Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ca trù Cổ Đạm – di sản văn hóa cần được bảo tồn và phát triển

20:00 02/04/2019 GMT+7

Xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được xem là vùng “đất tổ” của nghệ thuật ca trù. Chẳng biết tự bao giờ, mỗi khi cất lên tiếng phách, tiếng đàn, các ca nương, kép đàn ở đây như đắm mình vào một thế giới chỉ có âm nhạc. Nó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của họ. Ca trù đã ngấm vào máu thịt những người con Cổ Đạm, qua bao thế hệ, ca trù vẫn giữ nguyên vẹn vẻ tinh khôi, mộc mạc và làm ngây ngất lòng người.

Ca trù Cổ Đạm cần được bảo tồn và phát triển

Cổ Đạm – Cái nôi của nghệ thuật ca trù

Đến mảnh đất Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nơi mà xưa nay được coi là cái nôi của những làn điệu ca trù. Trải qua hàng nghìn năm, ca trù vẫn có sức hút kỳ lạ và làm ngây ngất lòng người. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, vẫn có niềm đam mê, yêu những làn điệu mượt mà, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù.

Có rất nhiều truyền thuyết kể về sự ra đời của nghệ thuật ca trù. Trong đó, có chuyện, từ thời Lý, có một chàng trai tên là Đinh Lễ, sống trong một căn chòi phía Đông dãy núi Hồng Lĩnh. Một hôm khi trời đã về chiều và hoàng hôn sắp gác đỉnh núi Hồng Lĩnh thì tiên ông râu tóc bạc phơ hiện lên trong sương chiều, trao cho ông Đinh Lễ một thân cây ngô đồng và bản vẽ một cây đàn rồi biến mất trong bóng tối. Đinh Lễ đã tạo ra một cây đàn và trở thành người hát Ca trù đầu tiên trong làng Phú Lạp xưa, nay là xã Cổ Đạm. Từ đó, Đinh Lễ đi truyền những làn điệu của mình cho những địa phương khác. Sau khi Đinh Lễ qua đời, bà con trong làng xây dựng đình Nhà Trò và phong là ông tổ ca trù.

Theo ông Nguyễn Ban – nhà nghiên cứu âm nhạc, người có công khởi xướng và khôi phục nghệ thuật ca trù, ông cho biết “Ca trù Cổ Đạm là tên gọi theo tên tổng Cổ Đạm xưa,  xuất hiện vào thế kỷ XVI và hưng thịnh nhất vào thế kỷ XVII, với sự đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ, ca trù ở Nghi Xuân trở nên nổi tiếng trong thiên hạ. Tuy nhiên, đến thời Pháp thuộc, ca trù chìm lắng dần. ca trù trở thành thú ăn chơi của bọn nhà giàu, ăn chơi. Đến trước 1945, ca trù hoàn toàn vắng bóng trên đời sống văn hóa Việt. Ông cho biết, ca trù là một loại hình nghệ thuật tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ, vừa mang tính chất dân gian, vừa mang tính bác học. Ở mỗi địa phương, ca trù được gọi bằng các tên gọi khác nhau như: hát Cửa đình, hát Nhà tơ, hát Cô đầu, hát Nhà trò, hát Cửa quyền… còn ở mảnh đất Cổ Đạm – ca trù được gọi là hát Ả đào.

Ngày nay, ca trù không riêng gì ở Cổ Đạm mới có, nhưng mỗi vùng miền khác nhau, ca trù lại có những nét đặc trưng tạo nên sự riêng biệt cho mỗi vùng miền. Ở Cổ Đạm, ca trù thường được hát nhanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy, ngừng nghỉ nhiều như ở các vùng miền khác. Cách đệm đàn, trống, phách cũng có những nét rất riêng biệt. Phách ở đây đánh chìm, đánh lửng trong khi phách ở các nơi khác đánh nổ, giòn và ngắn gọn hơn.

Nỗi lực khôi phục nghệ thuật ca trù

Nhờ đường lối xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Đảng, các làn điệu ca trù được bảo tồn và phát huy giá trị. Cách đây 30 năm, một cuộc hội thảo về ca trù Cổ Đạm được tổ chức bởi tỉnh Hà Tĩnh và huyện Nghi Xuân. Với sự tham gia đông đảo của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu âm nhạc để bàn về sự “sống còn” của ca trù Cổ Đạm. Sau đó, các Câu lạc bộ ca trù được thành lập để giữ gìn và phát huy nét văn hóa ca trù mà cha ông để lại.

Tuy nhiên, thực tế lại rất phũ phàng, công tác khôi phục lại nghệ thuật ca trù không hề đơn giản. Một trong những nguyên do chính khiến “cái nôi” ca trù không thể phát triển được chính là không có sự quan tâm đầu tư xác đáng. Chỉ có 3 ca nương, kép đàn được hợp đồng vừa dạy, vừa biểu diễn ở di tích Nguyễn Công Trứ mỗi tháng được nhận 1.150.000 nghìn đồng, tiền phí sinh hoạt của CLB hoàn toàn không có. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên các nghệ nhân nên họ không còn nhiệt huyết được như xưa.

Song, với sự cố gắng không ngừng nghỉ của các cán bộ văn hóa và nghệ nhân ca trù, huyện Nghi Xuân đã thành lập được 2 câu lạc bộ ca trù: Nguyễn Công Trứ và Cổ Đạm, với số lượng thành viên dao động từ 30 – 50 người. Mỗi khi cất lên tiếng phách, tiếng đàn, các ca nương, kép đàn ở đây như đắm mình vào một thế giới chỉ có âm nhạc. Gần 30 năm qua, CLB có các cụ tâm huyết: Ông Nguyễn Phùng – Chủ nhiệm CLB, Phan Thị Xuân, Phan Thị Mơn, Hà Thị Bình, Trần Thị Giá, Phan Thị Liêm. Cả 6 cụ đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đến nay, CLB đã có thêm 3 người được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú là Dương Thị Xanh, Trần Văn Đài, Trần Thị Gia… Với những thành tích đó, các nghệ nhân ngày càng phấn khởi để cống hiến cho nghệ thuật và tin tưởng vào sự khởi sắc của ca trù.

Ở một số trường THCS trên địa bàn huyện Nghi Xuân nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung đã đưa Ca trù vào tiết học ngoại khóa cho học sinh. Theo ông Bùi Việt Hùng – Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, cho biết: “việc dạy các em học sinh hát ca trù là điều rất quan trọng và cần thiết. Các nghệ nhân đã cao tuổi nên đào tạo lớp ca nương mới, trẻ là sự sống của ca trù. Bởi vậy, huyện Nghi Xuân đã thành lập thêm 1 CLB mới là “CLB ca trù Nguyễn Công Trứ” thu hút nhân tài của các giọng ca trẻ trong toàn huyện hằng năm, và được duy trì hoạt động bởi nguồn kinh phí của huyện”.

Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, thấm đượm tinh thần dân tộc, ngày 1/10/2009, UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Những năm tiếp theo được nhiều ban, ngành quan tâm khôi phục, ca trù dần có được hơi thở và sức sống mới.

Ca trù với những người dân ở đây – nó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của họ. Dù ở bất cứ nơi đâu, nhưng những người con sinh ra nơi vùng đất Cổ Đạm đầy nắng gió này vẫn luôn cố gắng để gìn giữ những làn điệu mượt mà, sâu lắng của ca trù. Thiếu hoa đào không thể có mùa xuân, cũng giống như Cổ Đạm thiếu ca trù không thể có tết. Những nghệ nhân ở đây vẫn luôn miệt mài xây dựng ca trù ngày càng phát triển. Để tiếng hát ca trù vẫn mãi được cất lên, vẫn êm đềm và tồn tại bền bỉ trên mảnh đất gió Lào và cát trắng.

 Bảo Trung – Huyền Trang