Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gia tăng kênh phân phối mới: “Bán hàng trực tuyến”

14:23 02/06/2020 GMT+7
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nông sản bị tồn đọng, từ thực trạng trên đã hình thành tư duy mới trong mua, bán nông sản như: Bán hàng online thông qua mạng xã hội zalo, facebook, website, điện thoại tư vấn cho khách hàng, sau đó sẽ giao hàng đến tận nhà cho

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nông sản bị tồn đọng, từ thực trạng trên đã hình thành tư duy mới trong mua, bán nông sản như: Bán hàng online thông qua mạng xã hội zalo, facebook, website, điện thoại tư vấn cho khách hàng, sau đó sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã thu mua, chế biến nông sản cho bà con nông dân, nhằm giải vấn đề nông sản không xuất khẩu được.

Giao dịch điện tử – giải pháp tiêu thụ nông sản trong đại dịch.

Bán hàng online kích cầu nông sản

Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tươi như: thanh long, bơ, sầu riêng, dưa hấu, xoài… kêu cứu vì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ùn tắc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu dùng chính của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5.92 tỷ USD, chiếm 35%. Việc kiểm soát biên giới trong thời gian qua đã gây ra nhiều khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác.

Anh Trần Văn Sang, nông dân xã Tân Nhuận Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: mùa thu hoạch xoài vừa qua, giá xoài Đài Loan bán tại vườn chỉ có 1.500 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 15-30 ngàn đồng/kg khi xuất khẩu tốt. Giá rớt nhưng loại trái cây này vẫn khó tiêu thụ vì chủ yếu chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc.

Do ngại trong việc đi lại, ăn uống, mua sắm trong mùa dịch Covid-19, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn mua sắm trực tuyến bởi sự nhanh chóng, tiện lợi. Ông Hoàng Quốc Hào – Chủ cửa hàng thực phẩm nông sản trực tuyến (10H, Trần Hữu Trang, P.11, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, mỗi ngày tôi nhận được trung bình từ 70 – 80 đơn hàng/ngày, tăng gấp đôi so với thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19. Do lượng đơn hàng tăng mạnh, cửa hàng phải thuê thêm người làm và người giao hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng…

Bà Nguyễn Thị Thư, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch tại 394 Tân Thới Hiệp (P. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) chia sẻ: Để tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, internet, hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên, hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Hiện nay, doanh thu của cửa hàng tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước.

Từ những kết quả kinh doanh trên cho thấy, các chuỗi cửa hàng bán ẩm thực, nông sản nếu đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì vẫn có thể sống sót qua mùa Covid-19, mà còn góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ngoài những cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, các siêu thị lớn cũng đẩy mạnh bán hàng online, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị. Khi Việt Nam công bố dịch, kênh bán hàng online của siêu thị đã nhận số đơn đặt hàng tăng lên mỗi ngày. Ngoài các kênh bán hàng trên còn có sự vào cuộc của chính quyền và người dân, người tiêu dùng đã gỡ khó cho nông dân thông qua hoạt động chung tay đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Xoài Đài Loan trĩu quả mùa dịch chờ thu hoạch tại tỉnh Đồng Tháp.

Nông sản sẽ “thoát hiểm” nhờ chế biến sâu

Anh Phạm Văn Duy, chủ vườn sầu riêng xã Tân Phong (huyện Câi Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Nhờ tiểu thương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bà con nhân dân chung tay tiêu thụ sầu riêng, nên đến cuối tháng 4, vườn sầu riêng nhà anh và bà con nông dân trong vùng không còn tình trạng bán không được sau khi thu hoạch. Anh rất cảm động và mong cộng đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong mùa dịch và có hướng đi mới giúp bà con tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng để tiêu thụ nông sản bị tồn đọng do dịch Covid-19, giúp nông dân giảm bớt thiệt hại. Ngoài các thị trường trao đổi hàng hóa truyền thống như chợ, siêu thị… còn hướng dẫn nông dân tiếp cận phương pháp bán hàng online, vừa góp phần tiêu thụ hàng hóa bị tồn đọng trong mùa dịch. Người tiêu dùng đã tích cực hưởng ứng bằng cách quảng bá các sản phẩm nông sản, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua các trang mạng xã hội, nhờ đó đã góp phần tiêu thụ một phần lượng nông sản đáng kể cho nông dân trong mùa dịch, giúp bà con giảm bớt thiệt hại và ổn định sản xuất.

Rất nhiều sầu riêng thu hoạch mùa dịch được bán qua kênh bán hàng online.

Để giải quyết vấn đề nông sản tồn đọng, được mùa mất giá ngoài các giải pháp trên vẫn rất cần sự chung tay từ các doanh nghiệp thu mua chế biến, bao tiêu cho bà con nông dân. Theo ý kiến của một số doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, thì trong khó khăn vẫn có nhiều cơ hội như: Hiện có những thuận lợi khi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản vì Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và có nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Doanh nghiệp đến các tỉnh đầu tư đều được chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện để phát triển.

Đặc biệt, hiện nay, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được ký kết mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng như khuyến khích đầu tư chế biến nông sản. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng phát biểu: Công nghiệp chế biến đã góp phần tăng sản lượng xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhưng đa số nông lâm sản xuất khẩu vẫn dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp.

Gần đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng tốt. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến gắn với xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế biến nông sản phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, nhiều nhà máy chế biến hoạt động không hết công suất do tính chất mùa vụ. So với tổng sản lượng nông sản thì sản phẩm chế biến còn quá thấp mặc dù việc bảo quản, chế biến góp phần lớn giảm bớt áp lực đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 9,06 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Hiện cơ cấu thị trường cũng đang có sự đảo chiều. Thị trường Mỹ chiếm 23%, Trung Quốc chiếm 21,4%, sau đó là châu Âu, Hàn Quốc… Bộ NN&PTNT cũng đưa ra dự báo thị trường nông sản tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh vào tầm tháng 5. Thị trường Mỹ, EU dự báo sẽ khôi phục và xuất khẩu mạnh mẽ vào khoảng tháng 7-8.

“Để tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh người tiêu dùng hạn chế đi mua sắm, tôi phải đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, internet, hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng rồi sau đó nhân viên, hoặc đơn vị vận chuyển sẽ giao hàng đến tận nhà cho khách. Hiện nay, doanh thu của cửa hàng tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm trước”.
Bà Nguyễn Thị Thư- Chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản sạch tại 394 Tân Thới Hiệp (P. Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM)

Vân Nguyễn