Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hạn chế ô nhiễm từ sản xuất gạch

20:14 30/08/2020 GMT+7
Huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đang tồn tại trên 600 lò gạch có từ hàng trăm năm nay, nhiều nhất là các xã Long Giang, Long Kiến và Mỹ Hội Đông. Nhiều lò gạch sản xuất theo phương pháp truyền thống nên có sản lượng thấp, chất lượng không cao, đặc biệt là gây

Huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) đang tồn tại trên 600 lò gạch có từ hàng trăm năm nay, nhiều nhất là các xã Long Giang, Long Kiến và Mỹ Hội Đông. Nhiều lò gạch sản xuất theo phương pháp truyền thống nên có sản lượng thấp, chất lượng không cao, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường do khói bụi. Từ nhiều năm qua chính quyền địa phương và các chủ cơ sở đã nỗ lực hạn chế tình trạng ô nhiễm, duy trì hoạt động của các lò gạch bước đầu đạt được một số kết quả.

Công nhân trong cơ sở sản xuất gạch.

Nỗi ám ảnh từ khói bụi

Huyện Chợ Mới vốn được thiên nhiên ưu đãi bởi là cù lao nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu. Do đặc điểm thổ nhưỡng, huyện có rất nhiều nguồn đất sét tự nhiên thích hợp với việc sản xuất gạch, ngói các loại nên vùng đất này có hàng trăm lò gạch truyền thống hoạt động ngày đêm, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Dương Ngọc Thạch, 58 tuổi – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gạch Phước Đức kể lại: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề này đã qua 3 thế hệ. Mấy mươi năm trước chỉ sản xuất theo phương pháp truyền thống nên chất lượng, sản lượng không cao, nhiều chủ “lò” đã phải giải nghệ vì thua lỗ. Đó là chưa kể mình bị người dân xung quanh thưa kiện vì làm ô nhiễm môi trường sống”.

Cũng theo ông Thạch, nếu sản xuất theo kiểu cũ thì người lao động rất dễ nhiễm các bệnh về đường hô hấp, các bệnh mãn tính về xương khớp, mắt, tai, mũi, họng… Đó là chưa kể khói bụi từ các lò đốt gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh và cây ăn trái. Khó khăn chồng chất khó khăn khi Nhà nước có chủ trương không sử dụng gạch từ các lò nung theo phương pháp truyền thống cho các công trình do Nhà nước đầu tư thì hàng trăm lò gạch trở nên điêu đứng, sản phẩm tiêu thụ chỉ còn ở các công trình xây dựng tư nhân và rất hạn chế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu, 56 tuổi ngụ xã Long Giang, bản thân bà đã làm “phu gạch” gần 20 năm, cuộc sống cũng tạm đủ nhưng đang mang rất nhiều loại bệnh, như là bệnh viêm phổi, mờ mắt, ù tai… hiện bà đã phải nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo. Không chỉ có bà Thu mà đã có hàng trăm trường hợp bỏ việc tương tự bởi không một người lao động nào được chủ cơ sở mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm tai nạn lao động, vậy nên khi có ốm đau, tai nạn thì họ phải tự trang trải mọi chi phí.

Cùng với đó, hàng trăm lò gạch sản xuất theo phương pháp truyền thống đã gây thiệt hại rất lớn cho ruộng, vườn cây ăn trái xung quanh vì khói bụi bám đầy, đó là chưa kể gây đảo lộn cuộc sống của nhiều cư dân sinh sống xung quanh khu vực sản xuất.

Ông Thái Văn Bê, ngụ xã Mỹ Hội Đông kể rằng: Hơn 10 năm về trước làng gạch này khói bụi mù mịt, khi người dân phản ánh, chính quyền cũng có những can thiệp, nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại hoàn đó, nhiều người già, trẻ em phải đi lánh ở nơi khác còn vườn cây ăn trái thì thất thu luôn.

Một cơ sở sản xuất gạch tại xã Long Giang.

Đổi mới công nghệ

Từ năm 2010, chính quyền huyện Chợ Mới đã làm việc với tất cả chủ cơ sở chế biến gạch ngói trên địa bàn và thống nhất chuyển đổi phương án sản xuất từ truyền thống sang phương pháp Hoffman của Đức. Đây là kiểu lò nung theo công nghệ nung liên tục với buồng đốt di động. Nguyên liệu đốt chủ yếu là vỏ trấu và tiết kiệm được 50% so với phương pháp truyền thống. Một ưu điểm rất lớn từ cách nung này là do sử dụng ít nhiên liệu và tận dụng hiệu quả cao nguồn nhiệt do đốt liên tục và tuần hoàn, nên giảm đến 70% lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường. Cùng với đó ống khói được thiết kế cao từ 15 – 22m, được các quạt có công suất lớn đẩy lên liên tục nên lượng khói phát tán nhanh ra bên ngoài.

Ông Võ Tấn Đức, công nhân cơ sở gạch Phước Đức, xã Mỹ Hội Đông chia sẻ: “Với phương pháp mới này thời gian nung rút ngắn từ 15 ngày xuống còn 3 ngày so với cách cũ, sản lượng tăng từ 8 đến 10 lần, màu sắc gạch đẹp, độ bền tăng, giá thành hạ, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe người lao động được đảm bảo”.

Cũng theo ông Đức, công nhân ở đây mỗi tháng được trả công từ 6 – 9 triệu đồng tùy thuộc công việc, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động và các quyền lợi theo Nhà nước qui định. Người lao động yên tâm hơn bởi môi trường lao động thông thoáng. Mặt khác khi sản xuất theo phương thức mới, khói bụi từ các miệng lò đã giảm từ 70 đến 80% so với trước nên đã không còn là nỗi lo của nhiều cư dân sinh sống xung quanh và không ảnh hưởng đến cây ăn trái”.

Tại cơ sở làm gạch được xem là lớn nhất xã Mỹ Hội Đông có tên Phước Đức, hàng trăm công nhân đang lao động theo từng công đoạn chuyên biệt. Dưới sông Vàm Nao có hàng chục chiếc tàu tải trọng lớn đang lấy hàng và chuẩn bị xuất bến. Hàng chục chiếc tàu khác cặp bến để đưa nguồn đất sét nguyên liệu lên các bãi chứa của các lò gạch.

Thực tế cho thấy dù hiện nay đã có trên 80% lò gạch đã chuyển đổi công nghệ sản xuất nhưng vẫn còn 20% sản xuất theo phương thức cũ; đó là chưa kể những lò gạch “ tự phát” không đăng ký kinh doanh và đảm bảo các thủ tục cần thiết khác theo qui định. Nguyên nhân chính là các chủ cơ sở không đủ kinh phí để chuyển đổi cơ sở, máy móc, trang thiết bị trong khi vay vốn Nhà nước không thật dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Tới, ngụ xã Long Giang trần tình, dù biết là sai phạm nhưng do không đủ tiền để chuyển đổi công nghệ tiên tiến, vừa rồi cơ sở ông đã bị đình chỉ hoạt động, giờ không biết phải xoay sở ra sao.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo huyện Chợ Mới đã có nhiều giải pháp hỗ trợ như mở rộng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi qui trình sản xuất; phân công cán bộ giám sát chặt chẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò gạch, không để xảy ra tình trạng xây và hoạt động “chui”. Tổ chức kiểm tra thường xuyên sức khỏe của người lao động, độ ô nhiễm không khí xung quanh các cơ sở; bắt buộc các chủ cơ sở mua đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân. Về lâu dài, xây dựng phương án qui hoạch tập trung các cơ sở sản xuất để đảm bảo các vấn đề có liên quan đến môi trường, sức khỏe, tài nguyên.

“Từ khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, mỗi ngày cơ sở của tôi cung ứng ra thị trường khoảng 700.000 viên gạch ống loại 1,2,3. Với giá bán từ 700 – 750 đồng/viên (tùy loại), sau khi trừ hết chi phí nhân công, nhiên liệu… lãi trên 10 triệu đồng/ngày. Thị trường tiêu thụ lớn nhất là TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL. Các cơ sở khác ở làng gạch Chợ Mới tùy theo qui mô sản xuất đều có lãi khá cao, đời sống người lao động khá ổn định”.
Ông Dương Ngọc Thạch – GĐ Công ty TNHHSX gạch Phước Đức.

Bài và ảnh: Phan Thư