Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần nhiều tuyến bài giám sát, phản biện về tam nông

14:12 21/06/2020 GMT+7
Nhân dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Cách mạng Báo chí Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên huấn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) xung quanh vấn đề chất lượng thông tin của

Nhân dịp Kỷ niệm 95 năm Ngày Cách mạng Báo chí Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tuyên huấn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) xung quanh vấn đề chất lượng thông tin của báo chí và đạo đức của người làm báo ở Việt Nam nói chung và Tạp chí Nông Thôn Mới trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Hồng Sơn.

Xin ông cho ý kiến đánh giá về chất lượng thông tin của Tạp chí Nông Thôn mới và Tạp chí điện tử (Langmoi.vn) với việc đáp ứng yêu cầu thông tin về tình hình nông nghiệp, nông dân và các hoạt động của Hội NDVN?

Trước hết cần khẳng định thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác Hội và phong trào nông dân là rộng lớn, đa dạng và phong phú. Tạp chí thực hiện thông tin, phản ánh kịp thời, đầy đủ những nội dung trên là điều không dễ. Song, trong những năm qua, Tạp chí Nông thôn mới của Trung ương Hội NDVN đã cơ bản thực hiện tốt chức năng thông tin về tình hình nông nghiệp, nông dân và các hoạt động của Hội NDVN trên cả hai ấn phẩm tạp chí giấy và tạp chí điện tử.

Qua đón đọc, theo dõi thấy nội dung thông tin đã được Tạp chí phản ánh có chất lượng.

Thứ nhất đã bám sát được sự chỉ đạo của BCH T.Ư Hội NDVN trong thực hiện tôn chỉ, mục đích là Tạp chí lý luận, tổng kết thực tiễn, thông tin, tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội… những vấn đề liên quan nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ của Hội NDVN;

Thứ hai, tích cực đầu tư đổi mới nội dung theo hướng tăng các tuyến bài có tính chất nghiên cứu, lý luận; tập hợp được các tác giả là nhà báo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các giảng viên học viện, trường đại học chuyên ngành… am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn viết bài cho tạp chí. Nhiều bài viết có tính tổng kết thực tiễn, nghiên cứu sâu, nêu được những thực trạng, nguyện vọng của nông dân; đưa ra được giải pháp, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân; tuyên truyền nhiều những mô hình, điển hình của nông dân và tổ chức Hội ND. Có khá nhiều bài viết là những tư liệu quý cung cấp cho bạn đọc, nhất là cán bộ Hội ND các cấp vận dụng vào lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân;

Thứ ba, lượng bài viết tuyên truyền về hoạt động của Hội ND các cấp, các mô hình, điển hình tiên tiến được đăng tải chiếm tỉ lệ cao ở hầu hết các số Tạp chí in và Tạp chí điện tử, trong đó có nhiều bài viết tốt như: Tích cực giúp hội viên, nông dân tiếp cận công nghệ 4.0; Đà Nẵng: Ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; Đưa Nghị quyết VII Hội NDVN vào cuộc sống; Hải Dương nhân rộng các mô hình liên kết từ vốn Hội; Bà Rịa – Vũng Tàu: Giảm tranh chấp ở nông thôn nhờ “hòa giải khéo”; Cần mở rộng, làm mới, làm phong phú công tác đối ngoại của Hội; Hỗ trợ nông dân nâng cao tri thức, tiếp cận cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4…

Ngoài những nội dung trên, Tạp chí cũng đã đăng tải được nhiều thông tin đáp ứng kịp thời bạn đọc, góp phần định hướng tốt dư luận xã hội như: Thông tin về tình hình biển Đông; tuyên truyền về phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đại dịch Covid – 19; tuyên truyền tình hình hạn mặn, cảnh báo thiên tai bão, lũ…

Là người theo sát các hoạt động báo chí của Hội, ông nhận xét như thế nào về đạo đức của người làm báo trong giai đoạn hiện nay, nhất là đội ngũ làm báo của Hội, thưa ông ?

Trong những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiền phong trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, là tiếng nói của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Báo chí nước ta đã phản ánh chân thực, kịp thời, toàn diện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đất nước đạt được sau hơn 30 năm đổi mới; thực tiễn khách quan phát triển, nét sinh động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái thù địch, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đa số những người làm báo của hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và những người làm báo trong các cơ quan báo chí của Hội NDVN nói riêng có phẩm chất chính trị vững vàng, trung thành với lợi ích Tổ quốc, nhân dân; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; biết chọn lựa viết và đăng tải thông tin xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc; đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực xã hội; thông tin đúng bản chất, khách quan, có định hướng dư luận xã hội tốt. Có không ít tấm gương nhà báo trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Tuy nhiên, song cùng với những nhà báo có đạo đức trong sáng, cũng còn một số nhà báo có động cơ vụ lợi, cá nhân, đưa thông tin sai, thổi phồng, bóp méo sự thật…, vi phạm chuẩn mực trung thực, khách quan của báo chí, vi phạm
đạo đức nghề nghiệp.

Điểm tốt cần phát huy, từ đầu năm đến nay, Ban Tuyên huấn Trung ương Hội NDVN chưa nhận được đơn thư nào phán ánh về tiêu cực của các phóng viên, nhà báo hoạt động trong hệ thống báo chí Hội có biểu hiện nhũng nhiễu, yêu sách, dọa nạt người dân, doanh nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Điều này cho thấy người lãnh đạo quản lý các tòa soạn đang đề cao giá trị đạo đức của người làm báo và nghiêm khắc đối với các phóng viên, cộng tác viên của mình.

Phóng viên phỏng vấn một nông dân sản xuất giỏi tại xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây, Tiền Giang). Ảnh M.T

Thưa ông, trong thời gian tới Tạp chí Nông thôn mới và tạp chí điện tử Làng mới cần làm gì để thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Hội?

Trong thời gian tới, nội dung Tạp chí cần bám sát tôn chỉ, mục đích là Tạp chí thông tin, nghiên cứu lý luận của Hội Nông dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Hội NDVN, cần tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ, chương trình công tác của các cấp Hội NDVN; tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân cả nước. Thông qua các bài viết, tạo diễn đàn rộng rãi để cán bộ, hội viên nông dân trao đổi, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền các cấp, xây dựng tổ chức Hội, giai cấp nông dân vững mạnh; phải chuyền tải được những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân đến với Đảng, Nhà nước và các cấp Hội. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng cần tăng cường những thông tin, bài viết có tính giám sát, phản biện sâu, cung cấp được những cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng, hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường các bài viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phát triển phù hợp kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia…, khơi dậy khát vọng của người nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Tạp chí cần tăng cường đi các địa phương nắm tình hình thực tế, nhất là tình hình triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn hiện nay; có kế hoạch gửi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí và nghiệp vụ công tác Hội để tạo dựng được đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, kiến thức sâu rộng, am hiểu cả lý luận và thực tiễn để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm của Tạp chí. Bên cạnh việc xuất bản các ấn phẩm (phiên bản giấy và điện tử), Tạp chí cần mở rộng các mối quan hệ, tăng cường phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học nhằm góp phần làm rõ các cơ sở lý luận, khoa học của các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Việc tổ chức các hội thảo khoa học cũng giúp tăng thêm nguồn cung cấp các bài viết có chất lượng cho Tạp chí. Đồng thời, qua các hội thảo cũng là dịp để Tạp chí kết nối mối quan hệ với các nhà khoa học, lãnh đạo các đơn vị để mở rộng đội ngũ cộng tác viên… Chúc Tạp chí Nông thôn mới thành công trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Kiều Anh (thực hiện)