Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chính quyền cấp xã “hô biến” đất của dân thành đất công?

00:11 25/11/2018 GMT+7

Bà Trần Thị Tảo, thường trú tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên trong bao năm qua đã nhiều lần làm đơn kính gửi cơ quan chức năng địa phương, đề nghị cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất của gia đình bà đã khai hoang và sử dụng từ năm 1984. Không những liên tục phớt lờ và từ chối đơn đề nghị của bà Tảo, UBND xã Xuân Cảnh còn tự ý cho mình được quyền “hô biến” đất tư thành đất công? 

Hưởng ứng phong trào trồng phi lao năm 1984

Vào năm 1984, cùng hưởng ứng phong trào trồng cây Phi lao ven bờ biển để phòng chống thiên tai, hai vợ chồng bà Tảo cũng đã khai hoang và trồng cây Phi lao trên thửa đất có diện tích khoảng trên 20.000 m2 (2ha), có tứ cận giáp: phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp đường bê tông nông thôn; phía Nam giáp đất của ông Trần Ngọc Sung và phía Bắc giáp đất của ông Nguyễn Văn Nhằm, thửa đất trên tọa lạc tại Bãi Chỏ, thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và gia đình bà quản lý sử dụng ổn định từ trước đến nay, không hề phát sinh tranh chấp.

Đến năm 1994, chồng bà Tảo là ông Lê Quang Sinh đã làm đơn đến UBND xã Xuân Cảnh để được cấp GCNQSDĐ nhưng cán bộ xã cứ hẹn mãi và “bỏ quên” luôn.

Đến tháng 12/2016, sau khi chồng bà Tảo qua đời thì bà tiếp tục kê khai, làm đơn xin cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất trên và đã được cấp thẩm quyền của địa phương bước đầu thụ lý và giải quyết theo các bước quy định của pháp luật.

Bà Tảo mỏi mòn chờ công lý được thực thi trên chính mảnh đất hơn 33 năm gắn bó với cả gia đình.

Theo nội dung Thông báo số 03/PHG-BPTN ngày 23/2/2017 của UBND xã Xuân Cảnh, hồ sơ của bà Tảo đã được chuyển đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Sông Cầu để giải quyết theo thẩm quyền; Giấy mời số: 82/GM-UBND ngày 16/10/2017 của UBND xã Xuân Cảnh mời bà Tảo cùng tiến hành cắm mốc chính xác ranh giới đất, để đơn vị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đo đạc.

Tuy nhiên, tất cả đã dừng lại và  “đổi chiều” sau khi có một doanh nghiệp ngoài tỉnh, xin phép được đầu tư dự án Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại vị trí này?

Chính quyền xã Xuân Cảnh vượt quyền “hô biến” đất tư thành đất công?

Sau rất nhiều lần thoái thác trách nhiệm, thì cuối cùng UBND xã Xuân Cảnh cũng đã có văn bản trả lời chính thức lý do không cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Tảo là: đất đó thuộc quyền quản lý của UBND xã?

Trao đổi với Làng Mới, bà Tảo rất búc xúc cho biết: “Toàn bộ diện tích thửa đất trên khoảng hơn 20.000m2, nhà tôi đã trực tiếp quản lý sử dụng để trồng cây Dương đã hơn 33 năm nay và không có bấc cứ ai tranh chấp, nhưng UBND xã Xuân Cảnh bỗng dưng lại nói là đất của xã quản lý và từ chối cấp sổ đỏ cho gia đình tôi một cách vô lý hết sức”.

Mảnh đất gắn với công sức hàng chục năm trời của gia đình bà Tảo bỗng dưng thuộc quyền quản lý của UBND xã.

Theo tìm hiểu của PV Làng Mới, việc khai hoang, sử dụng thửa đất trên của gia đình bà Tảo, cũng đã được rất nhiều người dân trong thôn xóm làm chứng, xác nhận và đáng chú ý là trong số đó có ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên là Phó Ban nhân dân thôn Hòa Lợi.

Để lý giải cho việc UBND xã có quyền “hô biến” đất tư thành đất công này, ông  Lê Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh có trình bày tại Công văn số: 375/UBND ngày 25/5/2017 và Biên bản đối thoại ngày 21/7/2017 như sau: “khoảng năm 1986 thì trên địa bàn xã có phong trào trồng cây Dương phủ xanh đồi cát để chắn sóng, chắn cát, có rất nhiều hộ dân trong thôn Hòa Lợi nhận Dương và đến vị trí này trồng. Đến khoảng năm 1994 không có ai trông nom, chăm sóc nên một số người dân trong thôn đã chặt cây làm củi, từ thời điểm đó bỏ hoang hóa đến nay, hiện trạng đất chỉ chỉ còn một số bụi Dương nảy nhánh mọc thành bụi nằm rãi rác vị trí dọc bãi biển thôn Hòa Lợi. Hơn nữa nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất này được thể hiện qua biên bản lấy ý kiến khu dân cư Hòa Lợi ngày 12/12/2016: Người dân cho rằng tại khu vực trên, mục đích chủ yếu là trồng cây theo phong trào chung chắn gió, chắn cát chứ không nhằm mục đích trồng cây khai hoang cải tạo đất để xin giao đất, cấp sổ đỏ và đất này xưa nay đều do xã quản lý” ? hơn nữa, ông Cảnh còn cho biết bà Tảo không có bất cứ giấy tờ gì về chứng minh nguồn gốc đất theo điều 100 Luật Đất đai 2013?

Được biết, hiện nay tất cả các thửa đất của những người cùng tham gia trồng cây Phi lao vào năm 1984 – 1986 tại khu vực Bãi Chỏ đều đã được cấp GCNQSDĐ  (trong đó có rất nhiều người đang là cán bộ quan chức của UBND xã Xuân Cảnh) và chỉ riêng hộ bà Tảo và một hộ dân nữa có đất liền kề là không được cấp giấy chứng nhận GCNQSDĐ?

Cuộc “cưỡng chế” lúc nửa đêm và những mảnh đời phận bạc

Hơn 10 năm đợi chờ mòn mỗi câu trả lời của chính quyền, về việc cấp GCNQSDĐ xây nhà ở và có cái tài sản để thế chấp, vay mượn cái vốn làm ăn sinh nhai, ông Trần Quang Sinh, chồng bà Tảo đã lâm bệnh và chết năm 2016, để lại bà Tảo và một người con gái sống cảnh “màn trời chiếu đất”, đã nghèo nay còn khổ hơn.

Trước tình cảnh éo le vậy, bà Tảo đã che tạm một căn lều nhỏ trên thửa đất đó để có nơi lập bàn thờ chồng và em chồng là một “liệt sĩ” và có nơi nương náu trong cuộc đời đầy bất hạnh này.

Thế nhưng, vào lúc 23 giờ ngày 10/10/2018, đoàn của UBND xã Xuân Cảnh do ông chủ tịch xã đứng đầu đã đến và tiến hành cưỡng chế túp lều của bà Tảo với một lực lượng “hùng hậu” gồm chính quyền và an ninh địa phương cưỡng ép, bà Tảo buộc phải ôm di ảnh của những người quá cố đi lánh nạn, ở nhờ tại nhà người thân trong tâm trạng uất hận.

Pháp luật ở đâu và những kẻ cầm “công lý”

Không chấp nhận những điều vô lý mà chính quyền địa phương cố tình áp đặt, bà Tảo đã làm đơn khởi kiện và ngày 29/9/2017, Tòa án Nhân dân Thị xã Sông Cầu đã xét xử công khai vụ việc với nội dung tuyên án là “bác bỏ toàn bộ nội dung khởi kiện của bà Tảo”?. Hiện nay Viện Kiểm Sát Nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã và đang thụ lý, xem xét lại bản án sơ thẩm số: 02/2017/HC-ST của Tòa án thị xã Sông Cầu, theo kiến nghị của bà Trần Thị Tảo.

Bà Tảo mỏi mòn chờ công lý được thực thi trên chính mảnh đất hơn 33 năm gắn bó với cả gia đình.

Trao đổi về vấn đề này luật sư Lưu Ngọc Cư (Đoàn luật sư Phú Yên) cho biết: “Bản án hành chính số 02/2017  của Tòa án Sông Cầu đã không xem xét các vật chứng như các gốc Phi lao hơn 33 năm tuổi, lời làm chứng của các nhân chứng để đánh giá khách quan về nguồn gốc đất, mà lại căn cứ vào “Biên bản” lấy ý kiến khu dân cư  ngày 12/12/2016 do UBND xã cung cấp để làm căn cứ? Mặt khác cũng tại khu vực này trước nay nhiều gia đình ở địa phương cũng khai hoang vỡ hóa như gia đình bà Tảo, nhưng lại được chính quyền cấp GCNQSDĐ, còn diện tích đất của bà Tảo lại cho là do “UBND xã quản lý”? hơn nữa tại nội dung bản án số 02/2017 và Công văn số: 375/UBND ngày 25/5/2017 của UBND xã Xuân Cảnh đều xác nhận “theo hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương, đối chiếu vớ sổ dã ngoại và bản đồ lập năm 1994 thì vị trí đất này nằm trên thửa số 23, tờ bản đồ 23-299TTg thể hiện loại đất trồng cây lâu năm, quy chủ là đất bãi dương do UBND xã quản lý….?”.

Thử hỏi nếu đất không có ai sử dụng và thuộc xã quản lý thì tại sao lại xác định đất “trồng cây lâu năm”? Nếu đất hoang thì làm gì có bãi dương mà quy chủ? Một vấn đề đáng ngạc nhiên và trớ trêu nữa là, cùng một diện tích đất khi thì xã cho rằng “thuộc loại đất trồng cây hàng năm” khi thì cho rằng “đất hoang bằng”, khi thì “ đất hoang bằng chưa sử dụng”.v.v…. Như vậy liệu Tòa án thị xã Sông Cầu phán quyết như vậy có thiếu sự khách quan, thiếu công bằng, trái pháp luật?

Được biết đầu năm 2018, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Phú Yên, đã cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp ở Thái Nguyên xin giao đất để xây dựng khu tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng tại vị trí đất của bà Tảo.

Làng Mới sẽ tiếp tục thông tin.

Thanh Luận – Thanh Phúc