Luật Hợp tác xã năm 2023: Động lực thúc đẩy đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Mục tiêu xuyên suốt của việc sửa đổi Luật Hợp tác xã
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã...) dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng đóng góp của kinh tế tập thể vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. Loại hình hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên trong hợp tác xã có xu hướng giảm. Phần lớn các hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh thấp, tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa các hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nói trên có rất nhiều, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trực tiếp và gián tiếp, trong đó, rất quan trọng và trực tiếp nhất là những nguyên nhân từ thể chế, từ cơ chế, chính sách, sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ Nhà nước và việc thực hiện cơ chế, chính sách đều chưa đủ mức, chưa tạo được động lực và những điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển.
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng ta, trong đó kinh tế tập thể được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là vấn đề được Đảng ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Hiệu quả hoạt động của các HTX góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh minh hoạ
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”(1); và chỉ rõ: “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết phối hợp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã”(2).
Triển khai nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị lần thứ Năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Một trong những quan điểm cơ bản về kinh tế tập thể đã được Nghị quyết khẳng định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(3); đồng thời, Nghị quyết yêu cầu phải tạo được động lực thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển và chỉ rõ: “Khẩn trương sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, hợp tác xã”(4).
Mục tiêu xuyên suốt của việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII và Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Luật Hợp tác xã (sửa đổi) phải kế thừa tối đa các quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời giữ vững các nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) đưa ra trong thế kỷ 21, tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới. Đồng thời, xây dựng một Luật chung thống nhất cho các đối tượng trong khu vực kinh tế tập thể, lấy đối tượng hợp tác xã là trung tâm, đối xử bình đẳng như các tổ chức kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên tinh thần đó, tại kỳ họp thứ 5, được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được thông qua vào ngày 20/6/2023 (thay thế Luật hợp tác xã năm 2012), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả trong bối cảnh mới của đất nước, bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
7 điểm mới trong Luật Hợp tác xã năm 2023
Theo bà Chu Thị Vinh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Hợp tác xã năm 2023 có 12 Chương và 115 Điều với nhiều điểm mới như sau:
Một là, Luật Hợp tác xã năm 2023 sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, nhằm tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế hợp tác với nhau và để xây dựng một hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển ở nhiều trình độ khác nhau, từ tổ hợp tác tổ chức đơn giản đến hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã... có tổ chức, hoạt động phức tạp và quy mô ngày càng lớn hơn. Luật có các quy định mang tính nguyên tắc để định vị địa vị pháp lý của các tổ chức kinh tế hợp tác này, làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở đánh giá thực tiễn, mô hình thí điểm và học tập kinh nghiệm quốc tế.
Hai là, Luật hợp tác xã năm 2023 quy định mở rộng đối tượng tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác, bao gồm thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết để huy động tối đa nguồn vốn, trí tuệ, sức lao động của các thành viên tham gia, đồng thời mở rộng thị trường vốn riêng có của các tổ chức kinh tế hợp tác.
Ba là, cắt giảm các thủ tục đăng ký; bỏ phương án sản xuất, kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như: Đăng ký trực tuyến, sử dụng mã số định danh cá nhân, chữ ký số. Giảm số lượng thành viên tối thiểu khi thành lập hợp tác xã xuống 5 thành viên, liên hiệp hợp tác xã xuống 3 thành viên. Bổ sung thành viên liên kết là cá nhân từ 15 tuổi trở lên, đại diện hộ gia đình, tổ hợp tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tham gia góp vốn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, chế biến, cung cấp và tiêu thụ dịch vụ, sản phẩm.
Bốn là, Luật Hợp tác xã năm 2023 bỏ quy định giới hạn tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng không phải là thành viên và trao quyền tự quyết, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các hợp tác xã để chủ động mở rộng thị trường. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức kinh tế hợp tác mà chỉ khuyến khích hợp tác xã phục vụ thành viên thông qua các công cụ chính sách có tính định hướng như chính sách ưu đãi thuế đối với phần thu nhập từ giao dịch nội bộ của hợp tác xã với thành viên. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung các quy định để khuyến khích hợp tác xã trích lập và gia tăng quỹ chung không chia hằng năm để đầu tư phát triển, hình thành tài sản chung và dự phòng tài chính giúp cho các tổ chức kinh tế hợp tác phát triển bền vững và ngày càng lớn mạnh. Việc phân định rõ ràng thu nhập từ giao dịch bên trong (giao dịch với thành viên) và giao dịch bên ngoài (giao dịch với khách hàng không phải là thành viên) của hợp tác xã giúp các chính sách hỗ trợ của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, có mục tiêu, tập trung khuyến khích các thành viên tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy các giá trị bản chất tốt đẹp của mô hình kinh tế hợp tác. Ngược lại, các giao dịch bên ngoài được Nhà nước đối xử như đối với doanh nghiệp.
Năm là, Luật Hợp tác xã năm 2023 quy định 2 mô hình quản trị đầy đủ và rút gọn để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lựa chọn phù hợp với quy mô hoạt động khác nhau của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Quy định bổ sung mô hình quản trị rút gọn cho các hợp tác xã có quy mô siêu nhỏ, không cần thành lập Hội đồng quản trị, có thể lựa chọn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc nhằm tạo sự linh hoạt và chủ động, tự chủ, giảm chi phí quản lý cho các hợp tác xã. Ngoài ra, Luật cho phép tổ chức kinh tế hợp tác có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, tổ chức đại hội thành viên theo hình thức trực tuyến, bỏ phiếu điện tử giúp tiết kiệm được chi phí phù hợp cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô thành viên lớn, hoạt động trên địa bàn rộng.
Sáu là, bổ sung các quy định về kiểm toán hợp tác xã nhằm tăng cường tính minh bạch, hạn chế rủi ro trong quản lý điều hành, vừa là cơ sở tin cậy cho cơ quan quản lý nhà nước, cho tổ chức tín dụng xem xét hỗ trợ, vay vốn, vừa xây dựng được lòng tin của các thành viên đối với tổ chức của mình.
Bảy là, Luật Hợp tác xã năm 2023 có riêng một chương (Chương II. Chính sách của Nhà nước về phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) về các chính sách phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó quy định nguyên tắc được áp dụng không thấp hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định tiêu chí hỗ trợ hướng vào bản chất hợp tác xã, có báo cáo kiểm toán để tránh việc trục lợi chính sách, quy định chi tiết các nhóm chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, bổ sung quy định xây dựng chương trình tổng thể phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác để tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực này.
Trên diện tích gần 10.000m2 tại xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội), 7 hộ gia đình nông dân đã cùng nhau lập ra Hợp tác xã (HTX) Chử Tâm chuyên trồng và cung cấp các loại rau, củ quả sạch. Ảnh: T. Thủy
Như vậy, Chương II của Luật đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW để tạo động lực thúc đẩy các tổ chức kinh tế tập thể phát triển, bao gồm: Điều 20. Chính sách phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; Điều 21. Chính sách đất đai; Điều 22. Chính sách thuế, phí và lệ phí; Điều 23. Chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm; Điều 24: Chính sách ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Điều 25. Chính sách tiếp cận và nghiên cứu thị trường; Điều 26. Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; Điều 27. Chính sách hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro. Ngoài các chính sách quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật này, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được thụ hưởng các chính sách được quy định tại Điều 28. Chính sách hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để Luật Hợp tác xã năm 2023 đi vào cuộc sống, thực sự trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả trong giai đoạn mới, công tác tuyên truyền, thực thi Luật, nhất là công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Hội Nông dân Việt Nam. Vì vậy, các cấp Hội cần phát huy trách nhiệm, tận dụng tối đa nguồn lực, chú trọng lồng ghép triển khai công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2023 đạt kết quả.
Yêu cầu đặt ra là phải tuyên truyền sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Hợp tác xã năm 2023; nắm chắc và hiểu rõ nội dung, phạm vi điều chỉnh các điều Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để vận dụng vào thực tiễn phát triển và hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Đồng thời, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thông tin, tuyên truyền đến Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), phong trào hợp tác xã các nước, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước về Luật Hợp tác xã năm 2023 để hiểu rõ luật pháp của Việt Nam về kinh tế tập thể, hợp tác xã, qua đó thu hút, tạo sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta.
Nội dung tuyên truyền cần bám sát nội dung cụ thể của Luật Hợp tác xã năm 2023 với 12 Chương, 115 Điều; tuyên truyền những điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 so với các luật trước đây; vai trò, tầm quan trọng của Luật hợp tác xã năm 2023 đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã và toàn xã hội; tuyên truyền và làm rõ quyền và lợi ích của thành viên, người dân khi triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2023 trong quá trình thành lập, hoạt động và phát triển sản xuất kinh doanh; tuyen truyền các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác điển hình tiên tiến, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, sản phẩm chủ lực vùng, miền hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2023 và các mô hình hợp tác xã trên thế giới.
Có thể nói Luật Hợp tác xã năm 2023 là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần doanh nghiệp của người dân, tạo động lực thúc đẩy kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả trong giai đoạn mới. Vì vậy, công tác phổ biến, tuyên truyền Luật Hợp tác xã năm 2023 rất quan trọng. Đó là một trong những điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 “cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên”(5).
Tài liệu tham khảo:
(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tI, tr 129, 129-130.
(3), (4), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr 126, 143-144, 129-130.
- Xem: Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật Hợp tác xã, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.
- Xem: Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030, chinhphu.vn
- Xem: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Kế hoạch số 605/KH-LMHTXVN, ngày 02/8/2023 Kế hoạch tuyên truyền Luật hợp tác xã năm 2023.
- Xem: Chu Thị Vinh: Luật Hợp tác xã (sửa đổi) - Đòn bẩy phát triển kinh tế hợp tác, http://kinhtevadubao.vn
-
Huyện Đức Trọng: Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt gấp 2,5 - 3 lần -
Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước -
Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 -
Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Vai trò của giai cấp Nông dân trong thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945
- Luật Đất đai 2024 tạo môi trường đầu tư bất động sản minh bạch và ổn định hơn
- Đắk Lắk: Cần xây dựng và quản lý hiệu quả hệ thống mã vùng trồng nông sản đặc thù
- “Ước mơ” bán tín chỉ carbon dưới biển
- Những yếu tố phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam
- Đề xuất quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất
-
Hà Tĩnh: Hiệu quả “nhìn thấy được” từ những mô hình kinh tế tập thể(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định kinh tế tập thể là một thành phần quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh rất quan tâm, chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cả về số lượng và chất lượng.
-
Phân cấp, phân quyền tốt giúp tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máyNhiều câu chuyện vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước, những bất cập trong việc phân cấp, phân quyền cho thấy cần phải đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền, đi liền với đó là kiểm soát quyền lực.
-
Thủ tướng: Xây dựng những công trình thế kỷ, dứt khoát không để thiếu điện với tăng trưởng kinh tế 2 con sốSáng 8/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác đầu tư xây dựng các Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến Phố Nối (tỉnh Hưng Yên).
-
Phát huy giá trị di sản 'Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'Ngày 7/12, tại Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định), Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kì 2024-2027.
-
Mô hình rừng - thủy sản cho nông dân thu nhập bền vữngKết thúc mùa vụ nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, lợ năm 2024, hàng ngàn hộ nông dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đạt mức thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng/ha/năm từ mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản.
-
Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ nhân dânXác định công tác chuyển đổi số có vai trò quan trọng nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
-
Thủ tướng: Ưu tiên cao nhất cho tăng trưởng, chính sách phải 'cởi trói' để sản xuất, kinh doanh bung raKết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ lớn, làm lớn, các chính sách phải "cởi trói" để sản xuất kinh doanh bung ra, phục vụ ưu tiên cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và nâng cao vị thế đất nước.
-
Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu 2024 với chủ đề “LET’S GO!!! Ba Ria-Vung Tau”Chiều 6/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Họp báo công bố chương trình Tuần lễ Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu 2024 với chủ đề “LET’S GO!!! Ba Ria-Vung Tau”.
-
Đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - hướng phát triển bền vững của Gia LaiNhiều đặc sản của Gia Lai như cà phê, hồ tiêu, mật ong đã đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế thông qua thương mại điện tử. Sự kết hợp giữa phương thức thương mại truyền thống và hiện đại đã mở ra hướng đi bền vững cho nông sản Gia Lai.
-
Bài cuối: Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luậtThời gian qua, tỉnh Sơn La đã đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật gắn với đời sống bà con các dân tộc thiểu số, qua đó, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
-
1 Năng động, sáng tạo, các cấp Hội trong Cụm thi đua số 2 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu thi đua -
2 Hội Nông dân tỉnh Điện Biên – 50 năm một chặng đường phát triển -
3 Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường -
4 “Giải cứu” hàng nghìn phụ nữ, trẻ em khỏi bạo hành -
5 Cụm thi đua số 4: Tăng cường kết nối giao thương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hoạt động an sinh xã hội