Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Cởi trói” chính sách để nông nghiệp bay cao

19:56 23/09/2018 GMT+7

Việt Nam có “sở trường” về phát triển nông nghiệp nên không có lý do gì chúng ta thua kém các quốc gia khác. Để đất nước giàu có nhờ nông nghiệp, những “sợi dây trói buộc” khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn cần phải được gỡ bỏ bằng cách tiếp tục rà soát, định vị lại khu vực tam nông trong giai đoạn tới.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngày 7/9, Gs. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nêu vấn đề: Trong khi các quốc gia như Hà Lan, Israel… rất phát triển nông nghiệp, thậm chí giàu có nhờ nông nghiệp dù điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt, Việt Nam là nước “sở trường” về nông nghiệp, không có lý do gì chịu thua kém các nước này”.

Tăng trưởng chưa vững chắc

Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Bộ NN&PTNT nhận định: Trong 10 năm qua, nông nghiệp luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện; tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế.

Việt Nam có sở trường về phát triển nông nghiệp nên không có lý do gì thua kém các quốc gia khác

Nhờ đó, xuất khẩu (XK) nông, lâm, thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.

Tổng kim ngạch XK 10 năm (2008 – 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. XK nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Trong bối cảnh đó, nông dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn tăng từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn.

Cùng với đó, nông thôn ngày càng phát triển văn minh và hiện đại hơn; cơ cấu kinh tế chuyển đổi tích cực…

Tuy nhiên, báo cáo cũng thừa nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, quá trình phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc. Tiêu thụ nổi lên là vấn đề bức thiết, khi khả năng tiêu thụ chưa đáp ứng được sức sản xuất lớn.

Về nông dân, tỷ trọng lao động nông nghiệp còn cao so với tổng lao động xã hội, do đó năng suất lao động nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện (năm 2017 đạt 35,5 triệu đồng/lao động) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Về nông thôn, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá nguyên nhân là sự kết nối giữa chiến lược phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa đô thị và nông thôn chưa đủ mạnh để kéo nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển hiện đại. Cơ chế, chính sách ban hành nhiều nhưng chưa đồng bộ, mang nặng tư duy bao cấp, thiếu nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là động lực với nông dân.

Theo Gs. Đặng Hùng Võ, phát triển tam nông còn nhiều hạn chế là do thời gian dài chúng ta mải miết, say sưa với công nghiệp hóa và đô thị hóa mà để “rơi” nông nghiệp.

“Vấn đề nông dân là vấn đề lớn mà chúng ta chưa làm được nhiều. Tôi thấy nông dân vẫn đang “cô đơn” trên đồng ruộng, họ vẫn đang loay hoay với các mô hình hợp tác phát triển sản xuất. Đất mà nông dân đang dùng vẫn còn hạn điền, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn mất chi phí cao, đời sống nông dân vẫn khó khăn. Thời gian qua, có sự liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân nhưng nhiều mô hình chưa hiệu quả”, ông Võ chia sẻ.

“Cởi trói” chính sách

Vì vậy, ông Võ cho rằng Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong đổi mới chính sách giao đất nông nghiệp. Đồng thời, có chính sách giảm chi phí cho người nông dân khi tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

“Chúng ta cần phá bỏ hạn điền để nông dân gắn chặt với sự nghiệp sản xuất, tìm kiếm các mô hình hợp tác phù hợp giúp họ yên tâm sản xuất, ổn định đời sống”, ông Võ đề xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng phát triển nông nghiệp cần lấy thị trường trong nước và quốc tế làm động lực. Tỷ trọng GDP có thể thấp nhưng nông nghiệp vẫn là lợi thế mà Việt Nam cần phải phát huy.

Nhấn mạnh tới chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho rằng Nhà nước phải có chính sách đủ mạnh để thu hút thêm DN tham gia vào nông nghiệp và hỗ trợ nông dân. Như vậy mới có cơ hội tăng thu nhập cho người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

Cái cần là chúng ta thiếu chính sách thiết thực. Ảnh VQ

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, điều mong muốn của các DN XK thủy sản nói riêng và DN Việt Nam nói chung là việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh phải quyết liệt hơn, xóa bỏ những gánh nặng chi phí và thời gian cho DN. Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề bảo hộ thị trường trong nước cũng là yếu tố cần được các cơ quan quản lý quan tâm, có chính sách phù hợp.

Trong giai đoạn tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam phải chuyển mình thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm, lĩnh vực tam nông sẽ đối diện với cả cơ hội lẫn thách thức. Cơ hội lớn là những tiến bộ kỹ thuật của giai đoạn công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thách thức đó là chúng ta phải chuyển thật nhanh, thật hiệu quả từ nền sản xuất nhỏ, quy mô nông hộ thành liên kết sản xuất lớn. Không có yếu tố này không thể thành công.

Bên cạnh đó, hội nhập cũng đặt ra những áp lực nếu chúng ta không cố gắng sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Do đó, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó thống nhất nhận thức không chỉ trên hệ thống chính trị mà trên toàn xã hội. Căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tiếp tục có sự ưu tiên nguồn lực, vì đây là khu vực yếu thế, dễ tổn thương, rất khó làm và nhiều rủi ro.

“Nguồn lực không chỉ là kinh tế mà còn bằng sự chỉ đạo, bằng cơ chế, chính sách để có thể khuyến khích nhiều thành phần kinh tế (DN, HTX) ra đời, liên kết chặt chẽ với người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

Phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nếu không có DN làm trụ cột để tổ chức sản xuất thì chúng ta không thể thành công. Vì vậy, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ các nút thắt để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như ban hành Nghị định 57 thay thế Nghị định 210 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp; sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Lê Thúy