Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lão nông xứ Lạng làm giàu từ trái ngọt

16:03 01/06/2020 GMT+7
Trên diện tích đất vườn gần 2ha của gia đình ông Hoàng Kỳ Cuộc ở thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) là nơi kết trái của những cây trồng giá trị như: Cam Đường Canh, cam Xoàn miền Nam, cam Vinh, nhãn Miền Thiết, Mít bản địa, đu đủ

Trên diện tích đất vườn gần 2ha của gia đình ông Hoàng Kỳ Cuộc ở thôn Ao Đẫu, xã Sơn Hà (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) là nơi kết trái của những cây trồng giá trị như: Cam Đường Canh, cam Xoàn miền Nam, cam Vinh, nhãn Miền Thiết, Mít bản địa, đu đủ Đài Loan… Say mê nghề nông bằng sự cần cù, chịu khó đã đem về cho gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những quả mít bản địa hàng chục ki- lô- gam trong vườn nhà ông Hoàng Kỳ Cuộc.

Một cựu chiến binh năng động

Ấn tượng với chúng tôi khi tới thăm vườn của gia đình ông Hoàng Kỳ Cuộc là dù diện tích vườn lớn và đã được trồng kín các loại cây ăn quả nhưng theo hàng theo lối. Nên không hẹn trước nhưng rất nhanh chóng, chúng tôi đã “định vị” vị trí của ông Cuộc cùng vợ là bà Tâm đang ở khu trồng cam. Tại đây những câu chuyện đời chuyện làm ăn được bật mí.

Vừa chăm sóc cây vừa trò chuyện với sự nhiệt tình và chân thành của một người nông dân, đi đến đâu cũng được 2 ông bà chia sẻ kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc, bón phân, cắt tỉa cành lá… Tôi hỏi đùa một câu: “Hai bác không sợ chúng cháu lấy mất nghề à”, cả 2 vợ chồng đều phấn khởi, cười tươi “Nếu mà các cháu cũng có vườn, có kinh nghiệm thì cùng nhau trao đổi, chia sẻ mọi người đều giàu thì tất cả phải vui chứ sao lại gọi là mất nghề…”

Trở về căn nhà 2 tầng khang trang, bên ấm trà nóng, ông Cuộc cho biết vốn xuất thân từ một gia đình nông dân. Năm 1976 cũng như bao chàng trai cùng thế hệ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu chống chiến tranh tại biên giới phía Bắc. Đến năm 1986, ông xuất ngũ trở về quê hương làm kinh tế.

Vốn sinh ra trong một gia đình có đông anh em, chính vì vậy khi trở về quê hương với mấy sào ruộng được các cụ để lại, kinh tế gia đình gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng không cam chịu cái đói, cái nghèo với bản tính của một anh bộ đội cụ Hồ, ngoài sự chịu khó ông cũng luôn tìm tòi những cái mới. Vì thế ông đã chủ động liên hệ với các đồng đội, người thân và học trên sách báo, truyền hình về nông nghiệp để tìm ra hướng đi trong phát triển sản xuất của gia đình.

Trên 35 năm kể từ khi xuất ngũ gia đình ông Cuộc đã luôn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương, luôn là người đi đầu trong việc đưa những giống cây trồng mới về trồng như: Vải thiều, dứa, dưa hấu, dưa lê, mía, táo, ổi đến nay là cam Xoàn, cam Vinh, mít…

Khi được hỏi tại sao lại chuyển đổi nhiều giống cây trồng như vậy, bà Tâm cho biết, làm nông nghiệp cũng phải như doanh nghiệp luôn tính toán đến thị hiếu của người tiêu dùng, đôi khi còn khó khăn hơn bởi cây ăn quả thường 3-4 năm mới cho quả, nếu không tính toán kỹ thì mất công, mất sức có khi còn trắng tay, vì vậy mà trong khi trồng những giống cây trồng lâu năm như mít, cam gia đình đã luôn tận dụng đất trống để trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: Đỗ đen, đỗ tương, lạc, dứa, đu đủ… vừa tốt cho đất mà lại có thêm thu nhập để duy trì những cây trồng lâu năm.

Được quy hoạch vườn cam Canh đang phát triển thẳng hàng xanh tốt.

Tập hợp cây trái mọi miền

Trước đây diện tích vườn của gia đình ông Cuộc chủ yếu là keo, vải thiều. Đến năm 2008, khi thấy những cây trồng này không đem lại hiệu quả kinh tế, ông đã phá bỏ toàn bộ diện tích với những cây trồng đã có hàng chục năm để trồng 300 cây mít bản địa. Ngay sau khi được trồng và chăm sóc cẩn thận, cây mít đã phát triển rất tốt, từ năm thứ 5 trở đi mỗi năm cây cho từ 12-15 trái, mỗi quả nặng từ 15 đến 20kg, giá bán từ 15 – 20.000 đồng/kg, đem về cho thu nhập cả trăm triệu mỗi năm.

Năm 2017, khi những cây mít trong vườn đều đã có thân to, tán rộng, đã có người đến hỏi mua làm bóng mát, gia đình đã quyết định bán tỉa 200 cây chỉ giữ lại 100 cây theo đúng dự định quy hoạch vườn và trồng thêm cam Xoàn.

Để có được sự quyết định táo bạo khi mà vườn mít vẫn đang cho thu nhập cao như vậy, ông Cuộc chia sẻ thêm: Từ năm 2012, nhận thấy diện tích vườn đồi của gia đình còn nhiều, qua học hỏi từ bạn bè, người thân, ông đã tìm đến tận nhà vườn ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên để mua 600 gốc cam đường Canh về trồng.

Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, vườn cam canh của gia đình ông Cuộc phát triển rất tốt, sau 3 năm cây bắt đầu cho thu hoạch, mỗi năm gia đình ông đều thu được khoảng 5 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng.

Năm 2018 và 2019, với những kinh nghiệm đã tích lũy và đi học hỏi ở nhiều vườn cam khác ở trong và ngoài huyện Hữu Lũng, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)… vườn cam của gia đình ông cho thu hoạch được trên 10 tấn quả. Giá bán tại vườn từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, gia đình đã có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệp về trồng cây cam Đường Canh bà Tâm cho biết thêm: Cam đường Canh là loại cây ăn quả khó tính nên người trồng phải chăm sóc rất công phu, áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, không phải cứ bón phân nhiều để cây tốt là được. Yếu tố quan trọng nhất là xử lý để cây ra hoa, qua đó phải theo dõi nắm bắt được tốt thời tiết, đặc biệt là thời tiết bất thường như hiện nay. Trước khi trời rét đậm cần xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam Canh. Lúc cây đậu quả non lại phải khoanh, tiện gốc một lần nữa để giữ quả…

Hiện tại khu vườn đồi gần 2ha của gia đình ông Cuộc đang có hơn 500 gốc cam đường Canh (Hà Nội), hơn 1.000 gốc cam Xoàn (miền Nam), 300 cây bưởi Diễn (Hà Nội), 100 cây mít bản địa, dứa 2.000 gốc, 300 cây đu đủ Đài Loan. Mô hình kinh tế đã giúp gia đình ông Cuộc thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Đây là mô hình phát triển kinh tế gia đình được nhiều nông dân đến hóc hỏi kinh nghiệm.

Cây ăn quả thường 3-4 năm mới cho quả, nếu không tính toán kỹ thì mất công, mất sức có khi còn trắng tay, vì vậy mà trong khi trồng những giống cây trồng lâu năm như mít, cam gia đình đã luôn tận dụng đất trống để trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: Đỗ đen, đỗ tương, lạc, dứa, đu đủ… vừa tốt cho đất mà lại có thêm thu nhập để duy trì những cây trồng lâu năm.

Hoàng Thái