Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay

ThS. Lê Thị Hiên(*) - 07:05 04/10/2022 GMT+7
Những năm qua, việc tiêu thụ nông sản ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp khiến thị trường xuất khẩu nông sản bị gián đoạn, tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, đơn vị vận tải, người sản xuất. Nhiều địa phương đã chung tay “giải cứu” nông sản, tuy nhiên đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế tạm thời chứ chưa thể giải quyết triệt để và lâu dài cho việc tìm đầu ra cho nông sản hiện nay.
Nông sản Việt Nam được đưa lên sàn TMĐT PostMart.vn. Ảnh minh họa

Hơn nữa, ngay cả khi chưa bị tác động của dịch bệnh thì việc nông sản “kêu cứu” và câu chuyện “được mùa mất giá” vẫn luôn diễn ra hàng năm, không phải nông sản này thì sẽ là nông sản khác. Vì vậy cần có những biện pháp mới cụ thể, triệt để hơn gắn với thực trạng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, từ đó đưa ra những thông tin, chính sách hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời và có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Vậy đâu là giải pháp tìm đầu ra cho nông sản hiện nay.

Giải pháp truyền thông trong tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp 

Hoạt động truyền thông cần được tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng dựa trên nguyên tắc lý luận và thực tiễn. Đứng trên lập trường, quan điểm đúng đắn về bản chất và khách quan về cách nhìn nhận, đúng đắn và định hướng của Đảng, Nhà nước sẽ là cơ sở quan trọng, cần thiết nhất để người dân và doanh nghiệp có sự tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, những chủ trương, đề án mới, chính sách hoạch định cần được tuyên truyền, truyền thông rộng rãi đồng thời cần tiếp cận nhiều hơn đến với người dân và các doanh nghiệp, sao cho người dân và doanh nghiệp nắm được thông tin và có định hướng rõ ràng, đúng đắn trong việc sản xuất cũng như phương hướng tiêu thụ sản phẩm đầu ra đặc biệt là nông sản.

Cần xác định công tác truyền thông khuyến nông là rất quan trọng và cần thiết, đẩy mạnh công tác truyền thông khuyến nông nhằm đưa đến những thông tin cụ thể, chính xác, kịp thời phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, đồng thời cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người nông dân làm cốt lõi. Cách thức truyền thông phải phù hợp với trình độ, tập quán canh tác, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của nông dân ở các vùng, các địa phương khác nhau. Qua đó tạo cầu nối, điều kiện, cơ hội và môi trường cho các đơn vị sản xuất ở các vùng, các địa phương khác nhau cũng như nông dân với các doanh nghiệp thương mại được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. 

Để làm được như vậy cần khắc phục được những khó khăn của công tác truyền thông khuyến nông đang vướng phải như: Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, trình độ canh tác, tập quán canh tác ở mỗi địa phương khác nhau, trình độ dân trí giữa các vùng, các địa phương không đồng đều trong khi đó lực lượng cán bộ khuyến nông, cán bộ truyền thông ở các địa phương còn rất thiếu cũng như ít được quan tâm về trình độ đào tạo. Thêm vào đó nông dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn chưa thật sự tiếp cận được các chương trình khuyến nông, chính sách nông nghiệp, tình hình kinh tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản. Để giải pháp truyền thông trở nên hiệu quả cần làm tốt một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, cần đổi mới các chương trình truyền thông khuyến nông. Các chương trình truyền thông khuyến nông nên được thực hiện dưới nhiều hình thức, gắn liền với các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội gần gũi với người dân, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn các chương trình khuyến nông, chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, quan trọng nhất là đi sâu vào vấn đề sản xuất nuôi trồng đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thực phẩm sạch đồng thời định hướng bảo vệ và xây dựng thương hiệu nông sản, từ việc đảm bảo chất lượng nông sản sẽ là sự đảm bảo về mặt đầu ra cho nông sản. Ngoài ra để đạt hiệu quả trong việc truyền tải nội dung các thông tin khuyến nông thì truyền thông cần sử dụng ngôn từ dễ hiểu, gần gũi, thông tin cập nhật, rõ ràng, chính xác, cách thức trình bày trên phương tiện nghe nhìn cần đơn giản và nên có hình ảnh, video minh họa.

Thứ hai, đầu tư kinh phí cho các tổ chức truyền thông, cơ quan báo chí và các bộ phận truyền thông khuyến nông của địa phương nhằm khuyến khích sản xuất nhiều chương trình, sản phẩm truyền thông về khuyến nông cũng như đưa tin về tình hình kinh tế nông nghiệp và cập nhật tin tức về đầu ra của nông sản, thấy được xu hướng tiêu thụ nông sản ở trong nước và trên thế giới giúp người dân nắm bắt được thông tin. Ngoài ra có thể tổ chức các giải báo chí về nông nghiệp, các tác phẩm xuất sắc và được đánh giá cao sẽ là động lực lan tỏa, gây hiệu ứng xã hội tác động đến nhận thức của công chúng về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ảnh minh họa.

Giải pháp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử

Phương thức trao đổi, mua bán và tiêu thụ hàng hóa trực tuyến đang là xu hướng hiện nay, nhất là trong  giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra, việc mua bán trực tuyến có những ưu điểm khắc phục được trình trạng khó khăn khi đại dịch diễn ra như hạn chế tiếp xúc, mua bán nhanh gọn, người bán và người mua được tiếp cận “trực tiếp” với nhau, nguồn cung cấp không bị gián đoạn hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá”, tạo công việc cho người giao hàng và các công ty quản lý trực tuyến. Nắm bắt được những ưu điểm đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã và đang thúc đẩy việc đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử, đây là hướng đi hiệu quả giúp nâng cao chất lượng sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản hiện nay.

Ngày 04/10/2021, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành kế hoạch số 194/KH-UBND về việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2021. Cùng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tỉnh đã chủ động đưa các nông sản do mình sản xuất và tiêu thụ lên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Sendo, Voso, Lazada, Postmart.vn…. Các mặt hàng được đưa lên sàn thương mại điện tử rất đa dạng, phong phú, chất lượng đa số được đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng, vì vậy sản lượng tiêu thụ rất tốt. Theo thống kê của báo Hòa Bình điện tử đã có 3.050 tấn thanh long ruột đỏ (Lạc Thủy), 2,5 tấn nhãn Sơn Thủy, 74,4 tấn cam Lạc Sơn, Lạc Thủy, 3,7 tấn na, 23 tấn cam Cao Phong được tiêu thụ qua sàn TMĐT Postmart.vn; 17,5 tấn cam Cao Phong, 5,5 tấn bưởi da xanh, 30.240 quả trứng gà, 1,3 tấn bí xanh được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Voso.vn.

Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh và Bưu điện TP. Hồ Chí Minh cũng đã ký kết và thống nhất mục tiêu đưa hơn 6.600 hộ nông dân sản xuất đảm bảo chất lượng nông sản lên kênh thương mại điện tử Postmart.vn trong năm 2022. Các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn sẽ được Bưu điện và Hội Nông dân thành phố hỗ trợ giới thiệu sản phẩm (sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, sản phẩm chủ lực của thành phố, sản phẩm OCOP- sản phẩm tiêu biểu của địa phương) từ đó mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ, có thêm kênh phân phối mới.

Trong chương trình “Kết nối nông sản - San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch” ngày 8/6/2021 do Bộ NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, nghệ sĩ Xuân Bắc đại diện Ban tổ chức livestream trực tuyến bán các loại nông sản như: Vải thiều, bí xanh, dứa… Trong khoảng thời gian chỉ 1 giờ buổi livestream đã thu hút đến 279.000 người xem, “chốt” được 5.000 đơn hàng (khoảng 85 tấn nông sản). Điều này cho thấy sức hút của phương thức bán hàng trực tuyến lớn như thế nào, tạo ra mạng lưới kết nối không chỉ người nông dân với người tiêu dùng mà còn cả với các đại lý, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản mà không bị giới hạn với mặt không gian, thời gian.

Xác định việc hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số là biện pháp hiệu quả, lâu dài và bền vững giải quyết bài toán tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam, vì vậy Bộ NN&PTNT đã tổ chức diễn đàn “Thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản” trong đó có những kế hoạch ngắn và dài hạn như: Hoàn thiện hệ thống truyền thông khuyến nông đặc biệt là truyền thông đa phương tiện về cung - cầu nông sản, tổ chức các lớp tập huấn sản xuất nông sản có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đào tạo, hướng dẫn kinh doanh và tiêu thụ nông sản online (đưa các nông sản lên các phương tiện truyền thông, các trang thương mại điện tử, quảng cáo online, marketing online), tổ chức các diễn đàn kết nối, trao đổi thông tin về cung - cầu nông sản.

Thấy được nhiều ưu điểm của việc đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (bán hàng online) nhưng cũng có nhiều mặt hạn chế mà quan trọng nhất vẫn là cách thức quản lý đồng nhất và cụ thể của địa phương, thấy được những khó khăn cần được khắc phục như: Các nông sản đa số là sản phẩm mùa vụ nên để đảm bảo độ tươi ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng là rất khó khăn (do thời gian sử dụng ngắn, dễ hư hỏng); Người nông dân trước đây chỉ quen với việc bán nông sản trực tiếp, phụ thuộc vào các thương lái đến thu mua (nếu sản xuất lớn) hoặc mang ra chợ bán trực tiếp (nếu sản xuất nhỏ lẻ), vì vậy khi chuyển đổi sang phương thức bán hàng trực tuyến sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, do khả năng tiếp cận, mức độ nắm bắt công nghệ còn hạn chế nên ngay cả việc thao tác trên các thiết bị điện tử, các ứng dụng thông minh, chụp ảnh sản phẩm, miêu tả sản phẩm, tương tác với khách hàng, chăm sóc khách hàng, nhận đơn, đóng gói… cũng cần được tập huấn, hướng dẫn cụ thể. Do đó, việc tăng cường hỗ trợ, tổ chức nhiều chương trình tập huấn cho nông dân, hợp tác xã, đơn vị sản xuất về kỹ năng kỹ thuật số, về tiêu thụ nông sản trực tuyến là hết sức cần thiết và cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. 

(*) Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền