Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lão nông “gở” và ly cà phê hương mật ong

15:06 24/06/2020 GMT+7
Bị gọi là “gã gở” vì cách làm không giống ai trong việc sản xuất cà phê của mình, nhưng ít ai biết về cách nông dân Trịnh Tấn Vinh ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) khi áp dụng thành công từ những kiến thức mà ông được đào tạo một cách

Bị gọi là “gã gở” vì cách làm không giống ai trong việc sản xuất cà phê của mình, nhưng ít ai biết về cách nông dân Trịnh Tấn Vinh ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) khi áp dụng thành công từ những kiến thức mà ông được đào tạo một cách bài bản. Với cách trồng, chế biến “độc đáo, lạ” cà phê robusta, đã nâng cao được giá trị của hạt cà phê lên gấp 10 lần so với cách làm thông thường của người dân địa phương.

Ông Trịnh Tấn Vinh, một nhà nông tâm huyết với cây cà phê.

“Mục sở thị” vườn cà phê có 1 không 2

Theo hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, phóng viên về xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, đặt chân đến khu vườn cà phê của chủ nhân Trịnh Tấn Vinh, nằm khang trang ngay trên mặt tiền Quốc lộ 20, qua quan sát thì khu vực này khá sầm uất. Chưa hết ngạc nhiên, khi tham quan thì toàn bộ khu vườn cà phê của ông Vinh để mọc toàn cỏ dại. Thầm nghĩ, chắc người ta cho ông là gã gở xuất phát từ đó.

“Đây là toàn bộ 1ha diện tích cà phê robusta của hộ gia đình chúng tôi với trên 1.000 cây đã hoàn thành ghép cải tạo, vụ mùa vừa rồi đã thu hoạch được 3 tấn nhân. Cây ăn trái che bóng trên cao, cây cà phê tầng giữa và dưới mặt đất là cây cỏ lá đậu (lạc)”, ông Vinh giới thiệu.

Ông Vinh cho biết, tầng cao nhất có 40 cây sầu riêng 15 năm tuổi, sản lượng trung bình đạt khoảng 200 kg/cây và 150 cây mắc ca đang tuổi thứ 4 vào kỳ đậu trái. Tầng giữa là cà phê robusta vụ vừa qua đã thu hoạch được hơn 3 tấn. Còn tầng mặt đất là cây cỏ lá đậu, khi mùa khô thì cỏ dưỡng hè, vào mùa mưa là lúc cỏ tái sinh tự nhiên.

Chỉ vào gốc cây cà phê còn phủ dày thảm cỏ lá đậu, ông Vinh chia sẻ, tính đến nay là năm thứ 13, cây cỏ lá đậu định canh nó đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường bền vững cho diện tích 1ha cà phê của hộ gia đình. Việc trồng cây cỏ lá đậu bắt đầu từ năm 2008 – 2013 khi ông Vinh được chọn 1 trong 48 nông dân của tỉnh được tham gia học khoá Kỹ năng cơ bản cho nguời trồng cà phê; Chương trình Luật HTX kiểu mới; Phát triển cộng đồng do một số dự án đến từ châu Âu tổ chức.

Từ những kiến thức tại các khoá học tập huấn, kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, ông Vinh đã mày mò dâm trồng thử nghiệm cây cỏ lá đậu trên diện tích 100m2 dưới gốc cà phê trong vườn. Một năm sau theo dõi sinh trưởng tự nhiên, khu vực đất trồng cây cỏ lá đậu tơi xốp hơn hẳn, giun và các loại vi sinh vật có lợi sinh sôi; cây cà phê thì xanh tốt rõ rệt, sâu bệnh gây hại giảm hẳn. Kiểm tra lại nhật ký sản xuất trong năm thì khu vực trồng cây cỏ lá đậu đều bón phân hữu cơ thay phân vô cơ, đặc biệt đã hạn chế đến mức tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“So với năng suất sản xuất thông thường thì giảm đến 30% về số lượng, nhưng bù lại hiệu quả lớn hơn đối với sản xuất hữu cơ. Khi áp dụng phương pháp này tỷ lệ cà phê chín tự nhiên đạt chất lượng cao hơn về sản lượng, tính ra cao hơn khoảng 20%, khi chưa áp dụng, ngoài ra còn bảo đảm môi trường bền vững và bảo vệ an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Nhận thấy vậy, đến năm 2010, gia đình tôi đã quyết định nhân rộng phủ xanh cây cỏ lá đậu dưới gốc cây cà phê trên toàn bộ 1ha này”. Ông Vinh nói.

Khi phóng viên hỏi về dinh dưỡng nào sẽ thay thế cho cây trong khi ông không dùng phân bón hoá học, ông tiết lộ, cây cỏ lá đậu cũng cần phải chăm sóc cho nó, bởi chính loại cây này đã thay thế cách làm truyền thống. định kỳ sẽ cắt hết những phần lá cỏ này trong vườn đem trộn với vỏ cà phê và ủ chừng nửa năm sau thì hoai mục trở thành phân hữu cơ, đưa bón trở lại vào vườn cây, ngoài ra ông còn dùng thêm phân bón sinh học hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Ông Vinh thường xuyên kiểm tra cây cà phê trong vườn nhà.

Thứ phẩm cà phê mật ong

“Sau khi thành công với cách trồng cà phê hữu cơ, những chuyên gia, nhà khoa học và rất nhiều người quan tâm đến mô hình, thỉnh thoảng lại có những tổ chức, cá nhân trong nước và người nước ngoài đến tham quan. Năm 2016, một tiến sĩ nông học Việt kiều Đức đến thăm vườn cà phê của gia đình tôi và dùng tay hái từng trái chín xuống, bóc hết lớp vỏ ngoài, lộ ra phần vỏ lụa hạt nhân tỏa lên mùi thơm mật ong. Sau đó người tiến sĩ này đã tận tình chuyển giao cho gia đình tôi toàn bộ quy trình thu hoạch, sơ chế và chế biến cà phê nhân, cà phê bột mật ong đưa ra thị trường…”, ông Vinh kể.

Rồi ông Vinh đưa chúng tôi xem từng công đoạn chế biến sau thu hoạch, cách phơi hạt nhân cà phê của ông, một cách làm khá lạ, bởi các giàn phơi được cách ly hoàn toàn với mặt đất, bên trên lợp kín ni lông để giữ nhiệt độ ánh sáng mặt trời để làm khô. “Khi thu hoạch cà phê phải đúng thời điểm, khi đó quả cà phê sẽ chín cả 2 nhân và có lượng đường vừa đủ và chỉ lựa quả chín, sau mỗi buổi chiều thu hoạch về sẽ được rửa sạch bằng nước, không được để qua đêm. Tiếp theo, những mẻ cà phê sẽ được xay lụa (dùng máy chà phần vỏ bên ngoài) rồi phơi lên giàn cách đất. Bên trên giàn phơi sẽ được phủ kín một lớp nilon để ong, ruồi, muỗi không hút hết vị ngọt của cà phê. Khi phơi phải đủ nắng, hạt cà phê sẽ có mùi thơm của mật ong”.

Ông Vinh tiết lộ: Với 1ha cà phê robusta của gia đình, ông Vinh cho biết chỉ thu được 3 tấn, 50% được dùng để chế biến cà phê mật ong và 50% chế biến cà phê thông thường. Hiện tại, đối với sản phẩm cà phê rang xay bình thường ông Vinh bán ra thị trường với giá 200 ngàn đồng/kg, với cà phê mật ong được làm theo quy trình “đặc biệt” bán với giá 500 ngàn đồng/kg.

Đánh giá về cách làm của ông Trịnh Tấn Vinh, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Di Linh cho biết, ông Trịnh Tấn Vinh, một nhà nông tâm huyết với cây cà phê, ông đã tạo ra sản phẩm cà phê robusta hữu cơ mật ong, làm nên thương hiệu được nhiều người biết đến, góp phần nâng tầm giá trị nông sản cho địa phương.

Hiện nay hộ ông Vinh đã thành lập HTX Đồng Tâm, đã được một số hộ xã viên tại địa phương tham gia để cùng sản xuất theo mô hình này, hi vọng trong thời gian tới sẽ ngày càng được nhân rộng.

Cây cỏ lá đậu còn được gọi là cỏ đậu phộng (đậu phộng kiểng, cỏ hoàng lạc, lạc dại, đậu phộng dại). Arachis pintoi là một loài cây trong họ Đậu là loài bản địa của Cerrado, Brasil. Tên khoa học của cây được đặt theo tên của nhà thực vật học người Brazil Geraldo Pinto. Loài này được mô tả lần đầu tiên bởi A. Krapovickas và W. Gregory vào năm 1994. Cây cho hoa màu vàng đẹp, rực rỡ, cây lâu năm, dễ trồng dễ chăm sóc. Ngoài được sử dụng làm thức ăn gia súc, cây lạc dại còn được dùng để cải tạo đất, chống xói mòn, phủ xanh đất trống, công viên, làm đẹp cảnh quan…
Ở Việt Nam, cây còn được dùng để che phủ mặt đất trong vườn thanh long, vườn tiêu… để giữ độ ẩm cho đất, giảm lượng phân bón, phát triển hệ sinh thái đất bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Tuấn