Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khó gỡ “thẻ vàng” hải sản của EC trong thời gian tới

10:05 26/09/2018 GMT+7

Ngày 25/9, tại Hội nghị đánh giá 1 năm triển khai chương trình “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU”, các DN và cơ quan quản lý cam kết sẽ chung tay thực hiện nhiều hoạt động cấp bách nhằm khắc phục, xây dựng một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, đưa thủy sản Việt Nam thoát khỏi “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC). 

Xuất khẩu hải sản bị ảnh hưởng

Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam vì những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo nhận định của các doanh nghiệp XK thủy sản, vấn đề “thẻ vàng” IUU bắt đầu thể hiện tác động rõ rệt hơn đến kết quả XK các mặt hàng hải sản trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp XK thủy sản Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của EU liên quan đến các quy định IUU, tuy nhiên giai đoạn đầu, có thể còn thận trọng, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục, vì vậy ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động XK các mặt hàng hải sản, nhất là đối với những mặt hàng thu gom nguyên liệu từ nhiều nguồn, nhiều tàu hàng.

Trong năm 2018, XK hải sản có chiều hướng giảm sâu từ 4-20%. Tính chung 8 tháng năm 2018, XK hải sản giảm 25%, chỉ đạt 252 triệu USD.

Trong đó, mực, bạch tuộc và các hải sản khác chững lại trong nửa đầu năm nay và tiếp tục xu hướng giảm, XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tiếp tục giảm gần 10% với 55 triệu USD.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, riêng XK cá ngừ  sang EU vẫn duy trì tăng trưởng 2 con số qua các tháng. Từ tháng 1 đến tháng 8, cá ngừ XK sang EU đạt trên 102 triệu USD, tăng 26%, chiếm 24% tổng kim ngạch XK cá ngừ.  Tuy nhiên, XK sang thị trường Mỹ giảm liên tục trong năm 2018, ở mức 139 triệu USD, giảm khoảng 6%.

Chỉ có mặt hàng cá ngừ XK vào EU duy trì được tốc độ tăng trưởng. Ảnh: Internet

Theo dự báo của VASEP, hải sản XK sang EU sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm 2018, ảnh hưởng chung đến kim ngạch XK hải sản nói chung, dự kiến chỉ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) lấy ví dụ về 13 nước bị “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” đã được gỡ sau khi khắc phục, và đề nghị các DN, ngư dân Việt Nam phải thực hiện tốt các khuyến nghị mà Âu châu đưa ra nhằm gỡ “thẻ vàng” mà cơ quan này đã cảnh báo trước đó.

Trong đó, tập trung nhân sự, vật lực để triển khai, kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vật lực để các đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị định vị tàu cá, xây dựng phần mềm kết nối các cảng cá, để ngăn chặn ngư dân đánh bắt bất hợp pháp, ảnh hưởng đến XK hải sản.

Nhiều giải pháp cấp bách

Theo bà Lê Hằng, trong đợt kiểm tra từ 16-24/5/2018 vừa qua, Đoàn Thanh tra EC đã có sự đánh giá và nhìn nhận tích cực, nhất là thấy được quyết tâm và nỗ lực hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các DN thủy sản về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU, như: Chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU và quy định của EC về chống khai thác IUU trên thực tiễn;

Chưa bố trí đủ nguồn lực về tổ chức, nhân lực và vật lực trong toàn hệ thống quản lý nhà nước, thực thi pháp luật thủy sản từ Trung ương đến địa phương, cơ sở nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các quy định quốc tế về chống khai thác IUU.

Công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định của EC về kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm về khai thác bất hợp pháp xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Hiện tại, Việt Nam chưa kiểm soát được sản phẩm khai thác thủy sản khai báo trên giấy tờ so với thực tế, do vậy cần tăng cường công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, trên biển và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá một cách hệ thống, chính xác để đảm bảo sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường Châu Âu phải được truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính hợp pháp của các sản phẩm được xác nhận, chứng nhận.

Theo các chuyên gia, đến tháng 1/2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; trên cơ sở kiểm tra đánh giá của Đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Vì vậy, từ nay đến 31/12/2018, cần phải tập trung thực hiện, làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu. Đó là, tập trung hoàn thiện để ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và 9 Thông tư để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với Luật Thủy sản từ 1/1/2019;

Thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU…

Lê Thu