Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cấp chứng chỉ rừng – Giải pháp quản lý rừng bền vững

15:00 23/12/2018 GMT+7

Năm 2018, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF-2) đã tổ chức đánh giá sơ bộ một số chứng chỉ rừng. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có khoảng 235.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC. 

Năm 2018, dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2” (FCPF-2) đã tổ chức đánh giá sơ bộ một số chứng chỉ rừng, đồng thời, hỗ trợ các chủ rừng nâng cao năng lực thực hiện để được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đảm bảo đạt được đồng thời cả 3 mục tiêu: kinh tế – xã hội – môi trường.

Cán bộ Ban QLRPH Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) phỏng vấn người dân sống gần rừng về tác động môi trường khi thực hiện Phương án quản lý rừng bền vững

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, dự án FCPF giai đoạn 2 đã triển khai 4 lớp tập huấn cho các chủ rừng nhằm nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ rừng FSC.

Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh – Thanh Hóa với tổng hiện tích 10.292 ha; giá duy trì chứng chỉ rừng tại Công ty lâm nghiệp Hương Sơn – Hà Tĩnh với tổng diện tích 19.708 ha rừng tự nhiên và đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng tại Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim – Hương Sơn – Hà Tĩnh với tổng diện tích 454 ha/ 238 hộ thành viên.

Cán bộ Ban QLRPH Lang Chánh (Thanh Hóa) khảo sát trữ lượng rừng

Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh – Thanh Hóa đã dự thảo các báo cáo đánh giá tác động xã hội, môi trường, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, điều tra rừng và dự thảo phương án quản lý rừng bền vững. Theo đơn vị đánh giá, tư vấn đến từ Cộng hòa Liên bang Đức, Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh cần phải tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tham vấn các bên liên quan và tiếp tục tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân lâm nghiệp. Ngoài ra, thời gian tới, Ban cần trang bị thêm một số bảo hộ lao động cho thợ cưa và công nhân vườn ươm nhằm đảm bảo an toàn.

Làm cọc mốc và lấy tọa độ GPS để xác định vị trí ô tiêu chuẩn điều tra trữ lượng rừng tự nhiên

Tại Công ty Lâm nghiệp Hương Sơn – Hà Tĩnh, dự án đã tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ kiểm tra kết quả khắc phục lỗi sau đánh giá năm 2017, đồng thời, khuyến nghị những hoạt cần bổ sung trong công tác quản lý rừng theo kế hoạch năm cũng như công tác khắc phục lỗi và những giải pháp ngăn ngừa trong tương lai.

Đối với Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim, dự án đã hỗ trợ các hoạt động tập huấn kỹ thuật, quản lý nhóm để nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện, giúp họ có những kiến thức về công tác quản lý nhóm, quản lý rừng và sẵn sàng cho đánh giá chính cấp chứng chỉ rừng FSC trong năm 2018.

Thác Ma Hao, xã Trí Nang, huyên Lang Chánh – điểm du lịch sinh thái nằm trong Khu rừng có giá trị bảo tồn cao

Đây là mô hình đâu tiên cấp chứng chỉ rừng FSC theo quy mô nhóm hộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nên các nhóm hộ vẫn còn những khó khăn nhất định: trình độ nhận thức hạn chế; kinh tế hộ khó khăn; diện tích rừng của mỗi hộ nhỏ lẻ, manh mún; xa khu vực chế biến… Nắm bắt được những khó khăn này, dự án đã tập trung vào các hoạt động tổ chức cho chủ rừng thăm quan, học tập kinh nghiệm; tập huấn nâng cao nhận thức; kêu gọi khách hàng chế biến gỗ trong khu vực để liên kết lâu dài… Đến thời điểm này, Liên hiệp Hợp tác xã Tây Kim đã hoàn thành hồ sơ quản lý nhóm, hồ sơ quản lý rừng và sẵn sàng đón đoàn đánh giá của GFA để được đánh giá và cấp chứng chỉ FSC.

Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đạt được đồng thời cả ba mục tiêu: kinh tế – xã hội – môi trường. Trong đó, mục tiêu kinh tế là đem lại thu nhập cao hơn cho chủ rừng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các công ty chế biến xuất nhập khẩu đồng thời nâng cao vị thế ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân. Về mặt xã hội là nâng cao nhận thức, năng lực thực hiện về thiết lập, quản lý và bảo vệ rừng bền vững, đồng thời tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và sự liên kết chuỗi, liên kết vùng tốt hơn. Về mặt môi trường, cấp chứng chỉ rừng giúp cho chủ rừng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm với môi trường nói chung, quan tâm nhiều hơn đến sự bảo tồn và đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước và môi trường sinh cảnh…

Nguồn Báo TNMT