Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng cầm quyền liêm chính

13:46 03/02/2023 GMT+7
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, một Đảng cầm quyền là liêm chính khi mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều gắn bó mật thiết với lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đảng cầm quyền liêm chính - Ảnh 1.

Một Đảng cầm quyền liêm chính khi mọi chủ trương, đường lối, chính sách đều gắn bó mật thiết với lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Đảng lãnh đạo và cầm quyền

Từ hướng tiếp cận quản trị công, "cầm quyền" đề cập đến việc các chủ thể (cá nhân, tổ chức) được nắm giữ và sử dụng các phương tiện Nhà nước (quyền lực công, nguồn lực công, tổ chức công) để triển khai hành động nhằm hiện thực hóa chủ trương, đường lối chính trị mà họ theo đuổi. Thông qua các quy trình chính trị và pháp lý, các chủ thể cầm quyền có thể ban hành và thực thi chính sách công để giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Khi một Đảng chính trị trở thành "Đảng cầm quyền" thì bên cạnh quyền lực chính trị sẵn có, Đảng sẽ có thêm quyền lực Nhà nước, hay "quyền lực cứng", tức là sức mạnh mang tính cưỡng ép dựa trên lợi ích công.

Nếu vai trò lãnh đạo yêu cầu chủ thể lãnh đạo phải tạo ra được sự thay đổi tích cực hơn so với hiện tại thì chủ thể cầm quyền phải duy trì được trật tự và sự nhất quán trong hành động nhằm thực hiện bằng được các kế hoạch đã đề ra. Như vậy, với bất kỳ Đảng chính trị nào và đặt trong bất cứ hệ thống chính trị nào, "cầm quyền" không tách rời "lãnh đạo", mà là một cấu phần của chức năng và vai trò lãnh đạo của Đảng. "Cầm quyền" thành công thì sẽ củng cố vai trò lãnh đạo; ngược lại, nếu cầm quyền kém hiệu quả hoặc thất bại thì sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trên thế giới, các Đảng chính trị có thể giành được vai trò "cầm quyền" thông qua nhiều cách khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử, văn hóa chính trị, hay đặc trưng thể chế chính trị. Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền sau khi lãnh đạo phong trào cách mạng giành thắng lợi, thành lập ra chính quyền dân chủ nhân dân vào năm 1945. Từ đó đến nay, Đảng đã đồng hành cùng nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, và phát triển. Sự gắn bó mật thiết với lợi ích của nhân dân, đại biểu trung thành cho lợi ích của dân tộc đã khẳng định và vun đắp vị thế và vai trò lãnh đạo, cầm quyền cho Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là Đảng chính trị duy nhất trong hệ thống quản trị quốc gia.

Cầm quyền liêm chính

Với mỗi cá nhân, "liêm chính" có nghĩa là "trong sạch, chính trực, đàng hoàng". Một vị quan ngày xưa hay cán bộ công quyền ngày nay sẽ được cho là "liêm chính" nếu họ luôn ý thức rõ ràng về ranh giới giữa "việc công và việc tư"; "lợi ích công và lợi ích riêng tư", nhờ đó mà hành xử "chí công vô tư".

Trong lịch sử nước ta, những tấm gương về các vị quan "liêm chính" luôn được nhân dân ca ngợi, nể trọng bởi họ coi sự phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước như một giá trị đạo đức nền tảng. Người liêm chính không chỉ tránh xa những hành động vụ lợi vị kỷ, mà còn dám chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân, sẵn sàng can ngăn người khác làm điều xấu, có hại cho nhân dân, cho đất nước.

Ở cấp độ tổ chức và đặt trong bối cảnh hệ thống chính trị với một Đảng duy nhất như ở nước ta hiện nay, để được coi là Đảng cẩm quyền liêm chính thì cần thực hiện nghiêm túc lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Nhân dân số 217, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 8 năm 1954, với bút danh C.B. Theo đó: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác". Cụ thể hơn, vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng sẽ phải đáp ứng ba kỳ vọng chính yếu sau đây.

Thứ nhất, Đảng phải lãnh đạo chính quyền không để xảy ra tình trạng cán bộ tham nhũng, lạm dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Khái quát hơn, chính quyền chỉ vận hành trên cơ sở lợi ích công và bảo vệ lợi ích công. Mọi ý đồ thao túng chính quyền của các lợi ích cá nhân ích kỷ, phe nhóm thiển cận phải được ngăn chặn, giảm thiểu.

Thứ hai, Đảng phải lãnh đạo được hệ thống chính quyền hoạt động công khai, minh bạch, trung thực và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Mỗi cán bộ công quyền cần luôn ý thức rằng chính quyền được thành lập và hoạt động là dựa trên nguồn lực của đất nước, do nhân dân đóng góp. Bởi thế, bổn phận cao nhất của hệ thống công quyền là phải nỗ lực phục vụ nhân dân, tôn trọng và lắng nghe nhân dân, sẵn sàng điều chỉnh chính sách để đáp ứng đúng mong đợi, nguyện vọng của các nhóm xã hội khác nhau.

Thứ ba, mọi chủ trương, đường lối  chính trị của Đảng cần phải luôn gắn bó mật thiết với lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cũng có nghĩa, lợi ích của tổ chức Đảng không chỉ gắn kết với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân mà còn phải đặt dưới lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc.

Cải thiện liêm chính

Từ góc độ quản trị công, chúng ta không khỏi lo ngại khi chứng kiến sự gia tăng số lượng cán bộ, đảng viên bất liêm bị phát hiện và xử lý thời gian gần đây. Theo thống kê được công bố tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ, truy tố 16.699 vụ, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ với 5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ với 6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ với 5.647 bị cáo. 

Tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã có gần 4.200 vụ/7.572 bị can bị khởi tố, điều tra về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Các vụ án mới về tham nhũng được khởi tố ở tất cả các địa phương cho thấy tính chất quyết liệt của hoạt động phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. 

Có thể thấy, khi không kiểm soát được động cơ vị kỷ và lòng tham thì những cán bộ, đảng viên bất liêm sẽ làm gia tăng tình trạng tham nhũng, giảm chất lượng chính sách, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; và nghiêm trọng nhất là bào mòn lòng tin của người dân vào chính quyền, vào thể chế công, vào phẩm chất liêm chính của Đảng trong vai trò lãnh đạo và cầm quyền. 

Những kết quả đáng khích lệ trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng thời gian gần đây cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Đảng ta trong việc bảo vệ sự liêm chính của Đảng, của chính quyền. Cải thiện liêm chính khu vực công là nhu cầu bức thiết mà Đảng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Đáng

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

Theo Chinhphu.vn