Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Loạn nông sản dịp Tết: Chuyện cũ có lặp lại vào Tết Nguyên đán – 2019?

23:33 23/12/2018 GMT+7

Hàng hóa thừa mứa đến mức phải đổ bỏ, chất lượng bị bỏ ngỏ làm hàng hóa kém chất lượng len lỏi vào thị trường… là những vấn đề trong dịp Tết hàng năm. Liệu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi-2019 chuyện cũ có lặp lại?

Ngộ độc thực phẩm: Đáng báo động

Còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi-2019, thời điểm này nhiều gia đình đã chuẩn bị sắm Tết, nhưng vấn đề đặt ra là mua gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi trên thực tế, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí có ca tử vong khiến nhiều người lo ngại.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, dịp trước Tết Nguyên Đán năm 2018, riêng tháng 1/2018, cả nước có 145 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Còn theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 10/2018, cả nước xảy ra 91 vụ ngộ độc với 2.710 ca mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong.

Các cơ quan chức năng đồng loạt ra quân kiểm soát chất lượng nông sản-thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. (Ảnh minh họa)

Như vậy, có thể thấy vấn đề an toàn thực phẩm dịp cuối năm là vô cùng quan trọng, nếu không được chú trọng thì hậu quả sẽ rất khôn lường. PGS.TS.Nguyễn Thanh Phong -Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tư vấn: Nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không có mùi gây khó chịu.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo người dân khi mua thực phẩm vào dịp Tết nên chọn những thực phẩm đã qua kiểm dịch của Bộ Y tế hoặc ban ngành có liên quan. Với rau củ quả, nên đến các cửa hàng rau sạch-siêu thị để mua, chọn rau quả còn tươi nguyên, không bị hư thối.

Thực phẩm giết mổ nên mua ở các cửa hàng uy tín, thịt tươi không sử dụng hóa chất, chất bảo quản. Thực phẩm đóng hộp không mua sản phẩm có vỏ bị hư hỏng, biến dạng, bị rỉ sét, phần hướng dẫn sử dụng-ngày sản xuất không thể nhìn rõ hay không có.

Trung ương, địa phương cùng nhập cuộc

Nhằm cung cấp các hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm vừa có Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019.

Theo đó, từ ngày 10 – 25/1/2019, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra tại 12 tỉnh thành và kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý đến hết lễ hội Xuân năm 2019.

Sở Công Thương TP.HCM đã đưa ra chủ trương thống nhất các tiêu chí và điều kiện cung cấp hàng hóa vào thị trường thành phố. Cụ thể, hệ thống phân phối ở TP.HCM ký hợp đồng bao tiêu và chỉ tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, có thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Dịp cận Tết, lượng nông sản-thực phẩm về các chợ TP.HCM dự báo sẽ tăng lên tới 15.000-16.000 tấn/ngày, so với khoảng 9.000 tấn/ngày vào ngày thường. Còn tại hệ thống phân phối hiện đại, nguồn hàng hóa Tết có thể sẽ tăng 2-3 lần. Sở Công Thương yêu cầu các nhà phân phối chỉ nhận những hàng đạt chuẩn, định hướng này còn nhằm giúp hình thành chuỗi liên kết giữa nhà sản xuất-phân phối và người tiêu dùng.

Sở Công Thương Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn và các sở ngành tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, phân phối thực phẩm sạch cho người dân.

Sở Công Thương An Giang dự báo tình hình kinh doanh hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn vệ sinh sẽ gia tăng trong thời điểm lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Sở Công Thương yêu cầu các đội QLTT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh nông sản, gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm.

Phù Cát