Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dạy nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

11:12 29/06/2020 GMT+7
Từng là tỉnh miền núi nghèo, nhưng nhờ dạy nghề mà giờ đây Tuyên Quang đã gặt hái được nhiều thành tựu. Năm 2020, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao

Từng là tỉnh miền núi nghèo, nhưng nhờ dạy nghề mà giờ đây Tuyên Quang đã gặt hái được nhiều thành tựu. Năm 2020, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Ông Vũ Ngọc Đình (thôn Lục Mùn, Yên Sơn, Tuyên Quang) được học nghề trồng trọt, làm giàu nhờ mô hình trồng bưởi. Ảnh: T.L

Dạy nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tuyên Quang là tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp là chính. LĐNT chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho LĐNT ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho LĐNT chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thêm vào đó tình trạng thiếu lao động có trình độ tay nghề vẫn còn phổ biến, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là lao động khu vực nông thôn. Nhiều lao động sau đào tạo vẫn chưa tìm kiếm được việc làm hoặc chưa áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Về cơ bản vẫn còn thiếu lực lượng lao động lành nghề phục vụ sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp và nông thôn.

Trước thực trạng trên tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhiều chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, nhất là LĐNT để họ trở thành lao động làm các công việc trong các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động là một yêu cầu cấp thiết để tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm ở xã Hùng Đức (Hàm Yên). Ảnh: Đ.S

Triển khai mô hình điểm theo thế mạnh của địa phương

Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh, thời gian qua hoạt động dạy nghề đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua triển khai thực hiện từ năm 2010- 2019 trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các mô hình đạt hiệu quả đến nay đã có 59 mô hình điển hình. Trong đó mô hình cá nhân điển hình có 55 mô hình và 4 mô hình tổ chức điển hình. Các đơn vị thuộc ngành lao động, ngành nông nghiệp và nhiều tổ chức đoàn thể xã hội đã tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Từ các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp công tác đào tạo đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Qua đó, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương đồng thời tạo lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động.

Bà Mai Thị Thanh Bình – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, LĐNT sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất. Đặc biệt, lao động sau học nghề có việc làm được các doanh nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuyển dụng, được chuyển nghề, có thu nhập, tăng năng xuất lao động.

Với lao động học các ngành Nông nghiệp, sau học nghề các lao động đã biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Một trong những giải pháp trọng tâm trong năm 2020 của tỉnh là tập trung đào tạo nghề nông nghiệp gắn với thế mạnh của địa phương để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều kiện, được hoạt động giáo dục nghề nghiệp và quán triệt không tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay Hội cũng đang đẩy mạnh đào tạo dạy nghề cho LĐNT. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, từ tháng 6 Hội mới tổ chức lại hoạt động dạy nghề cho LĐNT. Hiện tại Trung tâm dạy nghề của Hội đang tổ chức khai giảng 2 lớp là dạy nghề chăn nuôi cá và chăn nuôi thú y. Cả hai lớp đang học lý thuyết, tới đây sẽ tiến hành học thực hành. Tuy nhiên thời gian học cũng sẽ được thay đổi theo tình hình thực tế của địa phương. Việc giảng dạy linh động theo nhu cầu thực tế của người dân. Lớp học được bố trí vào vụ mùa để tận dụng nguyên liệu có sẵn tiến hành thực hành.

“Do tình hình dịch bệnh nên chúng tôi ưu tiên dạy kiến thức thực hành, tránh tụ tập đông người trên lớp học. Thời gian học cũng được rút ngắn tối đa. Với lớp chăn nuôi cá bà con có thể học trong 3 tháng nhưng với lớp chăn nuôi thú y có thể rút gọn xuống còn 1 tháng, tất nhiên vẫn đảm bảo số tiết, nội dung cơ bản” – bà An cho biết thêm.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trên 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 6.000 lao động.

Thuỳ Linh