Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cơ cấu lại sản phẩm, thị trường để vượt qua thách thức

15:40 03/06/2020 GMT+7

Đại dịch Covid-19 khiến ngành gỗ lao đao. Khảo sát do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thực hiện với các doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy tất cả đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi 80% đối tác dừng mua hoặc hủy đơn hàng, tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest chia sẻ về “thảm cảnh” này.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest.

Xin ông cho biết, dịch bệnh Covid 19 đang ảnh hưởng như thế nào đến ngành Chế biến xuất khẩu gỗ nước ta?

Hiện nay, 5 thị trường tiêu thụ chính của gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này. Hiện tuy dịch bệnh Covid 19 tại Trung Quốc đã dần được khống chế, nhưng các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn đang có diễn biến phức tạp bởi dịch Covid- 19. Hiện rất nhiều đối tác khách hàng nhập khẩu gỗ ở EU và Mỹ đã gửi thư cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ nước ta, đề nghị chậm giao hàng theo đơn hàng đã ký, chậm thanh toán tiền hàng vì nhân viên phải nghỉ tránh dịch bệnh. Dự báo, việc ký các đơn hàng mới sẽ bị chậm từ 3 – 6 tháng do lo ngại dịch bệnh.

Theo báo cáo sơ bộ từ các Hiệp hội gỗ địa phương và các doanh nghiệp chế biến gỗ từ giữa tháng 3 cho tới nay, ngành đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể, thị trường xuất khẩu chiếm 50% thị phần là Mỹ, đã có trên 80% các nhà mua hàng thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới.

Thị trường EU: 81% doanh nghiệp đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60-80% . Khảo sát do Viforest thực hiện với các doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy tất cả đơn vị bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khi 80% người mua dừng hoặc hủy đơn hàng, tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng; 50% phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đặc biệt, chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Hơn thế nữa có 96% doanh nghiệp có quan hệ vay vốn ngân hàng và chịu áp lực về lãi vay cũng như thời gian trả nợ.

Không chỉ khó đầu ra, các DN còn phải đối mặt với việc giá gỗ nguyên liệu tăng cao từ 10-20 USD/m3 gỗ nguyên liệu do thiếu công nhân khai thác gỗ nguyên liệu, thiếu container rỗng và giá cước tàu tăng từ 500-1000 USD/container, và còn tiếp tục tăng cao trong những tháng tới do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với một ngành có độ mở rất lớn như ngành gỗ, ngành có kim ngạch xuất đạt trên 10 tỷ USD năm 2019, đại dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung trong xuất nhập khẩu. Sụt giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân công, sức ép về các khoản chi trong khi thiếu nguồn thu là những khó khăn lớn mà nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện đang phải đối mặt. Năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng đến thời điểm này với những tác động từ đại dịch Covid-19, dự báo tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0%.

Cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người trồng rừng. Ảnh: NT

Các doanh nghiệp ngành gỗ đang làm gì để hồi phục sau đại dịch, thưa ông?

Nhằm giảm tác động tiêu cực của dịch, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đang nỗ lực duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn kết người lao động. Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết chuẩn bị các hoạt động tái sản xuất, nhằm phục hồi sau dịch. Trong ngành hiện cũng đang hình thành các ý tưởng, sáng kiến không những giúp doanh nghiệp tái hoạt động mà còn chuẩn bị để tăng tốc và bứt phá thời hậu dịch. Có 3 tiêu chí quan trọng nhất để doanh nghiệp phục hồi là tốc độ, sáng tạo và tinh thần lạc quan.

Hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược. Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Trong khi đó cơ cấu dòng sản phẩm của Việt Nam hiện chưa hợp lý… do sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không tăng cao trong tương lai. Từ đó, để phục hồi sản xuất, chúng tôi đang khuyến cao các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Tại thị trường trong nước, chúng tôi nhận định sản phẩm sàn gỗ sẽ có nhiều cơ hội sau khi đại dịch qua đi. Những năm gần đây, đặc biệt cuối năm 2019 đầu 2020, sự bùng nổ của thị trường bất động sản đã kéo theo nhu cầu lớn về vật liệu xây dựng, tạo đà cho nhóm ngành này có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong vòng 5 năm qua, có khoảng 400.000 – 500.000 căn hộ nhà phố, chung cư cao cấp ra đời tại Việt Nam. Trung bình mỗi căn hộ sử dụng ít nhất từ 1 – 2 trăm triệu đồng cho phần nội thất, ốp sàn. Chỉ riêng với đồ gỗ, vật liệu ốp sàn gỗ nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm. Như vậy, quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất, vật liệu ốp sàn trong nước năm 2019 lên đến khoảng 4 tỷ USD. Thế nhưng, trong bối cảnh các Công ty trong nước đang tập trung nhiều cho xuất khẩu, thì thị trường nội thất tại Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp gỗ trong nước mải mê với xuất khẩu, không chú trọng thị trường nội địa thì sẽ mất đi cơ hội khai thác thị trường sàn gỗ rất tiềm năng này.

Đại dịch cũng cho thấy ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng. Kênh truyền thống bán tại cửa hàng cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới là bán hàng điện tử. Thêm vào đó, ngành cần hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi tác động của Covid-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Xin ông cho biết, ngành chế biến đồ gỗ đã được nhận những ưu đãi, hỗ trợ nào từ Nhà nước?

Thời gian qua Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Tuy nhiên, theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 6.7.2018 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, công nghiệp chế biến gỗ không được coi là một phần của lâm nghiệp và theo Quyết định này, ngành chế biến gỗ thuộc các mục C – Công nghiệp chế biến chế tạo, cụ thể ở phần ngành cấp 2, mã ngành 16 và mã ngành 31 không nằm trong nhóm ngành tại mục 1 Điều 1 của Dự thảo Nghị định Gia hạn thời gian nộp thuế và thuê đất đề cập đến. Như vậy ngành chế biến gỗ – một ngành xuất khẩu chủ lực đã bị loại ra khỏi gói hỗ trợ này.

Trong Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28.3.2019, có nêu đưa ngành gỗ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng tới thời điểm hiện tại khi trên 5.000 DN chế biến gỗ trên cả nước đang điêu đứng, đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức thì ngành chế biến gỗ đang bị đối xử không công bằng so với các ngành tương tự như da giày, dệt may. Đặc biệt là tâm lý cảnh giác, e sợ của các ngân hàng thương mại trước một cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ bị thiệt hại nặng nề nhưng không được sự hỗ trợ từ Chính phủ, sẽ dẫn đến việc ngân hàng không cho vay, giảm hạn mức vay và tăng lãi suất cho vay vì mức độ rủi ro cao, điểm tín dụng thấp.

Được biết, Chính phủ đã có gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang trông chờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ để tăng sức vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì để vực dậy tình hình kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, dù là từ phía Chính phủ hay các ngân hàng. Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất được ban hành từ ngày 8.4 nhưng vừa qua chúng tôi vẫn nhận thông báo nộp thuế liên tục. Các gói hỗ trợ là để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, dần khôi phục và phát triển, nhưng đợi doanh nghiệp chết rồi mới hỗ trợ thì nói làm gì.

Khó khăn về thị trường đã khiến lĩnh vực khai thác, chế biến lâm sản lao đao. Ảnh: NT

Vifores có những kiến nghị nào đối với Nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ, thưa ông?

Để giảm thiểu khó khăn và thiệt hại mà doanh nghiệp ngành gỗ đang phải đối mặt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị Chính phủ đưa các phân ngành sau vào Dự thảo Nghị định giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) (phân ngành 16- viên nén, ván lạng,….); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (phần ngành 31- Đồ gỗ ).

Vifores kiến nghị Nhà nước có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ: bỏ thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ từ 2% xuống còn 0% đến hết năm 2020 để thúc đẩy xuất khẩu và giảm ảnh hưởng dây chuyển tới doanh nghiệp và hộ dân trồng rừng. Đối với mặt hàng gỗ xẻ xuất khẩu hiện nay đang áp thuế 25%, đề nghị giảm xuống 0% đối với mặt hàng này làm từ gỗ nhập khẩu. Đồng thời kiến nghị trả chậm thuế VAT nhập khẩu nguyên liệu gỗ nhằm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ thêm 3 – 6 tháng, không tính lãi suất phạt quá hạn.

Chúng tôi kiến nghị, các ngân hàng nên chung tay với doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Ngân hàng chính là “máy trợ thở” của chúng tôi nhưng lại vịn vào cớ rủi ro cao thì lãi suất phải cao. Tôi nghĩ Chính phủ luôn muốn điều tốt nhất cho doanh nghiệp, nhưng cần có ban ngành kiểm soát chặt chẽ và đẩy nhanh việc thực thi chính sách để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chu Khôi (thực hiện)