Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Đông Dương: Chia sẻ, học tập kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá nông sản

08:35 03/12/2019 GMT+7
Trong khuôn khổ “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia gắn với hội chợ nông sản sạch”, ngày 02/12/2019, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm

Trong khuôn khổ “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia gắn với hội chợ nông sản sạch”, ngày 02/12/2019, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Vân Nguyễn

Đến dự có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; đồng chí Đinh Khắc Đính và đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN; đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng; đại diện một số ban, ngành ở T.Ư; lãnh đạo các sở, ban, nành của tỉnh Lâm Đồng; lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành trong cả nước Việt Nam cùng đoàn đại biểu nông dân Lào và Campuchia.

Tại hội thảo, đại biểu ba nước đã thảo luận và chia sẻ những thành tựu, kinh nghiệm phát triển “tam nông” của mỗi quốc gia. Tập trung làm rõ thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức nông dân trong phát triển “tam nông”, nông nghiệp thông minh 4.0 và cách tiếp cận ở Việt Nam. Đưa ra những giải pháp, đề xuất với Đảng và Nhà nước của mỗi nước trong việc tăng cường giao lưu, hợp tác phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch T.Ư Hội nông dân Việt Nam  cho biết: Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào đạt hơn 1 tỷ USD, tám tháng đầu năm 2019 đạt 748 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ 2018; kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia hơn 4,7 tỷ USD, tăng 23,8 % so với năm 2017. Các hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch giữa ba nước đang tiếp tục phát triển .

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Sáng kiến tổ chức Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước lần này là hoạt động rất ý nghĩa, cơ hội để nông dân ba nước giới thiệu, quảng bá về những sản phẩm của đất nước mình, tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hoạt động này nên được duy trì sẽ phát huy tích cực vai trò của nông dân ba nước, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế mỗi quốc gia, đồng thời ba nước giúp đỡ, bổ trợ lẫn nhau, đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia nói riêng và khu vực.

Cùng trong chuỗi các hoạt động của chương trình, tại Đà Lạt ngày 02/12/2019 đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi an toàn thực phẩm và bao tiêu sản phẩm giữa Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI) với các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX)

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản lý – Kiêm trưởng ban chuỗi an toàn thực phẩm (VFSC) đã ký kết với đại diện của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến, HTX nông nghiệp Tiến Huy, HTX Xuân Hương, HTX Nam Sơn, HTX cây ăn trái Thanh Long Nam Hà, Công ty TNHH một thành viên nông sản Quốc Thái, HTX liên kết Macadamia Di Linh, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Đa Thiện, HTX Dược liệu Như Ý, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phước Lộc.

Thỏa thuận hợp tác giữa Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng với các doanh nghiệp và hợp tác xã . Ảnh: Vân Nguyễn

Hai bên đã thống nhất triển khai các hoạt động tập hợp đơn vị sản xuất và ứng dụng phần mềm công nghệ vào quá trình sản xuất, kiểm soát chất lượng. NFSI sẽ triển khai phần mềm ứng dụng công nghệ Blockchain vào quá trình sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm, đây là cơ sở dữ liệu truy xuất thông tin nông sản thực phẩm (VFSC). Nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm hoạt động hiệu quả, kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất thông qua các hoạt động giám sát, thu thập thông tin, đồng bộ dữ liệu trên internet để mọi thông tin trở nên minh bạch. Ngoài ra, còn hỗ trợ đơn vị sản xuất chứng minh sản phẩm đáp ứng các yêu cầu quy định về chuẩn mực chất lượng ATTP trong nước và quốc tế.

NFSI sẽ đàm phán, thỏa thuận với Tổ chức phân phối sản phẩm toàn cầu Costco – Canada để đảm bảo đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam tham gia vào chuỗi các sản phẩm  của Costco trên thị trường quốc tế. Về phía Trung tâm thông tin về sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ tập hợp, lập danh sách đơn vị đăng ký sản xuất và kinh doanh Xoài trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai các hoạt động: thực hiện đúng các quy trình từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, bảo quản và vận chuyển; quản lý vật tư nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm thu hoạch; phổ biến ứng dụng phần mềm VFSC vào quá trình sản xuất; đánh giá và chứng nhận chất lượng, tuyên truyền và quảng bá thương hiệu sản phẩm…

Lễ bế mạc “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia gắn với Hội chợ nông sản sạch” lần thứ Nhất.

Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao bằng khen của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tiêu biểu của ba nước đã có nhiều đóng góp cho chương trình.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen cho các đơn vị tiêu biểu của ba nước. Ảnh: Vân Nguyễn

Phát biểu tổng kết chương trình, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó ban Tổ chức chương trình cho biết: Sau ba ngày tổ chức, với sự tham gia của gần 300 đại biểu, chương trình đã diễn ra các hoạt động ý nghĩa, như hội kiến giữa trưởng đoàn Lào, Campuchia với lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng; hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; tham quan các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Đà Lạt; Hội chợ nông sản sạch có 264 gian hàng của 223 doanh nghiệp, đơn vị và nông dân ba nước tham gia, với hơn 2.600 nông sản và sản phẩm của các làng nghề truyền thống, đáp ứng các yêu cầu chất lượng, mẫu mã, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đã thu hút hơn 15 nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.

Ông Meas Pyseth, Phó Quốc vụ khanh Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Campuchia và ông Nhiakerya Nochochongtoua, Phó Chủ tịch Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước, thay mặt đoàn đại biểu hai nước, bày tỏ cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, cũng như tình cảm của đất nước, con người Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng giành cho đoàn và khẳng định về mối quan hệ đoàn kết, hợp tác toàn diện, gắn bó, tin cậy giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân 3 nước vì sự phát triển phồn vinh của mỗi nước.

Đồng chí Thào Xuân Sùng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, có được sự thành công hôm nay là nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ của Thường trực Ban Bí thư, sự giúp đỡ của các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Để phát huy kết quả Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ Nhất năm 2019, về phía Hội Nông dân Việt Nam sẽ đề xuất với Đảng, Nhà nước giao Hội Nông dân Việt Nam chủ trì xây dựng đề án tăng cường hợp tác giữa tổ chức nông dân ba nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức cuộc gặp định kỳ và thường niên giữa nông dân các tỉnh giáp biên giới giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Campuchia; có chính sách về đào tạo nâng cao trình độ và năng lực cho tổ chức nông dân ba nước để nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, tăng cường hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán mỗi nước; nhằm tăng cường mối đoàn kết giữa nhân dân ba nước.

Vân Nguyễn