Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đền Choọng huyền thoại Nàng tóc thơm

15:40 31/01/2020 GMT+7
“…Tiếng gà gáy, mảnh trăng nghiêng, lời nối lời nên duyên Mường Chọong! Hội còn vui bạn mình ơi lắng đọng… Đừng trách chi con gà gáy vô tình! Về Mường Chọong nhớ không anh? Về Mường Chọong anh hát cùng em.Thắm tình ta, thắm nghĩa tình non nước. Ta cùng nhau chung xây hẹn

“…Tiếng gà gáy, mảnh trăng nghiêng, lời nối lời nên duyên Mường Chọong! Hội còn vui bạn mình ơi lắng đọng… Đừng trách chi con gà gáy vô tình! Về Mường Chọong nhớ không anh? Về Mường Chọong anh hát cùng em.Thắm tình ta, thắm nghĩa tình non nước. Ta cùng nhau chung xây hẹn ước. Hội còn vui, về răng được mà về…”. Những câu hát vang lên giữa đất trời miền tây xứ Nghệ, là nét văn hóa, đậm đà bản sắc, âm vang của lễ hội đền Chọong.

Di tích đền Choọng ở Quỳ Hợp

Theo nghiên cứu của các nhà văn hóa thì các bản người Thái ở Quỳ Hợp thường có cái miếu nhỏ làm theo kiểu chòi, to thì bằng gỗ đẽo thưng ván, có cầu thang lên; nhỏ thì làm bằng tre nứa, đứng ở dưới đất cũng có thể đặt mâm cúng được. Trong mỗi cái miếu như vậy thường có cái bàn thờ thô sơ, có bản miếu chỉ là cái bàn thờ đặt ngay giữa lùm cây, dưới gốc cây hay treo lơ lửng tại một cây cổ thụ nào đó. Gọi là bàn thờ, nhưng chỉ là tấm ván nhỏ trên đặt cái bát hương, vài cái chén nhỏ để đựng rượu mà thôi, nó không ra hình thù đặc trưng của một tôn giáo nào cả. Đồng bào gọi đó là “Lẵc xưa” trong thờ ông Pủ xưa (hồn áo) tức là ông Thần áo.

Đền Choọng huyền thoại Nàng Tóc Thơm. Ảnh: XV

Ở các Mường thuộc địa bàn Quỳ Hợp ngày nay đều có các ngôi đền. Mường Nghình (Châu Hồng) tại bản Piềng Tò có đền thờ hai anh em họ Quán Vi đến khai phá lập Mường. Tại bản Mường Ham (Châu Cường) có đền thờ Tạo Nọi. Mường Choọng (Châu Lý) có đền Choọng thờ Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm) tương truyền nàng là người con gái Thái, vợ của một tướng tài trong khởi nghĩa Lam Sơn, là người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn chống giặc.Các đền kể trên ngày nay không còn nữa nhưng theo lời kể của người dân và dấu tích còn sót lại thì Đền Choọng là đáng chú ý hơn cả bởi sự bề thế và phạm vi ảnh hưởng không chỉ ở Mường Choọng mà còn tới khắp các mường lân cận.

Giữa muôn trùng đại ngàn, thung lũng Mường Choọng như một cánh đồng rộng lớn. Nổi lên giữa trung tâm của thung lũng là Pu Đên. Pu Đên, tiếng Thái nghĩa là Núi Đền. Giống như bạt ngàn núi rừng Mường Chọong, Pu Đên quanh năm cây cối tươi tốt, khác chăng trên đỉnh núi Pu Đên còn lưu vết tích Đền Choọng xưa. Ở nơi “sơn hồi thủy tụ” có một huyền thoại đẹp được dân bản lưu truyền bao đời nay – huyền thoại Nang Phốm Hóm (Nàng tóc thơm)

Huyền thoại Nàng tóc thơm

Du khác viễn cảnh đền Choọng. Ảnh: XV

Tương truyền, mảnh đất Mường Choọng có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất này là nơi nghĩa quân lưu lại để tuyển quân, gom góp lương thực phục vụ cho chuỗi trận đánh chống quân Minh trên miền tây Nghệ An.

Chính trong quá trình lưu lại nơi này (vào khoảng năm 1425), một tướng tài của nghĩa quân đã đem lòng yêu thương và hẹn thề nên duyên chồng vợ cùng một người con gái Thái đẹp người đẹp nết trong vùng. Chính nàng được nghĩa quân tin cậy giao phó đảm trách sứ mệnh chỉ huy việc gom góp lương thực nuôi quân.

Người con gái ấy chính là Nang Phốm Hóm, tương truyền ngay từ lúc sinh ra Nàng đã thông minh, lanh lợi khác người, đặc biệt là mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng. Nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, Nàng đã đến từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải phục vụ nghĩa quân kháng chiến trường kỳ.

Tướng quân cùng nghĩa quân chinh chiến dặm trường, hết đánh trận Trà Lân, đến trận Độ Gia, giải phóng miền Tây rồi giải phóng cả vùng Hoan Châu rộng lớn…Dõi theo tin thắng trận của nghĩa quân, Nàng cùng dân bản càng ra sức cấy trồng, ươm tơ dệt vải làm tròn vai trò hậu phương lớn.

Chiều chiều, sau khi cắt đặt công việc xong xuôi Nàng thường ra bến nước ven dòng Nậm Choọng để gội đầu. Một buổi chiều nọ trong nỗi nhớ mong đức lang quân đang dọc ngang trên chiến trận, lúc gội đầu nàng đã thẫn thờ vô ý làm rơi chiếc lược, với tay vớt lược và bị nước cuốn xuống vực sâu…

Nhận được tin vợ mất, tướng quân cùng binh lính tức tốc tìm về. Trong nỗi xót thương Nàng đến tột cùng, tướng quân cùng binh lính và người dân Mường Choọng ngày đêm ra sức tìm Nàng. Nhưng vực nước quá sâu, đất ven dòng Nậm Choọng đào lên chất thành núi mà chẳng thấy Nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của Nàng còn đọng lại.

Thương nhớ Nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm nàng đã đắp nên, ngôi đền ấy có tên Đền Choọng. Tự trong tâm thức của người dân Mường Choọng, Nang Phốm Hóm là biểu tượng đẹp về công- dung- ngôn- hạnh của người con gái Thái, là biểu tượng kết tinh từ tình đoàn kết anh em hai dân tộc Thái và Kinh.

Ngày ấy cách đây gần 600 năm, và câu chuyện về Nàng được đời tiếp đời người dân Mường Choọng vẫn kể cho nhau nghe trong niềm tự hào tôn kính, câu chuyện ấy mang tên huyền thoại Nang Phốm Hóm- Nàng tóc thơm.

Nghi lễ đền Choọng

Trong các nghi thức tế lễ, hội hè, kiến trúc của đền Choọng xưa đều mang những nét độc đáo của 2 nền văn hóa Thái – Kinh. Trong đó, thể hiện sâu sắc nhất của sự giao thoa văn hóa là chính lễ Đám Lục Ngoạt.

Lễ hội đền Choọng diễn ra hàng năm vào ngày 15-16 tháng Giêng. Ảnh: X.V

Đám Lục Ngoạt có lễ rước và tế thần, hát chúc thần, đọc chúc văn, các phường trò về biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục người Kinh; đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa của Mường Choọng như trang phục truyền thống, những điệu lăm, xuối, tiếng cồng chiêng, khắc luống… ngân vang hay các trò chơi dân gian như ném còn, bắn cung nỏ.

Đám Lục Ngoạt được tổ chức vào 2 ngày, ngày đầu tiên tức ngày 15 âm lịch bắt đầu tiến hành lễ rước linh giá từ Đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước.

Đêm 15, đền Choọng, đình Choọng đèn nến sáng trưng, khắp Mường Choọng đều vui náo nức, mọi người gặp nhau, thăm nhau tuần rượu cần, hát cho nhau nghe câu lăm câu xuối. Trai, gái mường bên nhau hẹn hò tình tự trao duyên. Tại khoảng sân rộng phía trước đền Choọng, phường trò biểu diễn các tích trò thu hút đông đảo khách thập phương và người dân Mường Choọng tới xem.

Sang ngày thứ 2, tức ngày 16 âm lịch tổ chức rước kiệu về đền Choọng với không khí trang nghiêm. Chính tế, bồi tế tiến hành lễ cúng, lời cúng được cúng bằng tiếng Kinh với nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi. Cầu cho những người có chức sắc tâm sáng sức bền để lo việc bản việc mường chu toàn, con dân Mường Choọng có sức khỏe dồi dào học hành đỗ đạt, làm ra nhiều của cải…

Sau lễ cúng, trai, gái Mường Choọng và các mường lân cận về dự lễ sẽ chính thức vào hội đua tài như thi đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo…Cuối chiều cùng ngày hạ lễ, người mường gần, mường xa chia tay nhau, bịn rịn, lưu luyến tiễn nhau cùng hẹn một mùa lễ hội năm sau gặp lại.

Xuân Vũ