Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hạn chế rủi ro khi mua nông sản trực tuyến

14:12 16/06/2020 GMT+7
Để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đời sống, các dịch vụ kinh doanh online đã phát triển, trong đó các công ty cung ứng nông sản ra đời ngày càng nhiều. Bên cạnh việc hỗ trợ tốt cho người tiêu dùng trong việc mua hàng qua mạng, vẫn tồn động nhiều tiêu cực

Để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu đời sống, các dịch vụ kinh doanh online đã phát triển, trong đó các công ty cung ứng nông sản ra đời ngày càng nhiều. Bên cạnh việc hỗ trợ tốt cho người tiêu dùng trong việc mua hàng qua mạng, vẫn tồn động nhiều tiêu cực như: Không thể liên hệ được với cá nhân qua điện thoại, địa chỉ cung cấp, đến đổi trả sản phẩm, giao nhận, bảo hành…

Nan giải mua sắm trực tuyến nông sản tại Việt Nam

Hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm từ nhiều nguồn khác nhau: Các trang web, mạng xã hội facebook, zalo… Các sàn giao dịch thương mại điện tử cho phép khách hàng đánh giá sản phẩm sau khi mua. Vì thế, người tiêu dùng có thể tìm hiểu về sản phẩm một cách kỹ lưỡng trước khi quyết định mua, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mua hàng nông sản trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Người tiêu dùng không thể tìm hiểu trực tiếp về sản phẩm trước khi mua hàng, khác với hình thức mua sắm truyền thống là người tiêu dùng có thể nhìn, cầm, đánh giá trực tiếp sản phẩm, chỉ có thể nhìn hình ảnh sản phẩm qua thiết bị kết nối mạng thường tiềm ẩn rủi ro là không giống với sản phẩm thật.

Kênh phân phối là một vấn đề đối với mua hàng trực tuyến, với hình thức mua sắm truyền thống, hàng hóa được phân phối đến cửa hàng, thì với mua sắm trực tuyến, hàng hóa lại được phân phối qua các sàn giao dịch điện tử, trang web, mạng xã hội, người tiêu dùng rất khó xác định nhà sản xuất, nhà phân phối. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý sản phẩm nông sản không an toàn.

Hình ảnh nông sản được bày bán trên mạng.

Theo bà Nguyễn Ngọc Điệp, phường 12, quận 5, TP. HCM, từng mua sắm nông sản trên mạng chia sẻ: Vừa qua, tôi có đặt mua 2 hộp hạt điều khô trên facebook có giá 286.000 VNĐ, nhưng khi nhận hàng và dùng thử thì chất lượng hạt điều rất tệ, hơi hôi dầu do để lâu, không được béo giòn như hạt điều mới. Khi liên hệ với người bán để đổi lại hàng thì bên bán nói đủ lý do để từ chối và không nhận đổi trả lại hàng.

Tương tự, anh Ngô Tiến Thành, phường 5, quận 11 cho biết:  Thông qua một trang web bán hàng trên mạng, anh đặt mua 2 kg nho móng tay và 1 kg thit bò với giá 690.000 VNĐ. Khi thịt bò được mang ra chế biến thì có mùi không dùng được, nho thì nhiều trái bị hỏng và bỏ đi rất nhiều. Khi liên lac lại với bên mua thì số diện thoại không liên lạc được.

Theo thống kê của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Các vấn đề điển hình bị phản ánh, khiếu nại như: Giao sai sản phẩm, thông số kỹ thuật khác so với quảng cáo trên trang web, giao hàng chậm, giao thiếu hàng khuyến mãi, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, đăng sai giá, hủy đơn hàng không lý do, người tiêu dùng phải đặt lại với giá cao hơn thời điểm trước, sản phẩm không có nhãn mác, thông báo hết hàng mặc dù trang web vẫn còn hàng nhưng với giá cao hơn, không cung cấp hóa đơn…

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông sản ứng dụng khoa học công nghệ trong phân phối tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra rất phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng này, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu, nâng cao nhận thức đóng vai trò rất quan trọng.

 Phải trở thành người tiêu dùng thông thái trước khi mua sắm một sản phẩm qua mạng Internet 

Trong dịch Covid 19 với lệnh cấm tụ tập đông người, hạn chế đi lại và giãn cách xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng đến nhịp sống lao động sản xuất của chúng ta. Nên nhiều đơn vị, cá nhân, HTX… đã tăng cường hình thức kinh doanh nông sản qua mạng Internet để tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Hầu hết các đơn hàng của đơn vị đều hướng đến thực đơn từng gia đình với các loại rau củ phong phú. Nhiều cá nhân, đơn vị… đã thông qua các phần mềm và trong web của đơn vị nên người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm thông qua hình ảnh đăng tải. Bán hàng trực tuyến và giao hàng tận nơi đang có xu hướng phát triển trong thời điểm hiện nay. Chính loại hình này đã góp phần quan trọng trong việc ổn định cuộc sống và sản xuất. Đây chính là xu hướng cần đẩy mạnh phát huy hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Mua sắm trực tuyến nông sản thực ra là một hình thức mua sắm nhiều ưu điểm và được khuyến khích phát triển nhằm tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tốt trong mua sắm cho người tiêu dùng. Để hình thức này thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, trong những năm gần đây, Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương đã tích cực xử lý các vụ việc liên quan đến mua hàng trực tuyến và tư vấn người tiêu dùng thông qua Tổng đài 1800.6838. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết hướng trọng tâm kinh doanh vào quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời tích cực xử lý trong trường hợp phát sinh phản ánh, khiếu nại.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, nhận thức của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua sắm trực tuyến hàng nông sản. Với thực trạng mua hàng trực tuyến còn nhiều điểm hạn chế như hiện nay, người tiêu dùng nên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng. Người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng, mã số thuế…Tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua: Người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên internet như: Nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá về sản phẩm nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm kém chất lượng. Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ.

Luật sư – Thạc sĩ Phan Hùng Cường, Hãng luật Hưng Đạo, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Vân Nguyễn

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư – Thạc sĩ Phan Hùng Cường, Hãng luật Hưng Đạo, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đúng là nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa hiện nay thật tiện lợi, có thể chúng ta chỉ ngồi ở nhà, cần một thao tác giản đơn bằng một cái click chuột là chúng ta đã có thể mua sắm được rất nhiều thứ, từ những mặt hàng giá trị lớn cho đến những loại hàng hóa thông thường, ở đây tôi chỉ đề cập đến một vấn đề rất gần gũi đó là những mặt hàng nông sản được rao bán tràn lan trên môi trường không gian mạng.

Người tiêu dùng chỉ nhìn thấy trước mắt sự tiện ích của công nghệ mang lại, đáp ứng yêu cầu nhanh, tiện, lợi mà quên đi sự tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất có đảm bảo về an toàn thực phẩm không, trong quá trình sản xuất có tuân thủ những quy định để bảo vệ sức khỏe con người hay không? Đó là một vấn đề cần quan tâm và cần có một giải pháp đúng đắn, Theo tôi, trước hết chúng ta phải trở thành người tiêu dùng thông thái trước khi mua sắm một sản phẩm nông sản nào phải tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển ….

Việc rao bán hàng nông sản trên các trang web, mạng xã hội như facebook, zalo rất phổ biến và khó kiểm soát, dẫn đến cho người tiêu dùng không biết đâu là sản phẩm chất lượng và đâu là sản phẩm không đạt chất lượng. Chủ yếu người tiêu dùng mua bằng niềm tin, nhiều khi niềm tin ấy lại đặt không đúng nơi, đúng chỗ, điều đó thật nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng là đương nhiên.

Để bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm không đảm bảo sức khỏe, pháp luật đã có quy định cụ thể cho những hành vi bị cấm như: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng… từ các hành vi trên pháp luật có các chế tài phù hợp đối với từng hành vi cụ thể theo quy định tại Điều 6 của Luật An toàn thực phẩm hiện hành, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, hoặc nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, có thể  bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Vân Nguyễn