Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả “phong trào nông dân” góp phần xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

09:57 15/10/2020 GMT+7
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên xác định Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng NTM” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phong trào đã đem lại hiệu

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên xác định Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng NTM” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Phong trào đã đem lại hiệu quả và đi vào chiều sâu, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên BCH Trung ương Đảng- Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các đại biểu thăm mô hình chi hội nghề nghiệp của Hội Nông dân xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động. Ảnh: HND.

Phong trào tăng về số lượng, quy mô và hiệu quả

Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy – HĐND – UBND và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; do vậy phong trào tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng, hiệu quả kinh tế, thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia. Từ phong trào, nông dân đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Phong trào tiếp tục phát triển và có sức lan tỏa giữa các địa phương trong tỉnh và trên tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh – dịch vụ, với số hộ SXKD giỏi có thu nhập cao ngày càng tăng và trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng và mạnh mẽ ở nông thôn.

Bình quân hàng năm đã có trên 90 nghìn hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi các cấp, có trên 74 nghìn hộ được công nhận. Phong trào đã khích lệ và phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân; cổ vũ nông dân khai thác ngày càng có hiệu quả tiềm năng đất đai, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội.

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, nhiều mô hình phát triển kinh tế của các hộ nông dân đã thực sự có hiệu quả, các mô hình đã tạo được thêm nhiều lao động có việc làm ổn định, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình “trồng hoa công nghệ cao” tại xã Xuân Quan; mô hình trồng quất cảnh tại xã Thắng Lợi, Liên Nghĩa, Mễ Sở được công nhận nhãn hiệu tập thể của Hội ND huyện Văn Giang; mô hình “Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn” tại xã Hàm Tử; mô hình trồng và chế biến nghệ tại xã Chí Tân, mô hình chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (huyện Khoái Châu); mô hình “chăn nuôi vịt” tại xã Phạm Ngũ Lão; mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Xá, mô hình nấm, mộc nhĩ tại xã Phú Thịnh, mô hình trồng cam, bưởi tại xã Đồng Thanh (huyện Kim Động), xã Minh Châu (huyện Yên Mỹ), và hàng trăm mô hình hiệu quả trong trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ… có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Xây dựng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả

Hội ND tỉnh đã chủ động và phối hợp với T.Ư Hội NDVN và các ngành chức năng mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ HTX, tổ hợp tác, các lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho hàng nghìn lượt cán bộ Hội và hội viên nông dân tiêu biểu tham gia các mô hình nhóm hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ N

ông dân; trực tiếp tham gia tư vấn, hướng dẫn thành lập mới được 53 hợp tác xã, 36 tổ hợp tác, 29 chi hội nghề nghiệp, 72 tổ hội nghề nghiệp.

Hội ND các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 4.170 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho 314.940 lượt hội viên nông dân, tổ chức trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ được 618 cuộc với 40.290 lượt hội viên nông dân tham gia; tổ chức được 620 lớp dạy nghề cho 18.600 lượt lao động nông thôn; 345 cuộc tham quan các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh cho hàng chục ngàn lượt thành viên mô hình kinh tế tập thể. Ký kết với một số công ty, đơn vị, doanh nghiệp triển khai ứng dụng các sản phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng được trên 57.600 tấn phân bón chuyên dùng theo hình thức trả chậm cho hội viên nông dân trị giá trên 300 tỷ đồng.

Hoạt động của phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất như vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở Phù Cừ, Yên Mỹ, cây ăn quả ở Văn Giang, Khoái Châu, TP. Hưng Yên, Kim Động; chăn nuôi gia súc ở Văn Lâm, Kim Động, Ân Thi; nuôi thủy sản, gia cầm ở Tiên Lữ, Yên Mỹ… Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tiếp tục mở rộng và có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường như nhãn và các sản phẩm chế biến từ nhãn, gà, chuối, rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP… Qua đây, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật trong việc giúp hội viên nông dân ứng dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn các giống cây, con, phân bón; phương thức canh tác, quản lý dịch hại, đưa cơ giới vào sản xuất, bảo quản chế biến sau thu hoạch…

Để tạo điều kiện giúp nông dân có nguồn lực phát triển sản xuất, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện việc chuyển tải vốn hỗ trợ nông dân phát triển SXKD thông qua việc tín chấp với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp trong tỉnh và Trung ương ủy thác là 79.310,97 triệu đồng cho 2.207 hộ vay theo 121 dự án nhóm hộ tại 119/145 xã NTM.

Phát huy nguồn lực từ những hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, với tinh thần “tương thân tương ái”, hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm tại chỗ, giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, các hộ nông dân đã giúp nhau 5,7 tỷ đồng, 25.947 ngày công lao động, hàng chục ngàn cây, con giống trị giá trên 7 tỷ đồng; giúp đỡ 6.886 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 1,9%.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng (giữa) – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy Văn Giang thăm mô hình trồng hoa cấy mô của anh Phan Ngọc Oanh – hội viên nông dân xã Xuân Quan – huyện Văn Giang. Ảnh: HND

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp nông dân Việt Nam. Đó là những tấm gương hộ nông dân sản xuất giỏi, chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp nông nghiệp ở nông thôn, họ chính là những nông dân tiêu biểu nhất đi đầu trong lao động sản xuất, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, năng động, dũng cảm và nghĩa tình, đại diện cho những người nông dân thời kỳ đổi mới dám nghĩ, dám làm, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thông qua phong trào, đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp đô thị có thể nhân rộng; khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân; đời sống vật chất, tinh thần ở khu vực nông thôn giảm dần sự cách biệt so với thành thị, nông dân ngày một hưởng thụ nhiều hơn về đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch.

Tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Phong trào có tác động tích cực đến việc xây dựng, củng cố tổ chức Hội ND vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thông qua phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã hình thành các câu lạc bộ, tổ, nhóm sản xuất theo ngành nghề, …mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, qua đó đã thu hút nông dân vào tổ chức Hội, chất lượng hội viên được nâng lên. Tổ chức bộ máy của Hội Nông dân các cấp được kiện toàn theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; trình độ cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là các bộ cơ sở đã được nâng lên, nhất là trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế và những hiểu biết về thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Có thể khẳng định, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Qua phong trào, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, khí hậu để phát triển kinh tế. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của tỉnh.

Phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn đời sống một cách thiết thực, hiệu quả. Thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Hội các cấp đã được nâng lên; sự phối hợp của Hội với các ngành, đơn vị, doanh nghiệp được tăng cường; vị thế, vai trò của tổ chức hội trong hệ thống chính trị được khẳng định; “Liên kết 4 nhà” được phát huy trong hỗ trợ, giúp đỡ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Để đẩy mạnh thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội và hội viên thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển nông nghiệp gắn với phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi; chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các mô hình điểm trong công tác Hội và phong trào nông dân. Tăng cường công tác phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao; tiếp tục xây dựng và nhân diện các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả.

Tiếp tục phối hợp với các ngành hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp theo hình thức tập thể như chi, tổ hội nghề nghiệp làm tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã; giúp nông dân phát triển nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị và nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn, đồng hành cùng nông dân Hưng Yên phát triển nông nghiệp sạch, bền vững. Vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung, tích tụ ruộng đất, nâng quy mô sản xuất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại, chi, tổ Hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa.

Tích cực khai thác nguồn lực, giúp nông dân xây dựng các mô hình về sản xuất và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; Tăng cường hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và hỗ trợ thiết lập, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; đồng thời thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận gần nhất với hiệp định EVFTA.

Trần Thị Tuyết Hương – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên