Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gạo Việt Nam có logo quốc gia: Định danh trên bản đồ lúa gạo thế giới

21:29 26/12/2018 GMT+7

Lâu nay, hạt gạo Việt Nam đã đạt mục tiêu đi xa với thị trường 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy nhiên phần lớn khách hàng không biết đó là gạo của Việt Nam, cũng vì thế mà trị giá hạt gạo Việt không đúng với giá trị vốn có. Việc logo gạo Việt Nam vừa được Bộ NN&PTNT công bố và đưa vào sử dụng sẽ giúp cho giá trị gạo Việt tăng cao.

Logo quốc gia + logo doanh nghiệp: Đôi cánh thương hiệu cho hạt gạo bay cao

Tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III năm 2018, Bộ NN&PTNT đã công bố logo Gạo Việt Nam. Logo Gạo Việt Nam cách điệu hình tượng hạt gạo, vừa là hình trái đất mang thông điệp thương hiệu gạo Việt Nam đạt chất lượng và uy tín trên toàn thế giới. Trọng tâm của logo là bông lúa cách điệu. Các lá lúa được biến tấu tạo hình chim Lạc đang tung cánh, cũng là biểu tượng đặc trưng của Việt Nam đã được nhận biết trên phạm vi toàn thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản -quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết: Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp thời gian tới.

Logo Gạo Việt Nam-Vietnam Rice vừa được Bộ NN&PTNT công bố và đưa vào sử dụng

Sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Logo Gạo Việt Nam sẽ khẳng định được giá trị thương hiệu gạo Việt Nam đối với thế giới. Theo Bộ Công thương, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu hiện chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Tuy xuất khẩu nhiều nhưng hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, tỷ lệ thất thoát gạo ở mức cao 14% so với các nước Thái Lan, Ấn Độ chỉ 6%.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, logo thương hiệu gạo của Việt Nam đánh dấu một bước tiến của ngành lúa gạo. Trước đây đã có nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nghĩa là doanh nghiệp sẽ đánh mất đi thương hiệu riêng, giảm tính cạnh tranh. Thực tế, có logo thương hiệu sẽ là con đường để ngành lúa gạo Việt Nam vươn ra thế giới, đi sâu vào các thị trường khó tính, đồng nghĩa giá trị sẽ tăng cao.

Ông Phạm Thái Bình -Giám đốc CTCP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho rằng: Sau khi có logo thương hiệu, gạo Việt Nam hướng tới xuất khẩu hàng chất lượng, giảm dần kiểu xuất khẩu gạo xá. Vừa qua, nhiều đối tác Trung Quốc định hướng dòng sản phẩm đóng gói 5 – 10kg với nhãn mác-bao bì của đơn vị nhập khẩu, đồng thời có logo của đơn vị sản xuất, đây là điểm mới.

Giá trị cốt lõi: Nâng chất lượng hạt gạo

Tuy nhiên, ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh, đây chưa phải là điều kiện đủ để ngành này đi xa hơn, mà mới chỉ là bước đầu trong xây dựng thương hiệu gạo, và điều thiết yếu nhất vẫn là nâng cao chất lượng hạt gạo.

Ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng logo chỉ là bước khởi đầu nhằm xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành quy chế sử dụng logo để các doanh nghiệp sử dụng khi xuất khẩu. Về nguyên tắc, chỉ có những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhất định về chủng loại, chất lượng mới được phép gắn logo này.

Giống lúa cũng là vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa gạo. Ông Nguyễn Sơn Tiên -Tổng giám đốc CTCP sản xuất thương mại xuất nhập khẩu gạo Việt (OrgaGro), cho biết: Nhiều đối tác nhập khẩu rất quan tâm đến gạo Jasmine nhưng chất lượng gạo Jasmine của Việt Nam hiện nay lại không bằng Thái Lan vì bị lai tạo nhiều. Việt Nam không có giống gạo Jasmime chuẩn thế giới.

Ông Huỳnh Văn Thòn -Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đúc kết: Ngành lúa gạo muốn thành công, cần đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, an toàn, chất lượng. Làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, tập trung theo hướng chuyên canh, lựa chọn những giống có năng suất cao và chất lượng tốt để đưa vào canh tác đồng loạt.

Logo quốc gia + thương hiệu của doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến gạo hiện đại của Công ty Tân Đồng Tiến (Long An) -đơn vị đứng thứ 3 cả nước về xuất khẩu gạo.

Việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã đưa Tập đoàn Lộc Trời trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao và phối hợp với nông dân sản xuất. Hiện nay, mỗi năm Lộc Trời sản xuất hơn 45 nghìn tấn lúa giống cung cấp cho sản xuất. Năm 2015, sản phẩm gạo “Hạt ngọc trời-Thiên Long” từ giống AGPPS103 của Lộc trời đã đạt “Top 3” gạo ngon nhất thế giới.

Theo ông Lâm Anh Tú -Giám đốc Công ty gạo Hoa Nắng, dù mới phát triển loại gạo hữu cơ trong vài năm trở lại đây nhưng phản ứng của thị trường khá tốt. Sau khi có chứng nhận hữu cơ của Mỹ và EU, gạo Hoa Nắng đã vào được một số chuỗi bán lẻ lớn và hệ thống bán lẻ thực phẩm hữu cơ tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành.

Năm 2018, diện tích trồng lúa hữu cơ của Công ty Hoa Nắng tăng tới 40% lên gần 100ha tại Bến Tre. Ngoài hai loại gạo truyền thống là Hoa Nắng và Nàng Keo, năm 2018 Hoa Nắng còn có thêm sản phẩm gạo ST24 đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu. ST24 là giống lúa đứng thứ ba thế giới năm 2017 nên sẽ là sản phẩm chủ lực cho kế hoạch xuất khẩu của công ty này.

Một yếu tố khác không kém phần quan trọng để khách hàng tin tưởng là sản phẩm phải có thông tin truy xuất nguồn gốc. Ông Martin Albani -chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, phân tích: Người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền nếu gạo có nguồn gốc rõ ràng. Ở Thái Lan, các loại gạo luôn luôn có chỉ dẫn địa lý, điều này giúp người tiêu dùng tin tưởng, nhờ đó mà bán được với giá cao.

Đại Hữu