Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cơ bản lấy đủ nước gieo cấy vụ Đông Xuân 2021-2022

Bích Hồng - 08:04 02/03/2022 GMT+7
Bộ NNPTNT vừa báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tổng kết công tác lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3

Các diện tích gieo cấy đã được cấp đủ nước, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cơ bản hoàn thành kế hoạch.

Theo Bộ NNPTNT, vụ Đông Xuân 2021-2022, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy hơn 506.500 ha lúa. Để bảo đảm cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 8037/TB BNN-TCTL ngày 29/11/2021 thông báo lịch lấy nước gồm 3 đợt: đợt 1, từ ngày 4/1-6/1/2022; đợt 2, từ 15/1-22/1/2022; đợt 3, từ 13/2-17/2/2022.

Từng đợt lấy nước được xác định phù hợp với kỳ triều cường, tính toán cụ thể bằng mô hình toán để xác định khoảng thời gian xả nước tiết kiệm nhất và cơ bản phù hợp với nhu cầu lấy nước phục vụ gieo cấy của các địa phương.

Qua thời gian triển khai, các đợt lấy nước đã được thực hiện theo đúng kế hoạch. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện để tiết kiệm lượng nước xả nhưng vẫn đảm bảo nguồn nước bổ sung theo yêu cầu.

Nông dân huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ tranh thủ thời tiết thuận lợi gieo cấy trà lúa xuân muộn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Về tình hình nguồn nước, trong đợt 1, mực nước tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt trung bình 1,74m, đủ điều kiện đẩy mặn cho các cống lấy nước vùng triều lấy nước thuận lợi. Đợt 2, dòng chảy hệ thống sông Hồng được duy trì ở mức cao nhất theo khả năng, mực nước trung bình cả đợt tại Trạm thủy văn Hà Nội đạt 1,90m (đúng theo tính toán ban đầu) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình thủy lợi vận hành lấy nước. Trong đợt 3, mực nước trung bình tại Trạm thủy văn Sơn Tây đạt 2,01m (bảo đảm theo yêu cầu thấp nhất 1,8m).

Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện cả 3 đợt là 4,24 tỷ m3, thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong đó: Đợt 1 là 1 tỷ m3, đợt 2, là 2,44 tỷ m3, đợt 3 là 0,8 tỷ m3 (thấp hơn khoảng 1,33 tỷ m3 so với tổng lượng nước xả dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

Bên cạnh đó, trong thời gian từ đợt 2 đến đợt 3 lấy nước, khu vực Bắc Bộ đã có mưa. Lượng mưa tích lũy trong đợt 2 ở khu vực Miền núi phía Bắc phổ biến từ 55-80mm, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 25 - 55mm; sau đợt 2 đến hết đợt 3, khu vực Miền núi phía Bắc từ 15 - 40mm, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ từ 20 - 60mm. Điều này, đã góp phần làm tăng dòng chảy cơ bản của hệ thống sông, bổ sung lượng nước ở ruộng, giúp tăng hiệu quả của công tác lấy nước ở các địa phương.

Về tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy, sau 3 đợt lấy nước, các diện tích gieo cấy đã được cấp đủ nước. Cụ thể, kết thúc đợt 1, diện tích có nước hơn 82.900 ha (đạt 16,4% diện tích gieo cấy theo kế hoạch); kết thúc đợt 2 hơn 407.700 ha (đạt 80,5%), trong đó, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình cơ bản hoàn thành kế hoạch.

Hà Nội khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lấy nước 

Kết thúc 3 đợt lấy nước, diện tích có nước hơn 503.200 ha (đạt 99,34%). Trong đó, còn khoảng 145 ha của các huyện Hoài Đức và Thạch Thất (Hà Nội) chưa đủ nước, được tiếp tục cấp nước bằng trạm bơm dã chiến. Đến trước đợt 3, riêng Hà Nội đạt 93,7%, trong đó, các huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai đạt dưới 80% nên tiếp tục có nhu cầu lấy nước đợt 3.

Tuy nhiên, do tình trạng hạ thấp mực nước trên 3 hệ thống sông tiếp tục diễn biến nhanh, đặc biệt trên sông Đà (đoạn sông thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội), mực nước đã hạ thấp đột biến so với năm 2021 từ 1,0 - 1,5m, dẫn đến trạm bơm Trung Hà chỉ vận hành được từ 1 - 2/9 máy trong đợt 2 (năm 2021 Trạm bơm này vẫn đủ điều kiện vận hành). Ngoài ra, các công trình thủy lợi chưa được cải tạo, nâng cấp tiếp tục không đủ điều kiện vận hành như: Cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không thể vận hành lấy nước trong tất cả các đợt.

Công nhân Công ty Thủy lợi Sông Tích vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước từ sông Hồng cấp nguồn cho hệ thống. Ảnh: Minh Phúc.

Trên cơ sở đó, để bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và dân sinh, tiết kiệm nước để phát điện trong điều kiện nguồn nước ngày càng khó khăn, Bộ NNPTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo thực hiện các nội dung: Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục quản lý chặt chẽ tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình để hạn chế việc hạ thấp, biến đổi lòng dẫn.

Các địa phương tổ chức rà soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn để tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình lấy nước chủ động không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện.

Thành phố Hà Nội đánh giá khả năng lấy nước của các hệ thống thủy lợi trong vụ đông xuân 2021-2022; triển khai xây dựng khẩn cấp trạm bơm dã chiến Liên Mạc, Trung Hà; cải tạo, nâng cấp một số công trình lấy nước thuộc thành phố để bảo đảm đủ năng lực theo kịp tiến độ lấy nước của các địa phương khác (các trạm bơm Ấp Bắc, Liên Mạc, Trung Hà). Đồng thời, rà soát, có kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi để lấy nước không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện. Vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, tổ chức lấy nước sớm, phù hợp với kế hoạch lấy nước tập trung của toàn khu vực.

Bộ NNPTNT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi quy định về vận hành các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng trong thời kỳ xả nước gia tăng theo hướng linh hoạt hơn về mực nước, yêu cầu và thời gian các đợt xả nước để phù hợp với thực tế mực nước hạ du hệ thống sông bị hạ thấp, không bảo đảm dâng đạt mức +2,2 m tại Trạm thủy văn Hà Nội như quy định hiện hành.

Chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện đề tài “Nghiên cứu giải pháp khôi phục đáy sông để gia tăng mực nước mùa kiệt các sông chính trên lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình phục vụ đa mục tiêu".