Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuồn chuồn tre Thạch Xá vươn cánh hội nhập

22:46 23/12/2018 GMT+7

Không đơn thuần là những con chuồn chuồn xanh đỏ, những món quà lưu niệm làm bằng tre này giờ đã mang trên mình những hình ảnh độc đáo, có thể là hình ảnh quốc kỳ của các quốc gia trên thế giới, bầu trời, vì sao, cả nụ cười… Nhưng dù thế nào, ở đó người ta vẫn nhận ra nét mộc mạc, giản dị của thôn quê Bắc Bộ.

Chăm chút từng chi tiết

Xóm Chùa, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội giống như bao ngôi làng của xứ Đoài mây trắng với những ngôi nhà nằm bình yên bên bờ tre, đồng lúa. Buổi trưa, trẻ con trong làng trốn ngủ rủ nhau chơi bên đường, đứa nào đứa nấy vừa giơ hai tay để con chuồn chuồn tre “đậu” trên đầu ngón tay vừa thi xem ai đi được quãng đường xa nhất. Cứ lang thang theo đám trẻ nên dù cách vài ngõ là tới nhà anh Nguyễn Văn Tái, một trong những người nổi tiếng trong làng làm chuồn chuồn tre nhưng cũng phải đến đầu giờ chiều tôi mới tới cổng.

Món quà lưu niệm độc đáo.

Trước đây nghề này chỉ tranh thủ làm lúc nông nhàn chứ giờ đã thành mặt hàng mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình nên cứ có đơn hàng hay mùa vụ là cả nhà được huy động để sản xuất. Người lớn khỏe tay thì chặt tre, khoan hai lỗ nhỏ bên thân, vuốt đuôi, vót cánh, mài đầu rồi ghép lại, tính thăng bằng và dính keo cố định các vị trí trên thân chuồn chuồn. “Quan trọng nhất là phải để chuồn chuồn đậu cân bằng, không bị nghiêng vẹo, dán cánh chuồn chuồn thật chắc bằng keo để mỗi lần va đập không xô lệch. Nhiều khách hàng đã ngạc nhiên khi thấy chuồn chuồn tre của tôi đậu thăng bằng trên một sợi chỉ”, anh Nguyễn Văn Tái tự hào nói.

Dính keo cho cánh chuồn chuồn.

Theo kinh nghiệm của người Thạch Xá, muốn chuồn chuồn đẹp thì phải chọn loại tre già, đã phơi khô nỏ, cứng cáp để làm cánh cho chắc chắn, cánh chuồn chuồn cũng sẽ dễ uốn cong hơn. Chuồn chuồn tre có nhiều kích thước đa dạng, loại nhỏ chỉ dài khoảng 7 cm, loại lớn có thể dài đến 20 – 25 cm. Có những sản phẩm được đặt riêng để khách làm quà tặng hoặc trang trí cho nhà hàng, không gian sống. Mỗi nhà làm chuồn chuồn tre ở đây đều có hàng chục, thậm chí hàng trăm giá đỡ, còn gọi là điểm đậu của chuồn chuồn để tính độ thăng bằng cho hai cánh. Sau khi tạo hình, chuồn chuồn tre sẽ được phơi ngoài trời để tránh không bị co lại.

Tạo dáng cho sản phẩm.

Công đoạn sơn trang trí lên chuồn chuồn đòi hỏi những đôi bàn tay tỉ mỉ từng nét vẽ để đảm bảo độ cân đối, màu sắc hài hòa, bắt mắt. Chỉ có hai cánh là nơi trang trí chủ đạo mà những người làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã sáng tạo ra biết bao nhiêu chủ đề. Chị Hoàng Thị Loan, người xóm Chùa Tây cho biết, vẽ chuồn chuồn tre đòi hỏi phải tinh mắt khéo tay, lại phải tập trung cao độ vì chỉ cần sai sót một chút là có thể thấy rõ. Sau khi sơn xong, chuồn chuồn tre lại được mang ra phơi khô trước khi đóng gói mang đi bán. Trẻ nhỏ cũng tất bật tranh thủ khi có nắng mang chuồn chuồn ra phơi.

Món quà cho du khách

Một con chuồn chuồn bé xíu nhìn thì đơn giản nhưng để hoàn thành cũng cầu kỳ chẳng kém gì các sản phẩm thủ công truyền thống khác. Người trong làng đều tranh thủ những khi nông nhàn thì làm, vừa để thêm thu nhập vừa có thời gian để trau chuốt cẩn thận hơn. Nhưng giờ nhu cầu của thị trường lớn nên nhà nào khéo tay hay làm thì tất bật cả năm, có khi chỉ ngồi ở nhà rồi nhiều đại lý, cửa hàng tự đến đặt hàng rồi lấy về.

Công đoạn sơn trang trí cho sản phẩm.

Nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố cổ Hà Nội hay những bạn sinh viên tranh thủ cuối tuần làm một sạp hàng nhỏ nhỏ trên phố đi bộ đều chọn bán các sản phẩm chuồn chuồn tre. Tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, mỗi khi mở hội cũng thường mời nghệ nhân làng nghề quanh vùng lên trình diễn và hướng dẫn du khách cũng dành một không gian trải nghiệm làm bút tre, làm chuồn chuồn tre. Những sản phẩm thủ công giản dị, mang tính truyền thống riêng có của Việt Nam thể hiện được rõ nét văn hóa truyền thống Việt.

Người dân Thạch Xá tự hào, chuồn chuồn tre của quê hương mình giờ đã không còn rập rờn bên lũy tre làng mà đã tung cánh bay ra thành phố, tới những lễ hội văn hóa quốc tế, trở thành món quà lưu niệm độc đáo mà người Việt mang tặng bạn bè. Những cánh chuồn mỏng manh ấy cũng đã theo chân những du khách tới nhiều châu lục. Bạn Phạm Thị Ngọc Linh, du học sinh Việt Nam tại Hungary chia sẻ, mỗi lần có chương trình giao lưu sinh viên, gian hàng chuồn chuồn tre của các bạn cũng đắt hàng bởi mọi người tìm đến mua, trao đổi quà hoặc tặng bạn bè. Nhiều bạn trẻ gốc Việt còn mua tặng cho ông bà, cha mẹ mình để mọi người nhớ về những kỷ niệm “chuồn chuồn cắn rốn” thời thơ bé. Món đồ nhỏ xinh bền đẹp này đã trở thành cầu nối cho những người Việt gần với quê hương, vừa thêm những người bạn mới.

Chuồn chuồn tre với đủ các loại màu sắc .

Cũng bởi thế mà nghề làm chuồn chuồn tre đã phổ biến trong xã Thạch Xá, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng triệu mỗi tháng. Giờ người dân đã làm thêm cả chim, công, rùa… bằng tre rất bắt mắt. Bởi thế, Sở Du lịch Hà Nội còn có chủ trương gắn phát triển du lịch với làng nghề, tìm hướng khai thác các giá trị truyền thống và tạo không gian trải nghiệm cho du khách khi muốn tự tay làm những sản phẩm thủ công độc đáo này, đến những làng nhiều nhà làm chuồn chuồn tre sẽ thấy hình ảnh những con chuồn chuồn tre với đủ các màu sắc đang rung rinh trong nắng chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Hà Giang