nỗ lực của các ngành, các cấp còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa.

Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án đạt hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Sử, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3-4 sao. Trong đó, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch đưa vào chương trình OCOP như: Du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng…

Trước mắt, trong năm 2021, tỉnh Cà Mau phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó, công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao. Đồng thời nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm được công nhận trong năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao. Song song đó là phát triển và nâng cấp ít nhất 28 – 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Có 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP và 50% người lao động OCOP với trình độ phù hợp cho từng đối tượng.

Nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 302 tỷ đồng, trong đó vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng. Ngoài ra, còn lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn, nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung phát triển sản xuất.

Một đoàn du khách châu Á hào hứng với trải nghiệm lấy ong mật trong rừng U Minh tại khu Du lịch Hương Tràm, huyện U Minh (Cà Mau). Du lịch trải nghiệm đang được Cà Mau chú trọng xây dựng.

Trong đó, chú trọng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Để thực hiện tốt chương trình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các đối tượng chủ thể tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tăng nguồn lực đầu tư cho chương trình OCOP thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia. Xây dựng các tiêu chí cụ thể làm căn cứ phân bổ nguồn vốn đầu tư cho chương trình OCOP, trong đó cần có các tiêu chí hỗ trợ đặc thù như: xã có diện tích rộng; đơn vị thuộc địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, đơn vị ở vùng sâu vùng xa, vùng có kết cấu hạ tầng không cao.

Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, trong năm 2020, Sở Công thương đã hỗ trợ xây dựng 5 điểm ưu tiên trưng bày giới thiệu và bán 33 sản phẩm OCOP đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020 cấp tỉnh vừa qua gồm: Công ty TNHH Thương mại – Du lịch Ánh Nguyệt, Phòng trưng bày đặc sản Cà Mau (Trung tâm Khuyến công Cà Mau), Công ty TNHH Năm Phương Đất Mũi xã Đất Mũi, Công ty TNHH Tư Tỵ, Thị trấn Rạch Gốc (Trạm dừng chân Tư Tỵ), Công ty TNHH Xăng dầu Kim Minh (Chi nhánh 2). Nơi đây còn trưng bày các sản phẩm Nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Theo đó, đại diện các điểm cam kết thực hiện đúng quy định, giữ uy tín các sản phẩm về nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình thực hiện sẽ kiểm tra cẩn trọng, nhất là hạn sử dụng để phối hợp đơn vị cung cấp quản lý, đổi sản phẩm OCOP.

“Để thực hiện thành công kênh phân phối thông qua các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch, chúng tôi rất cần sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp và toàn xã hội, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, một sự cộng đồng gắn kết trách nhiệm để chăm lo cho nền sản xuất trong nước dựa trên cơ sở hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, có sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu; đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ nhanh, bền vững trong tình hình mới”.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau.

Bài, ảnh: Hoàng Nam