Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Làm giàu từ nghề nuôi đà điểu

13:28 07/05/2021 GMT+7

Nói đến nuôi đà điểu thành công trên vùng đất “xứ Quỳnh” là nhắc đến ông Bùi Văn Quang (ở xóm 5, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bởi dám nghĩ, dám làm. Chính tư duy này đã mang lại cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình nuôi đà điểu của ông Quang hiện có khoảng 120 con.

Nảy sinh ý tưởng từ chuyến tham quan

“Trong một lần đi tham quan mô hình chăn nuôi tại một trung tâm ở Ba Vì (Hà Nội), tôi nhìn thấy con đà điểu nên rất tò mò về chúng, sau tôi có ngỏ ý mua và tham khảo về cách chăm sóc nhưng họ bắt phải mua bản quyền. Khi đó giá con giống cũng như bản quyền về kĩ năng chăm sóc cũng đắt nên tôi ra ngoài dân tìm hiểu vì quanh đó cũng có các hộ dân nuôi, mỗi con đà điểu mua ở trung tâm họ bán với giá 25 triệu đồng nhưng khi ra ngoài mua tôi mua với giá 15 triệu đồng/con”- ông Quang tâm sự.

Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính của giống chim đà điểu có nguồn gốc châu Phi và tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi con vật này ở phía Bắc, năm 2016, ông Quang đã đầu tư xây dựng chuồng trại trên diện tích gần 2.000m2. Đồng thời, ông mua gần 70 con đà điểu sinh sản ở Ba Vì về thả nuôi.

Đà điểu ông lựa chọn mua là những con có thời gian sinh trưởng dài, thường là những con đã lớn về nuôi đẻ luôn chứ mua con nhỏ phải mất nhiều thời gian mới có thể cho thu nhập. Vì trung bình một con đà điểu từ khi nở đến 2 năm sau mới bắt đầu đẻ, đến năm thứ 3 thì đẻ bói và năm thứ 4 mới đẻ đều. Tuổi thọ của con giống có thể kéo dài 25 năm nhưng thời gian đẻ trứng chỉ được khoảng 10 – 15 năm.

Theo ông Quang: “Nuôi đà điểu cũng giống như nuôi gà, nuôi vịt. Nó là loài không khó nuôi, thức ăn của chúng là thức ăn tạp; gà, vịt, trâu, bò, lợn… ăn được gì là nó ăn được thứ đó nên mỗi ngày ông đều cắt thêm cỏ, rau, hoặc lá của các loại cây như lá mít, lá bạch đàn, lá chuối… về cho đà điểu ăn thêm”. Ngoài thức ăn xanh, thô thì ông Quang còn cho ăn thêm tinh bột, cám viên công nghiệp. Trung bình một ngày bình thường phải cho ăn thức ăn bột khoảng 1kg/con, đối với thời gian đẻ trứng phải cho ăn 1.5kg/con.

“Để nhân rộng quy mô, giảm tỷ lệ hao hụt giai đoạn đầu và mang lại cho năng suất cao cần nắm được kỹ thuật nuôi đà điểu từ các khâu chọn giống, làm chuồng trại, thức ăn chăn nuôi đến công tác phòng bệnh. Chuồng trại nuôi đà điểu cần ở nơi yên tĩnh, ít tiếng ồn, nên chọn vùng đất dễ thoát nước. Vị trí làm chuồng phải gần nguồn cung cấp điện và nước, dễ dàng chăm sóc, quản lý. Hướng chuồng phải lựa chọn hướng có thể đón ánh sáng mặt trời vào buổi sáng, đồng thời giúp chuồng nuôi luôn thông thoáng, khô ráo” – ông Quang chia sẻ.

Những quả trứng đà điểu có trọng lượng từ 1.4 – 1.5 kg, bình quân mỗi con đẻ khoảng 40 – 50 quả/ năm.

Tự chế lò ấp trứng đà điểu

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay trang trại của gia đình ông Quang đã phát triển lên hơn 100 con đà điểu. Sau thời gian từ 10 – 12 tháng thả nuôi, đà điểu thịt đạt trọng lượng 100kg/con trở lên thì ông xuất bán ra thị trường, với giá 100 nghìn đồng/kg thịt hơi. Đối với thịt thương phẩm, ông bán 250 nghìn đồng/kg.

Quá trình để trứng nở thành con cần phải có kĩ thuật ấp và có lựa chọn trứng có phôi đưa vào lò ấp trong thời gian 5 đến 6 ngày ở nhiệt độ 37 – 38 độ. Tuy nhiên, để trứng nở đều thì cần nhất và quan trọng nhất là độ ẩm, tùy vào giai đoạn trứng phải điều chỉnh độ ẩm thích hợp vì thế lò ấp trứng nhất thiết phải có thiết bị hút ẩm. Từ lò ấp trứng dành cho gà, vịt ông tự chế ra lò ấp trứng đà điểu. Qua chia sẻ của ông thì các lò ấp trứng đà điểu đều nhập từ nước ngoài về với giá hàng trăm triệu đồng nhưng mỗi lần ấp chỉ được 200 – 300 quả, còn lò ấp ông Quang tự chế có thể ấp từ 600 – 700 quả một lúc và tự kiểm soát được độ ẩm trong lò để cho trứng nở đạt chất lượng cao nhất, trung bình thì trứng có thể nở được 60 – 70% một lần ấp.

Theo ông Quang, mùa sinh sản của đà điểu bắt đầu từ giữa tháng 12 kéo dài đến tháng 8 âm lịch năm sau. Một con đà điểu đẻ từ 40 – 50 quả trứng/năm, mỗi quả đạt trọng lượng từ 1,4 – 1,5kg. Sau khi thu lượm trứng cho vào máy ấp, bình quân một tháng, ông xuất bán ra thị trường từ 70 – 100 con giống, với giá bán dao động từ 1,7 – 2 triệu đồng/con. Hàng năm, từ việc bán thịt thương phẩm, con giống, trứng và da đà điểu, gia đình ông có thu nhập khoảng 700 triệu đồng.

Thịt đà điểu có lợi cho sức khỏe vì ít mỡ và cholesterol xấu khi so sánh với thịt gà, bò. Trung bình một con trưởng thành có trọng lượng 100kg sau khi giết mổ sẽ thu được khoảng 60kg thịt. Còn đối với trứng đà điểu có chứa nhiều sắt, axit folic tốt cho bà bầu và sự phát triển của thai nhi. Trứng đà điểu còn tốt cho trẻ em bị còi xương, người bị bệnh tim mạch… nên sau khi những quả trứng được lựa không có phôi, ông Quang đem bán với giá dao động từ 150 – 200 nghìn đồng/quả.

Đà điểu là con giống mà công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông chỉ dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn đà điểu. Mặt khác, đây cũng là là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, có khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch. Nhờ đó, ngoài nuôi đà điểu ông Quang còn có thể làm thêm được nhiều việc khác phụ thêm thu nhập mỗi năm.

“Sau khi biết được ý tưởng xây dựng mô hình, Hội Nông dân huyện đã có những hỗ trợ và phối hợp với các ngành chức năng trong việc phòng trừ dịch bệnh, tư vấn về sản phẩm và kết nối thị trường. Sau hơn 5 năm, mô hình chăn nuôi đà điểu của ông Bùi Văn Quang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội ND huyện sẽ tuyên truyền để phát triển và mở rộng mô hình, tạo thành chuỗi liên kết cả về chăn nuôi và thị trường tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Hữu Viên – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu.

Bài, ảnh: Bùi Ánh