Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

"Các chủ trương xây dựng Hội Nông dân đều đúng theo Nghị quyết 23"

Lương Thủy - 15:48 08/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 8/12/2022, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết số 23 đã có buổi làm việc với cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.
Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng,  Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng đoàn khảo sát phát biểu ý kiến.

Chủ trì buổi làm việc có ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng đoàn khảo sát; Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; Ông Đỗ Văn Phới – Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư, thành viên Ban chỉ đạo; các đồng chí là thành viên của Đoàn khảo sát; các đồng chí Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN; các đồng chí Trưởng các ban, đơn vị của T.Ư Hội NDVN.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Tiến Nam – Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN đã trình bày báo cáo kết quả 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Hội NDVN. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết, công tác Hội và phong trào nông dân đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong công tác xây dựng tổ chức Hội, đoàn kết tập hợp nông dân, tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cụ thể như: 

Hiện nay, tổng số hội viên trong cả nước có trên 10 triệu hội viên, sinh hoạt ở hơn 94 nghìn chi hội, 154 nghìn tổ hội; trong đó có 3.645 chi hội nông dân nghề nghiệp và 36.636 tổ hội nghể nghiệp với 482.362 hội viên tham gia. Ngoài ra, các cấp Hội đã tích cực vận động nông dân tham gia các câu lạc bộ, nhóm sở thích như: CLB Nông dân tỷ phú, CLB Nông dân giỏi, CLB Nông dân với pháp luật...

Hội ND các cấp còn hỗ trợ nông dân về kiến thức và các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; vận động nông dân tham gia và hướng dẫn nông dân thành lập tổ hợp tác, HTX. Đồng thời, các cấp Hội đã hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất thông qua Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Đến nay, từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, các cấp Hội đã xây dựng được trên 15.000 mô hình liên kết hợp tác, hỗ trợ 310.050 lượt hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế...

Hàng năm các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho trên 220.000 nông dân, trên 80% nông dân có việc làm ổn định sau khi học nghề. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, tổ chức được 300.325 lớp tập huấn ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất cho trên 15 triệu lượt hội viên; xây dựng trên 60.000 mô hình trình diễn VietGAP...

Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông dân trong cả nước đã tự nguyện đóng góp trên 100 nghìn tỷ đồng, trên 47 triệu ngày công, hiến trên 424 triệu m2 đất... Hàng năm, các cấp Hội còn vận động 9,6 triệu hộ nông dân đăng ký, trong đó có 8,5 triệu độ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa“.

Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường, chủ động  ứng phó với biến đổi khí hậu, hàng năm xây dựng được 11.000 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.

Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu ý kiến.

Hệ thống tổ chức Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục củng cố và phát triển, ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nội dung và phương thức hoạt động của Hội, công tác chỉ đạo và điều hành của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả quan trọng. Giai cấp nông dân Việt Nam  ngày càng lớn mạnh… Qua đó, tiếp tục khẳng định Hội Nông dân Việt Nam luôn phát huy vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân; tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào cuộc sống, được nông dân đồng tình hưởng ứng, đã đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho nông dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hoạt động Hội vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục như: Chất lượng hoạt động của tổ chức Hội ở một số địa phương thấp, duy trì sinh hoạt chi Hội, tổ Hội chưa được thường xuyên, chậm đổi mới, kém hiệu quả, nội dung sinh hoạt đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu của hội viên, nông dân; Hội Nông dân một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; tham gia xây dựng và phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế. Phong trào nông dân và hoạt động của Hội Nông dân các cấp phát triển chưa đồng đều. Một số nơi việc xây dựng và tổ chức nhân rộng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn lúng túng, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể. Hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn yếu, chưa được quan tâm. Công tác đào tạo nghề, phối hợp đào tạo nghề cho nông dân hiệu quả chưa cao. Công tác tư vấn, giới thiệu giải quyết việc làm cho hội viên nông dân sau đào tạo nghề ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức...

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn khảo sát đã được Hội Nông dân Việt Nam làm rõ, bổ sung thêm. Ngoài những kiến nghị đề xuất trong báo cáo, Hội Nông dân Việt Nam cũng có những kiến nghị đề xuất liên quan đến tăng phụ cấp cho cán bộ Hội cơ sở, chính sách về dạy nghề cần sát với thực tế, quan tâm đến những đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa...

Trao đổi thêm về những kết quả của Hội NDVN đã đạt được, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tich BCH Trung ương Hội NDVN khẳng định: Nông dân là lực lượng đông nhất, nhiều người nghèo nhất nhưng có nhiều đóng góp nhất. Trong thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã tập trung đối mới phương thức tập hợp nông dân bằng cách thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp để tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đây cũng là một trong những nội dung của Nghị quyết 23, là nền tảng để vận động nông dân tham gia kinh tế tập thể, phát triển sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, Hội đã phát huy hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ Nông dân, bởi đây là công cụ, điều kiện, cơ sở để tập hợp, hỗ trợ nông dân sản xuất. Trong thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội.

Quang cảnh buổi làm việc.

Một vấn đề nữa, đó là công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, lãnh đạo Hội NDVN đề nghị Đoàn khảo sát có ý kiến xem xét lại vai trò của các tổ chức xã hội ở cơ sở, nếu không có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cơ sở thì các đoàn thể chính trị xã hội khó hoạt động. Nếu có sự quan tâm thì có thể thấy rõ được sức mạnh của tổ chức đoàn thể trong việc vận động, tuyên truyền đối với người dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Khang ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, nghiêm túc, hiệu quả của Hội Nông dân Việt Nam. Qua quá trình thực hiện Nghị quyết 23, công tác lãnh đạo chỉ đạo các cấp Hội được Đảng Đoàn T.Ư Hội quán triệt và cụ thể hóa bằng nhiều văn bản, hoạt động trong quá trình triển khai thực hiện, các chủ trương xây dựng Hội Nông dân đều đúng theo Nghị quyết 23, nhiều Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đi vào cuộc sống… Có thể thấy, giai cấp nông dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nhận thức của người nông dân đã được nâng lên. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như tư duy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, kinh tế nông nghiệp còn thiếu, chưa làm ăn lớn, đặc biệt là ý thức bảo vệ môi trường, ý thức trong sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm còn kém…

“Đoàn khảo sát tiếp thu toàn bộ ý kiến đề xuất, bổ sung của Hội Nông dân, đề nghị Hội chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo để Đoàn khảo sát trình Ban chấp hành Trung ương, trong đó cần chú ý thêm những vấn đề sau: Cần có đánh giá các chính sách đối với nông dân trong thời gian vừa qua; đánh giá các mô hình cụ thể như chương trình giảm nghèo, vấn đề về sự tham gia vào hệ thống chinh trị trong đó có Hội Nông dân, công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên trong nông thôn, quản lý đảng viên đi làm ăn xa…. Bên cạnh đó, cần nói rõ hơn về sự phối hợp với các tổ chức, liên kết 4 Nhà…” – ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh.