Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cá ngừ kêu cứu và những chính sách từ phòng lạnh đi ra

09:42 25/03/2019 GMT+7

Với những sự “cầu cứu” gần đây của doanh nghiệp, người dân, người ta có cảm tưởng rằng, những chính sách vẫn từ phòng lạnh đi ra cuộc sống.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa Công văn số 15/2019/CV-VASEP: Báo cáo và kiến nghị tháo gỡ tình trạng ách tắc nguyên liệu cá ngừ nhập khẩu tại cảng và xem xét giải quyết vướng mắc về Giấy xác nhận do cơ quan thông quan của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp.

Bộ NN&PTNT có vẻ như đang chơi trò “bịt mắt bắt dê” khi ngày 10/2/2019 Thông tư này có hiệu lực, nhưng trước đó không hề có động thái phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp bị đẩy vào tình trạng đã rồi

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết rằng, Thông tư này sau khi có hiệu lực thì VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ mới biết và hai cuộc tập huấn này chỉ được tổ chức trong khoảng từ 15 – 20/2/2019. Điều ấy có nghĩa là, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nếu đã ký hợp đồng mua nguyên liệu trước đó sẽ không đáp ứng được một quy định “phi thực tế” mà thông tư 36 nói trên ban hành.

Nhưng có lẽ, việc một thông tư hay một văn bản pháp luật nào đó có hiệu lực tức thì cũng có thể không phải là vấn đề. Những rắc rối phát sinh sẽ chỉ xảy ra khi các quy định không xuất phát từ thực tế và các cơ quan soạn thảo không thực sự tôn trọng ý kiến doanh nghiệp, người dân. Họ cứ bịt mắt dân, doanh nghiệp để mọi người tham gia vào một trò chơi mà lợi thế luôn thuộc về quản lý nhà nước.

Cá ngừ ùn ứ tại các cảng vì Thông tư 36, Nguồn, Vasep

Xét ở thông tư 36 nói trên, rắc rối phát sinh từ điểm G, Khoản 2, Điều 1 yêu cầu các lô hàng thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam thì phải cung cấp kèm theo lô hàng “Bản sao Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của doanh nghiệp).

Hơn nữa, dường như Bộ NN&PTNT còn “chỉ đạo” các nước khác khi quy định: “Nội dung Giấy xác nhận thể hiện các thông tin sau: tên; số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển; tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ, điều kiện lưu giữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ”.

Đáng chú ý rằng, như VASEP thông tin, suốt 4 tháng cuối năm 2018, VASEP và các doanh nghiệp ngành cá ngừ Việt Nam đã có báo cáo và góp ý xây dựng, thông tin thực tế cho Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 26, bao gồm đặc biệt việc Dự thảo quy định nội dung tại điểm G, Khoản 2, Điều 1 là rất khó khăn trong thực tế, trong khi các nội dung này đã có trong Giấy Chứng nhận Thuyền trưởng.

Hơn nữa, thực tế là, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ đều từ chối cấp Giấy xác nhận mà Bộ NN&PTNT yêu cầu trong thông tư 36. Một số quốc gia như Thái Lan, Philipin có giấy xác nhận này, nhưng khó khăn lại nằm ở chỗ họ không “tuân thủ” mẫu giấy xác nhận mà Bộ NN&PTNT của ta yêu cầu. Điều đó cũng gây khó khăn cho cả cơ quan Thú y của Việt Nam vì giấy xác nhận của… Thái Lan không đúng quy chuẩn của Bộ NN&PTNT nên không có cơ sở để chấp nhận giấy xác nhận của Thái Lan (nếu có).

Và hậu quả đã xảy ra khi các container cá ngừ đang ách tắc tại các cảng. VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lại phải “cầu cứu” Bộ NN&PTNT “xem xét chỉ đạo tháo gỡ” bằng cách cho phép có giai đoạn chuyển tiếp để thực thi thông tư 36/2018 cho đến hết ngày 31/3. Đương nhiên, VASEP cũng không quên đề nghị Bộ NN&PTNT khảo sát thực tế để có những quy định phù hợp.

Bộ NN&PTNT có thể làm cho thông tư 36 tốt hơn nếu biết lắng nghe doanh nghiệp và hiệp hội liên quan. 

“Bịt mắt bắt dê”

Dông dài như vậy để thấy rằng, mặc dù Bộ NN&PTNT có thể làm cho thông tư 36 tốt hơn nếu biết lắng nghe doanh nghiệp và hiệp hội liên quan. Nhưng rất tiếc là có vẻ “quản lý nhà nước” vẫn như một thành trì khó công phá. Và đương nhiên, quản lý nhà nước với ý nghĩa “gây khó khăn” càng được củng cố hơn là ý nghĩa “tạo thuận lợi”.

Với những sự “cầu cứu” gần đây của doanh nghiệp, người dân với Thủ tướng, Chính phủ, các bộ trưởng hay các cơ quan hữu quan khác, người ta có cảm tưởng rằng, những chính sách vẫn từ phòng lạnh đi ra cuộc sống. Đương nhiên, pháp luật lúc nào cũng lạc hậu hơn so với cuộc sống, nhưng điều ấy cũng không có nghĩa là pháp luật được quyền trói buộc cuộc sống trong cái tầm năng lực của quản lý nhà nước.

Xét cho đến cùng, quản lý nhà nước phải tương thích với những gì cuộc sống đòi hỏi. Tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở ra đến đấy” đã quá lạc hậu. Nhiều ý kiến đã phê phán tư duy này và đòi hỏi “năng lực quản lý phải đi cùng với cuộc sống”.

Nhưng rõ ràng, “củ cà rốt” cần phải có “cây gậy” song hành. Nó sẽ buộc những bộ, ngành khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải cẩn trọng hơn để quyền lợi người dân và doanh nghiệp không bị phương hại như quy định phi thực tế nói trên trong thông tư 36/2018 của Bộ NN&PTNT. Nếu không, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị lôi vào trò “bịt mắt bắt dê” để thỏa mãn “thú tiêu khiển” của các cơ quan hữu quan.

Đại Dương