Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng khá

14:09 17/10/2022 GMT+7
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.050 đồng/kg, giá bình quân là 5.900 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg; giá lúa thường tại kho cao nhất 7.550 đồng/kg, trung bình là 6.858 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.

Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty TNHH Gạo Vinh Phát ở phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực cho thấy, giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng khá.

Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.050 đồng/kg, giá bình quân là 5.900 đồng/kg, tăng 214 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.550 đồng/kg, trung bình là 6.858 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng tốt. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.050 đồng/kg, giá bình quân 9.814 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.750 đồng/kg, giá bình quân 9.592 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.367 đồng/kg, tăng 192 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 có giá trung bình là 9.217 đồng/kg, tăng 254 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, giá lúa tại Sóc Trăng có sự tăng giảm tùy loại như OM 4900 tăng 300 đồng/kg, ở mức 6.700 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Riêng ST 24 ổn định ở mức lên 8.200 đồng/kg.

Tại Cần Thơ, giá lúa tuần qua không có biến động. Lúa IR 50404 đi ngang ở mức 6.000 đồng/kg; Jasmine là 7.100 đồng/kg; OM 4218 là 6.300 đồng/kg.

Tại Bến Tre, giá lúa ST tăng 200 đồng/kg, lên 7.200 đồng/kg; nhưng IR 50404 lại giảm 100 đồng/kg còn 5.500 đồng/kg.

Lúa OM 18 tại Hậu Giang cũng tăng 100 đồng/kg lên 6.600 đồng/kg, nhưng RVT lại giảm với mức tương tự còn 8.400 đồng/kg.

Giá lúa ở Tiền Giang có sự tăng, giảm tùy loại như IR 50404 tăng 100 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; nhưng Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 7.300 đồng/kg; OC 10 giảm 200 đồng/kg còn 6.000 đồng/kg.

Hiện tỉnh Kiên Giang cơ bản thu hoạch xong lúa Hè Thu, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, sản lượng ước hơn 1,58 triệu tấn, đạt 100,61% kế hoạch.

Tuy nhiên, sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022, nông dân gặp nhiều khó khăn, bất lợi như giá xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng khá cao và đến nay vẫn giữ ở mức cao làm giảm lợi nhuận trong sản xuất. Trong khi đó, giá lúa trên thị trường giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Với mức giá thương lái thu mua dao động 5.300-6.000 đồng/kg tùy theo giống lúa và chất lượng, sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lợi nhuận thấp hoặc hoà vốn, thậm chí thua lỗ.

Đối với sản xuất vụ lúa Thu Đông 2022, tỉnh Kiên Giang gieo sạ được 69.181ha, bằng 86,4% kế hoạch, giảm 21.429ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện tỉnh thu hoạch khoảng 44.000ha, năng suất bình quân ước đạt 5,4 tấn/ha.

Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân Kiên Giang gieo sạ sớm khoảng 8.470ha, đạt khoảng 3% kế hoạch.

Xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo là sâu hơn trung bình nhiều năm. Ước tính vào đầu năm 2023, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000ha diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang. Do đó, những khu vực này sẽ phải đẩy nhanh gieo sạ vụ Đông Xuân sớm.

Trong khi thị trường lúa, gạo đang tăng giá tốt thì giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam không đổi ở mức từ 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.

Một nhà giao dịch tại tình An Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung trong nước đang ở mức thấp và giá gạo có thể cao hơn một chút trong những tuần tới.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 265.250 tấn gạo sẽ được xuất cảng Thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian từ ngày 1-22/10; trong đó phần lớn gạo được xuất sang các nước Philippines, châu Phi và Bangladesh.

Theo TTXVN/Vietnam+