Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Danh hiệu Nhà khoa học của nhà nông: “Cơ hội hiếm có để học hỏi, giao lưu”

07:54 21/06/2021 GMT+7

Được tôn vinh trong Chương trình Tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông năm 2020 (chương trình thường niên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức), Tiến sĩ Nguyễn Thị Trúc Mai (SN 1987) – nhà khoa học trẻ đã có những trải lòng với phóng viên về niềm hạnh phúc khi nhận được giải thưởng này.

TS. Nguyễn Thị Trúc Mai – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.

Thưa chị, là người từng được tham gia sự kiện Tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông, chị có thể cho biết ý nghĩa của sự kiện này như thế nào đối với xã hội và với cá nhân chị?

Chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” là một Chương trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị – xã hội, kinh tế – kỹ thuật, góp phần tăng cường mối liên kết giữa Nhà Khoa học với Nhà nông, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện thu nhập của nông dân. Thông qua hoạt động này, giúp cho các Nhà khoa học có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức lẫn nhau, có thể liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau, ở các vùng miền khác nhau, tạo ra những giá trị khoa học mới, giúp ích cho quá trình nghiên cứu sau này.

Riêng đối với bản thân tôi, đây là một cơ hội hiếm có để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ thế hệ các anh, chị đi trước trong cùng lĩnh vực trên mọi miền Tổ quốc, lĩnh hội những kiến thức ở các lĩnh vực khác có thể kết hợp với các nghiên cứu hiện tại của mình. Đồng thời, có thể giới thiệu nghiên cứu của mình đến mọi người, lan tỏa giá trị nghiên cứu để mọi người cùng trao đổi và góp ý để nghiên cứu được hoàn thiện hơn.

Việc nhận được danh hiệu “Nhà Khoa học của Nhà nông” tạo động lực gì cho chị trên con đường nghiên cứu khoa học?

Trong quá trình tham gia các nghiên cứu, giúp cho bà con nông dân sản xuất cây sắn hiệu quả trên mảnh đất quê hương, chưa bao giờ tôi nghĩ bản thân lại nhận được danh hiệu “Nhà Khoa học của Nhà nông”, đây thật sự là một vinh dự rất lớn đối với bản thân. Danh hiệu này vừa là động lực, vừa là trách nhiệm giúp tôi tiếp tục nghiên cứu, phổ biến, đưa các giải pháp sáng kiến, công trình khoa học, công sức của mình vào thực tiễn đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các lĩnh vực liên quan, giúp tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy mối quan hệ liên kết giữa nông dân với các thành phần khác trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa nông sản chặt chẽ hơn, giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; gia tăng đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Y nói riêng của đất nước nói chung.

TS. Nguyễn Thị Trúc Mai tại Lễ tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông năm 2020.

Chị có nhắn nhủ gì cho các nhà khoa học trẻ, nhất là những nông dân trẻ có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thưa chị?

Thật ra, bản thân tôi chỉ mới đóng góp một phần rất nhỏ bé trên bản đồ khoa học. Tôi còn phải học hỏi rất nhiều từ các nhà khoa học đi trước, các nhà khoa học trẻ cùng thế hệ và cả học hỏi từ những người nông dân. Nói nhắn nhủ là một điều gì đó khá lớn lao, nên tôi chỉ xin chia sẻ về kinh nghiệm bản thân trong quá trình thực hiện nghiên cứu của mình.

Ngoài việc thường xuyên tích lũy, cập nhật kiến thức chuyên môn, trau dồi các kỹ năng mềm, thì điều quan trọng nhất đó là sự đam mê và sự kiên trì. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, có những lúc nghiên cứu rơi vào bế tắc, thất bại, có những lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng khát khao “giải oan” cho cây sắn là cây phá đất, là cây chỉ để cứu đói chứ không thể làm giàu, thôi thúc tôi tiếp tục bước tiếp. Cho nên, việc xác định được mục tiêu sẽ làm kim chỉ nam cho mọi hành động sau này. Ngoài ra, để đi được đường dài, có lẽ đó chính là tình yêu công việc của chính mình, bởi chỉ khi mình yêu tha thiết một điều gì đó thì mình mới có đủ sức mạnh vượt qua những lúc nản lòng hay thất bại. Và tôi rất tâm đắc với câu nói: “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.

Trân trọng cảm ơn chị!

Kiều Oanh (thực hiện)