Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tập huấn cho giảng viên nguồn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường

Ái Vân - 11:06 02/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần giảm phát thải nhà kính của cộng đồng quốc tế do Quỹ Earth Care Foundation tài trợ, Ban Quản lý Dự án – Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nộng dân Việt Nam tổ chức Khóa tập huấn Giảng viên nguồn về phương pháp xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường tại tỉnh Tiền Giang.

Tham dự khóa tập huấn có NGND.TS Phạm Thanh Hải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc bộ, Giảng viên cao cấp Dự án; ông Trần Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Tiền Giang; bà Bùi Thị Nga, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thái Bình, cố vấn Dự án; cùng hơn 30 đại biểu đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên nông dân tiêu biểu tham dự.

Khóa tập huấn được tổ chức, nhằm mục tiêu tập huấn cho các giảng viên nguồn về các phương pháp, kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường mà Dự án hướng tới kết hợp với cách tiếp cận, tư vấn sử dụng khoa học hành vi nhằm thúc đẩy, thay đổi hành vi xử lý rác thải của nông dân.

Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chất thải bao gồm thực phẩm, chất thải từ chăn nuôi và phụ phẩm cây trồng là những chất không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn phát thải khí nhà kính. Thêm vào đó, việc đốt phụ phẩm như rơm rạ còn tạo ra khói bụi, đặc biệt bụi mịn PM2.5 gây bệnh và các vấn đề về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, cộng đồng và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí và môi trường sống.

Quang cảnh Khóa tập huấn. Ảnh: Ái Vân

NGND. TS Phạm Thanh Hải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc bộ chia sẻ: Cách chúng ta hiện đang xử lý rác thải ở Việt Nam đang không chỉ làm kiệt quệ đất đai quý giá của chúng ta mà còn hủy hoại cả sức khỏe của cộng đồng, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Với mong muốn cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau, thông qua cách xử lý rác thải để bảo vệ môi trường và cộng đồng, chúng ta đều tin tưởng vào tương lai thịnh vượng của Việt Nam và điều đó bắt đầu từ chính hành động của mỗi chúng ta hôm nay.

Và nếu chúng ta không thay đổi cách chúng ta xử lý rác thải của mình, chúng ta sẽ không chỉ tiếp tục phá hủy đất đai quý giá của mình mà còn tiếp tục gây hại cho sức khỏe của những người thân của mình và cộng đồng. Đã đến lúc cần có một cách tiếp cận mới để xử lý rác thải ở nước ta. Chúng ta cần đối xử công bằng và sống hài hòa với mảnh đất quý giá của mình bằng cách áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, thân thiện với con người để chuyển hóa rác thải thành nguồn tài nguyên.

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò quan trọng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chỉ thị của Hội; tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, thông qua việc trực tiếp và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, triển khai các dự án về bảo vệ môi trường…

Hội đã góp phần quan trọng trong việc giúp chuyển biến, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nói chung và nông dân nói riêng hướng tới các phương pháp xử lý chất thải hữu cơ thân thiện với môi trường. Hội Nông dân Việt Nam rất vui mừng được thực hiện dự án mang tính đột phá hướng tới thay đổi cách giải quyết rác thải ở đất nước chúng ta theo hướng tích cực hơn với sự đóng góp, sự tham gia thực hiện của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.

Bà Bùi Thị Nga, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thái Bình, cố vấn Dự án cho biết: Những giải pháp dự án tập trung thực hiện không chỉ thân thiện với môi trường mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và là một phần của phong trào toàn quốc nhằm biến rác thải nông nghiệp thành của cải cho nông dân tạo ra một môi trường trong sạch và lành mạnh cho tất cả mọi người hôm nay và các thế hệ con cháu mai sau và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tác động của biến đổi khí hậu đã gây ra lũ lụt, hạn hán và bão lụt nghiêm trọng, dẫn đến mất sinh kế, tính mạng và tài sản.

Đồng hành với các giảng viên là các chuyên gia, những người đã có trên 15 năm kinh nghiệm và được đào tạo bởi các chuyên gia quốc tế về khoa học hành vi. Trong khóa tập huấn, mọi người sẽ cùng nhau trao đổi về phương pháp lên men phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc, dùng đệm lót sinh học dày nuôi gà và ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng. Những phương pháp này sẽ được chuyển giao cho các nông dân tiên tiến xây dựng các mô hình trình diễn và nhân rộng thông qua các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi.

TỪ KHÓA #Tiền Giang