Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngư dân Diễn Châu phấn khởi thu hoạch lộc biển ban tặng

Bùi Ánh - 11:11 10/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cứ mỗi năm vào độ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, ngư dân vùng biển các xã Diễn Kim, Diễn Hải, Diễn Ngọc, Diễn Hùng thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An) bắt đầu bước vào vụ khai thác sứa biển.

Sứa từ lâu đã trở thành sản vật của bàn con vùng biển Diễn Châu, bởi cứ đến khoảng thời gian đó bà con bắt đầu sắm sửa vật dụng, chuẩn bị thuyền chắc chắn để ra khơi mang lộc về. Những ngày này, bà con ra biển khai thác sứa có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Ngư dân Diễn Châu tấp nập chở sứa vào bờ để bán cho thương lái đang chờ sẵn trên bãi

Theo các ngư dân đánh bắt sứa cho biết, mùa khai thác sứa biển năm nay đến sớm hơn so với các năm trước do nắng ấm đến sớm và thời tiết đầu Xuân cũng khá thuận lợi. Hơn nữa, có một điều may mắn nữa là chỉ cần đưa thuyền ra vùng biển cách bờ khoảng 2-4 hải lý là có thể khai thác được hàng tấn sứa.

Một lợi thế cho ngư dân tham gia khai thác sứa là không cần đầu tư nhiều chi phí, ngư cụ như đánh bắt các loại hải sản khác lại đánh bắt gần bờ, quá trình đánh bắt đơn giản nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Sứa được đưa lên bờ, bà con sơ chế biến qua bằng cách cắt phần thân, phần chân phần ngon nhất của sứa biển

Anh Nguyễn Văn Tiến, trú ở xã Diễn Hải (Diễn Châu) cho biết, bà con năm nay phấn khởi bởi mùa sứa đến sớm, sứa to và chất lượng. Mỗi bè mảng sau một đêm có thể đánh bắt được hàng tấn sứa, có những bè mang về 5-7 tấn. Năm nay có những con sứa nặng trên 50kg, nên công việc vận chuyển đưa vào bờ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Anh Tiến vui mừng khi trên tay ôm một con sứa nặng hơn 20kg. Mỗi ngày gia đình anh đánh bắt được khoảng 3 – 3,5 tấn sứa, về nhập thô cho các thương lái cũng đã cho thu nhập trung bình từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Tiến, trú ở xã Diễn Hải ôm trên tay con sứa nặng hơn 20kg phấn khởi từ lộc biển ban tặng.

Để đưa sứa thành phẩm đến tay người tiêu dùng phải rất nhiều công đoạn. Sứa biển sau khi được đánh bắt có những hộ chế biến ngay trên bãi biển. Họ cắt phần thân, phần chân (phần ngon nhất của sứa biển) thành từng miếng nhỏ sau đó chà mạnh bằng cát biển để hết nhớt. Nếu làm không quen, người chế biến rất dễ bị ngứa, phồng rộp 2 tay vì trên cơ thể sứa biển chứa chất gây dị ứng và gây độc. Sau khi đã chế biến sạch, sứa được ngâm trong nước lá dung, lá sim hoặc lá lấu. Ngâm ít nhất 2 ngày, mỗi ngày đều phải thay nước 1 lần mới đảm bảo an toàn

Những con sứa trong vắt, tươi rói.

Qua trao đổi, ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Địa phương là nơi có khối lượng sứa được đánh bắt lớn nhất của huyện, thu lợi nhuận nhiều nhất phải kể đến là xã Diễn Hải. Thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt hải sản ở Diễn Châu đạt trên 11 nghìn tấn. Người dân thường ra biển từ tối hôm trước đến sáng hôm sau vào bờ có thể khai thác được cả chục tấn sứa. Còn trên bờ, ngay từ sáng sớm, các thương lái đánh ô tô ra tận nơi thu mua sứa”

Sứa phù hợp làm món nộm trong các bữa ăn và được dùng nhiều ở các nhà hàng.

Toàn huyện Diễn Châu có khoảng 700 chiếc bè mảng chuyên khai thác sứa. Khi sứa vào vụ, ngư dân tranh thủ thời gian nỗ lực khai thác sứa đem về nhập cho thương lái. Món ăm từ sứ ngày càng được ưa chuộng bởi nó là món bổ dưỡng mát vào mùa Hè và có giá hợp lý.