Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Công trình thủy lợi dở dang, nông dân khát nước

15:10 13/08/2020 GMT+7
Để chống hạn cho hàng chục hécta đất sản xuất, từ năm 2017 chính quyền huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 4,8 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm trôi qua dự án này đã bị “trùm mền”, khiến hàng trăm nông dân “khát

Để chống hạn cho hàng chục hécta đất sản xuất, từ năm 2017 chính quyền huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 4,8 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm trôi qua dự án này đã bị “trùm mền”, khiến hàng trăm nông dân “khát nước”.

Bà Phạm Thị Tựu phản ánh kênh mương ở thôn Long Khánh không một giọt nước.

Hiến đất xây công trình thủy lợi, dân vẫn khát

Những năm trước đây, tại cánh đồng Rộc (thôn Long Khánh, xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cứ mỗi lần đến vụ Hè Thu là đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất. Điều này khiến hàng chục héc-ta đất ruộng của bà con đa phần chỉ canh tác được 1 vụ Đông Xuân còn lại là bỏ hoang.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2016, huyện Phú Ninh đầu tư xây dựng trạm bơm Long Sơn và hệ thống kênh dẫn, sau khi hoàn thành trạm bơm và kênh tưới sẽ lấy nước từ suối Đập Đàn (do trạm bơm Đại An cung cấp lên), cung cấp nước cho khoảng 60ha diện tích các cánh đồng Rộc, Hốc Bầu, Gò Bút của thôn Long Khánh.

Năm 2017, Dự án bắt đầu thực hiện và dự kiến hoàn thành trong năm này. Công trình ngoài đảm bảo vấn đề nước tưới chống hạn còn góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Tuy nhiên, đã nhiều năm xây dựng nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Không những vậy, dọc tuyến kênh nhiều đoạn cỏ dại mọc um tùm, thậm chí kênh đã nứt toác và bị đất đá bồi lấp. Đến vụ Hè Thu năm 2020, nhiều diện tích ruộng của thôn Long Khánh vẫn bỏ hoang vì không có nước sản xuất.

Tại khu vực thôn Long Khánh, xã Tam Đại, nơi công trình thủy lợi 3 năm xây dựng vẫn trong tình trạng dở dang, trong khi đó hàng trăm hộ dân nơi này đành chấp nhận sống trong cảnh “khát nước” ngay bên cạnh công trình đại thủy nông Phú Ninh.

Qua tìm hiểu, hàng trăm hộ dân ở thôn Long Khánh đang sinh sống liền kề ngay bên cạnh hồ thủy lợi Phú Ninh, nơi cung cấp hàng triệu mét khối nước cho hàng ngàn héc-ta đất sản xuất ở tỉnh Quảng Nam. Để xây dựng hồ chứa nước vốn được ngợi ca là mang lại sự đổi đời cho hàng vạn nông dân này, người dân Long Khánh cũng đã từng sẵn lòng hy sinh bằng cách hiến đất đai, nhà cửa, hoa màu… Thế nhưng, để rồi hàng chục năm sau, cái người dân ở đây nhận được vẫn là cảnh sống trong khát khô, khát cháy…

Vụ Hè Thu năm 2020, gia đình bà Phạm Thị Tựu (57 tuổi, trú thôn Long Khánh) có 3 sào ruộng bỏ hoang vì không có nước để canh tác hoa màu ở cánh đồng Rộc.

Bà Tựu cho biết: “Những năm qua, gia đình tôi chỉ sản xuất được một vụ Đông Xuân vì có nước mưa, còn vụ Hè Thu thì thiếu nước nên không thể sản xuất được. Đến năm 2017, công trình Trạm bơm Long Sơn và kênh mương dẫn nước này bắt đầu xây dựng, nhưng đến nay vẫn còn dở dang”.

Nhiều người dân còn cho rằng, công trình xây dựng bất cập ở chỗ, kênh mương xây cao hơn nhiều so với các đám ruộng, việc này giống như hàng rào chắn ngang sự đi lại của bà con ra cánh đồng. Bên cạnh đó, do công trình làm quá lâu, dẫn đến một số đoạn kênh cỏ cây mọc um tùm, đất tràn xuống lấp lại hoặc bị hư hỏng. Người dân rất mong muốn đơn vị tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành công trình để có nước sản xuất.

Ông Phan Văn Hoa (53 tuổi, trú thôn Long Khánh) cho hay, khi có chủ trương làm kênh, ông đã tự nguyện hiến nhiều diện tích đất sản xuất trong vườn để đơn vị thi công, thế nhưng công trình làm quá lâu và chưa trả lại mặt bằng ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình ông.

Công trình thủy lợi trùm mền và nông dân vắt từng giọt nước để cứu hoa màu.

Công trình 4,8 tỷ đồng đã trễ hẹn 3 năm

Theo tìm hiểu của phóng viên, trạm bơm Long Sơn và hệ thống kênh mương dẫn nước này sẽ lấy nước từ Trạm bơm Đại An bơm từ kênh chính Phú Ninh lên sau đó cung cấp nước cho các cánh đồng Rộc, Gò Bút;… của thôn Long Khánh. Công trình này được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng xây dựng dở dang, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Ông Thái Tình (70 tuổi, trú thôn Long Khánh) cho biết: Bây giờ đang là cao điểm mùa khô hạn, cũng là lúc người dân đang cần nước hơn bao giờ hết. Vậy nhưng, từ hết năm này qua năm khác, công trình thủy lợi mơ ước vẫn chỉ là ước mơ…

“Nhà tôi có 4 sào lúa, nhưng do thiếu nước nên bỏ hoang nhiều, không những hàng chục hécta đất sản xuất tại địa phương phải bỏ hoang mà ngay cả nước sinh hoạt cũng là vấn đề nan giải đối với người dân chúng tôi…

Nước sản xuất thì không có hẳn rồi, nhưng nước sinh hoạt thì hiện nay có nhà khoan giếng 15-20m mà cũng thiếu nước sinh hoạt. Rất khó khăn nên phải đi vô (vào) hồ lấy nước về sinh hoạt…”, ông Tình xót xa.

Ông Lê Văn Tý ngụ cùng thôn cho biết: “Khi triển khai xây dựng hồ thủy lợi Phú Ninh, người dân ở đây đã hiến đất, hiến công, hiến của rất nhiều. Bây giờ Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi tại địa phương, thấy vậy nhân dân rất mừng và đồng tình ủng hộ, dân chúng tôi tiếp tục hiến đất để cho công trình sớm hoàn thiện…Nhưng mà làm không được, bỏ dở dang, việc này làm cho người dân chúng tôi rất buồn”.

Công trình làm quá lâu, một số đoạn kênh làm âm sâu so với mặt đất nên đến nay đã bị đất tràn xuống lấp lại. Tôi mong những đơn vị liên quan sớm hoàn thành công trình để người dân có nước sản xuất.

Được biết, công trình thủy lợi tại thôn Long Khánh là do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Ninh làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017 nhằm đảm bảo nguồn nước chống hạn cho 60ha đất sản xuất của thôn Long Khánh. Dù đã trễ hạn gần 3 năm, bây giờ công trình vẫn còn ngổn ngang, dang dở…

Trong các cuộc họp ở thôn, bà con địa phương nhiều lần kiến nghị, cần sớm hoàn thành công trình để người dân có nguồn nước sản xuất, nhưng đến nay công trình vẫn ”dậm chân tại chỗ”. Ngoài ra, một số đoạn kênh sâu hoặc cao hơn so với mặt ruộng chắc chắn khi công trình đi vào hoạt động thì một số diện tích ruộng của bà con sẽ gặp khó khăn trong việc lấy nước.

Ông Nguyễn Văn Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đại cho biết, khi làm dự án trạm bơm Long Khánh và kênh dẫn, địa phương đã tổ chức họp dân và người dân thống nhất hiến đất. Khi đi vào triển khai dự án, có một số hộ dân yêu cầu bồi thường, hiện còn vướng mặt bằng của 4 hộ dân.
“Thời gian qua, chính quyền xã đã tổ chức họp và đối thoại với người dân nhưng một số hộ chưa chịu và yêu cầu bồi thường”, ông Vương nói.

Dự án trạm bơm Long Khánh được thực hiện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn vướng một số vị trí mặt bằng chưa bàn giao nên chưa thể thi công, việc này đơn vị đã phối hợp với UBND xã Tam Đại và chính quyền thôn nhiều lần vận động nhân dân hiến đất theo kết luận của UBND huyện Phú Ninh nhưng người dân chưa thống nhất.
Theo Ban Quản lý dự án huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam

Thanh Huyền – Hồng Phong