Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mạnh dạn thay đổi để làm giàu

17:05 03/10/2020 GMT+7
Gia đình chị Dương Thị Sóng, dân tộc Mông ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, từ một hộ nghèo giờ đây đã có mức thu nhập từ 120 -130 triệu đồng/năm. Với suy nghĩ tích cực, mạnh dạn thay đổi đã giúp cho gia đình chị thoát nghèo và có thể

Gia đình chị Dương Thị Sóng, dân tộc Mông ở xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, từ một hộ nghèo giờ đây đã có mức thu nhập từ 120 -130 triệu đồng/năm. Với suy nghĩ tích cực, mạnh dạn thay đổi đã giúp cho gia đình chị thoát nghèo và có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Chị Dương Thị Sóng trong trang trại chăn nuôi của gia đình. Ảnh do nhân vật cung cấp

Quyết tâm thoát nghèo

Nhớ lại quãng thời gian mới kết hôn, chị Dương Thị Sóng kể: Vợ chồng chị không có nhà riêng mà phải đi ở nhờ. Một năm sau, anh chị mới cất được căn nhà gọi là để che mưa, che nắng. Vất vả, khổ cực chồng chất, chồng chị được cử đi học xa nhà, con nhỏ, thu nhập chỉ trông chờ vào một phần diện tích đất nương rẫy để trồng ngô, trồng sắn.

“Với suy nghĩ mình vẫn còn rất trẻ và mong muốn con cái có cuộc sống tốt hơn đã thôi thúc mình phải quyết tâm tìm hướng để thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tôi cứ vừa làm, vừa học hỏi. Để có chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, tôi tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân (ND) xã phối hợp tổ chức để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Đồng thời, bản thân tôi tự tìm hiểu và tham quan thêm các mô hình trong và ngoài xã” chị Sóng chia sẻ.

Thông qua Hội ND, chị được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn với lãi suất thấp nên đã mạnh dạn trồng ngô lai trên diện tích 2,5ha có sẵn và trồng thêm vụ ngô Hè Thu. Nhờ biết cách áp dụng KHKT vào sản xuất nên năng suất ngô tăng lên rất nhiều, thu được khoảng 3 tấn ngô, 3,5 tấn thóc mỗi năm, đủ để chăn nuôi. Chị còn dùng ngô nấu rượu và lấy bã rượu để chăn nuôi lợn đen. Lợn đen nuôi tuy chậm lớn hơn lợn thường nhưng được giá, mỗi năm 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 20 con trở lên.

Mặt khác chị Sóng tận dụng bãi chăn thả gần nhà để nuôi bò vỗ béo. Ngoài chăn thả có thể nuôi nhốt, không mất nhiều vốn đầu tư chỉ tốn công chăm sóc. Ban đầu nuôi từ 2-3 con, mỗi đợt nuôi từ 5-6 tháng, thu lãi từ 5-6 triệu đồng/con. Thấy hiệu quả cao nên chị đã tập trung nuôi bò vỗ béo, mỗi năm xuất bán từ 8-10 con. Từ năm 2015 đến nay do nắm vững kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nên đàn gia súc của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Chị còn mua thêm đất trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò và nuôi cá trắm, diện tích ao khoảng 120m2.

Ngoài việc chăn nuôi và trồng trọt gia đình tôi còn mở thêm dịch vụ bán hàng tạp hóa phục vụ bà con trong và ngoài xóm, nhờ đó mà thu nhập cũng tăng thêm. “Có được kết quả như hôm nay tôi thực sự rất vui, tôi nhận được nhiều sự quan tâm từ chính quyền địa phương, tổ chức Hội ND các cấp tạo điều kiện kịp thời về vốn, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi” – chị Sóng chia sẻ.

Là trưởng xóm kiêm chi hội trưởng nông dân và công an viên tích cực

Chị Dương Thị Sóng cho biết: Từ năm 2013 đến nay, chị được bà con xóm Khau Ràng tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm kiêm Chi hội trưởng Hội ND và công an viên. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân chị luôn tích cực, chủ động hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, chị rất tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, bởi chị Sóng nghĩ rằng mình nhiệt tình, tiên phong đi đầu trong phong trào thì mới thu hút, giúp đỡ được người khác.

Ở trên cương vị nào, chị cũng đều rất nhiệt tình, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần. Thường xuyên giúp đỡ hội viên trong chi hội khi gặp khó khăn như cho vay tiền không tính lãi, cho các hộ khác mượn đất để trồng ngô, lạc… Chị Sóng đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi trâu bò vỗ béo cho các hộ trong xóm cùng làm. Đến nay đã có 4 hộ làm theo, giúp 3 hộ thoát nghèo, tạo việc làm theo mùa vụ cho 8 lao động với mức thu nhập từ 150-200 nghìn/ngày.

Từ năm 2015 đến nay, gia đình chị được công nhận là “Gia đình văn hóa”. Năm 2017, 2018 đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Năm 2020 được tuyên dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội ND tỉnh lần thứ IV giai đoạn 2015 – 2020.

Tuệ Anh