Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lan tỏa ý chí làm giàu và tấm lòng nhân ái

10:43 07/10/2020 GMT+7
Tại Hậu Giang, Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm qua đã có bước phát triển cả về chất và lượng. Phong trào đã tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân, giúp cuộc sống của họ ổn định, vươn lên khá giả.

Tại Hậu Giang, Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm qua đã có bước phát triển cả về chất và lượng. Phong trào đã tác động tích cực đến đời sống của cán bộ, hội viên, nông dân, giúp cuộc sống của họ ổn định, vươn lên khá giả. Từ đây, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình vừa làm giàu cho bản thân vừa giúp người, giúp đời để góp phần làm đẹp cho quê hương.

Ông Trần Hồng Quan với mô hình nuôi ba ba, ông đã giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Thu tiền tỷ nhờ tuyệt kỹ nuôi ba ba

Không quá lời khi nói, chính các phong trào thi đua của Hội ND các cấp đã thổi bùng lên khát vọng làm giàu của mỗi hội viên nông dân như ngọn lửa bùng cháy, lan tỏa. Qua sự hướng dẫn của Hội ND tỉnh Hậu Giang, chúng tôi có dịp gặp gỡ với một số nông dân tiêu biểu này.

Đó là hộ ông Trần Hồng Quan ở ấp Trường Hiệp (xã Trường Long A, huyện Châu Thành A) với mô hình nuôi ba ba, trồng lúa để phát triển kinh tế. Trải qua 10 năm gây dựng, từng nếm trải vô vàn khó khăn, song với ý chí vươn lên, hệ thống ao nuôi kết hợp với trồng lúa đã dần được hình thành một cách khoa học, bài bản cả về kiến trúc cho đến kỹ thuật. Mỗi năm đều đặn, gia đình ông có nguồn thu với 500.000 ba ba giống và 2 tấn ba ba thịt. Sau khi trừ các khoản chi phí gia đình ông “bỏ túi” hơn 900 triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ về sự thành công này ông Quan cho biết: Tổng cộng gia đình tôi có 4ha đất, 1,7ha giành riêng cho nuôi ba ba. Làm ao nuôi phải được che chắn kỹ chứ không nó chui ra hết, vậy nên khi làm ao phải tính đến lâu dài. Khu nuôi thương phẩm, khu nuôi ba ba bố mẹ, khu giống cũng phải thiết kế sao cho phù hợp mới giảm được nhân công. Phần đất còn lại trồng lúa và lấy nước thải của ao nuôi đưa ra ruộng theo định kỳ, việc này vừa giải quyết ô nhiễm môi trường mà lại thay thế cho phân bón nên sản phẩm lúa trở thành hữu cơ một cách hữu hiệu.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, với tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau trong sản xuất, hàng năm ông Quan còn hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm cho 12 hộ nông dân ở địa phương về kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng lúa, giúp đỡ 6 hộ thoát nghèo bền vững, tạo công ăn việc làm cho trên 15 lao động và đóng góp công tác phúc lợi xã hội ở địa phương. Với cách làm hiệu quả, nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.

“Nữ hoàng” cua đinh giàu lòng nhân ái

Không chỉ là một điển hình về làm kinh tế giỏi, bà Trương Ánh Nguyệt ở xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A) còn được mệnh danh là “nữ hoàng” cua đinh. Với nhiều người, cua đinh là loại vật nuôi ít được chọn lựa vì rất khó để nuôi thành công. Nhưng với bà Nguyệt, bằng sự quyết tâm cùng với kinh nghiệm từ việc nuôi ba ba nên bà không chỉ nuôi thành công mà còn nhân được giống và cung cấp cho người nuôi.

“Tuy kỹ thuật nuôi ba ba và cua đinh tương tự như nhau nhưng con cua đinh cũng nhiều lần làm tôi thất bại, có lúc hao hàng trăm con giống. Sau đó, tôi tích lũy kinh nghiệm và hoàn thiện dần kỹ thuật nên tỷ lệ nuôi thành công ngày một cao hơn. Những con cua đinh lớn đẻ trứng, tôi cho nở để nhân đàn và bán cua đinh giống” bà Nguyệt nói.

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, bà Nguyệt kể, khi mới lập gia đình vào năm 1988, hai vợ chồng tôi được cha mẹ cho 2.000m2 đất để sản xuất, nhưng với diện tích ít ỏi nên làm không có dư. Đến năm 2006, hai vợ chồng tôi quyết định xây chuồng nuôi thử nghiệm 100 con ba ba thịt. Khoảng 18 tháng sau mới có thu hoạch, giá bán 250.000đồng/kg, sau khi trừ chi phí vợ chồng tôi còn lời khoảng 20 triệu đồng. Thời gian đầu, nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn do kỹ thuật không có lại thiếu vốn và kỹ thuật chăm sóc… Nhưng với sự ham học hỏi và chí thú làm ăn, hai vợ chồng tôi quyết định mở rộng chuồng trại để nuôi ba ba và cua đinh.

Hiện trang trại của bà Nguyệt có hơn 450 con cua đinh và 700 con ba ba bố mẹ cho sinh sản quanh năm. Mỗi năm bà Nguyệt cung ứng ra thị trường hơn 2 tấn ba ba và gần 2.000 con cua đinh thịt; hơn 200.000 con ba ba và 1.500 cua đinh giống. Sau khi trừ các khoản chi phí mỗi năm thu nhập trên 600 triệu đồng.

Tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng nên từ những trải nghiệm bản thân, bà Nguyệt luôn sẵn sàng giúp đỡ nhiều hộ nuôi khác. Nhiều nông dân gặp khó khăn được bà hỗ trợ cho nợ tiền bán giống, tận tình tư vấn kỹ thuật cho người nuôi, đồng thời thu mua lại sản phẩm thịt hoặc cả con giống nếu hộ nuôi cho đẻ và ấp nở thành công.

Tại địa phương bà Nguyệt cũng luôn nhiệt tình tham gia đóng góp cùng chính quyền địa phương làm công tác xã hội từ thiện như: tặng quà, gạo, tiền cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt bà cũng tích cực ủng hộ kinh phí trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ thành công đó, nhiều năm liền bà Nguyệt được nhận bằng khen của tỉnh và được Trung ương Hội ND tặng bằng khen là phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi.

“Nữ hoàng” Trương Ánh Nguyệt cùng mô hình nuôi ba ba, cua đinh.

Hiến 3.000m2 đất xây trường học

Bên cạnh những tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, ở Hậu Giang còn có những nông dân không màng đến lợi ích riêng, hiến hàng nghìn mét vuông đất xây trường học với một suy nghĩ giản dị: Cùng chia sẻ cho người khác, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Từ câu chuyện của những cán bộ Hội ND tỉnh, chúng tôi tìm về xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp để gặp gỡ lão nông Đinh Văn Hơn. Vốn chỉ làm ruộng, không tạo dấu ấn với doanh thu tiền tỷ mỗi năm, nhưng ông lại là người có tấm lòng rộng lượng với tình yêu quê hương lớn lao, ít ai sánh được.

Ông Hơn kể rằng, gia đình ông có 20.000m2 đất sản xuất, đời sống kinh tế tương đối ổn định. Thấy cơ sở vật trong việc học tập của các cháu học sinh còn gặp nhiều khó khăn, ông đã bàn bạc, thống nhất với gia đình và liên hệ với Hội ND xã tình nguyện hiến 3.000m2 đất trên phần đất của mình để xây dựng trường học. Từ mảnh đất ấy, nay đã được xây 6 phòng học khang trang, sạch đẹp của Trường Tiểu học Hòa Mỹ 3, tạo điều kiện thuận lợi cho con em được cắp sách đến trường, gieo ước mơ trong từng trang sách.

Khi được hỏi về lý do để quyết định hiến một khối tài sản lớn cho địa phương, ông Hơn thổ lộ: “Thấy bọn trẻ đi học vất vả quá. Mùa khô thì còn học tạm được nhưng vào mùa mưa nước nổi thì điểm trường ngập nước không có chỗ cho học sinh ngồi học. Bản thân tôi là hội viên nông dân, nên rất hiểu về đời sống của người nông dân, thấy trong quá trình học tập của các cháu còn gặp nhiều khó khăn, từ đó gia đình tôi thấy cũng có phần trách nhiệm nên đóng góp một phần nhỏ tài sản của mình để xây dựng quê hương”.

Những người nông dân một nắng hai sương với thửa ruộng mảnh vườn. Bằng ý chí và khát vọng, đang cần mẫn đắp bồi cho quê hương trù phú. Hội Nông dân, mái nhà chung cho hàng triệu nông dân đang khơi ngọn lửa, thắp lên khát vọng làm giàu, khẳng định vị thế nông dân thời đại mới.

“Bản thân tôi là Hội viên nông dân, nên rất hiểu về đời sống của người nông dân, thấy trong quá trình học tập của các cháu còn gặp nhiều khó khăn, từ đó gia đình tôi thấy cũng có phần trách nhiệm nên đóng góp một phần nhỏ tài sản của mình để xây dựng quê hương”.
Lão nông Đinh Văn Hơn.

Hoàng Tuấn