Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mở lối cho nông sản vươn xa

15:38 03/06/2020 GMT+7
Năm 2013, hợp tác xã (HTX) kinh doanh và chế biến nông sản Đức Lâm ra đời giúp nông dân Hà Tĩnh giải đáp bài toán khó khăn “được mùa, mất giá”. Với mục tiêu, hướng đến nền sản xuất quy mô lớn và đẩy mạnh phân phối sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường

Năm 2013, hợp tác xã (HTX) kinh doanh và chế biến nông sản Đức Lâm ra đời giúp nông dân Hà Tĩnh giải đáp bài toán khó khăn “được mùa, mất giá”. Với mục tiêu, hướng đến nền sản xuất quy mô lớn và đẩy mạnh phân phối sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường và “ôm mộng” xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.

Ông Nguyễn Bá Thanh – Giám đốc HTX Đức Lâm bên những chiếc máy nông nghiệp đưa sản phẩm gạo ra thị trường.

Liên kết để tạo nên sức mạnh

Từng có một thời, hàng tấn lúa do sản xuất manh mún của bà con nông dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đến vụ thu hoạch nếu không phục vụ đời sống, chăn nuôi thì cũng chỉ bán với giá bèo bọt, không đủ trả chi phí cây giống, phân bón, công chăm sóc vì không có thương lái thu mua, dù có bán được cũng với mức giá “rẻ như cho”.

Với giấc mơ xuất ngoại nông sản và thấu hiểu nỗi lòng của người dân, năm 2013, HTX Đức Lâm ra đời nhằm giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” cho nông dân Hà Tĩnh.

Đầu tháng 5, làng quê Đức Thọ nhộn nhịp hối hả hẳn lên. Hàng chục đầu mối của HTX Đức Lâm tỏa ra khắp các nơi từ xã, phường, thị trấn đến các huyện trong tỉnh như Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên để thu mua lúa cho bà con nông dân Hà Tĩnh.

Đón chúng tôi với gương mặt nhễ nhại mồ hôi, ông Nguyễn Bá Thanh (SN 1964) – Giám đốc HTX Đức Lâm tay bắt mặt mừng, nở nụ cười phúc hậu. Ông chia sẻ: “Tiền thân của HTX là một cơ sở thu mua và xay xát lúa gạo nhỏ. Ngày đó, giá lúa thấp lắm, nông dân làm quần quật ngày đêm mà chả kiếm được bao nhiêu tiền, cuộc sống bần hàn cơ cực. Thời điểm ấy, năng suất lúa ở Đức Thọ bình quân chỉ đạt 1,5 – 2 tạ/sào, giá lúa 350đ/kg nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tôi nhớ rõ như in, những ngày cuối vụ Hè Thu năm 2010, mưa lớn xối xả, kéo dài hàng tháng. Người thu hoạch được thì lúa cũng mọc mầm trắng xóa, người chưa thu hoạch thì cũng bị dòng nước cuốn đổ bẹp ngoài đồng.

Nhiều nông dân mất trắng vụ mùa năm đó, tôi đau đáu, trăn trở nhiều ngày. Từ đó, tôi nhận thức được rằng chỉ có thể liên kết, đoàn kết với nhau mới tạo được sức mạnh, mới có thể “ôm mộng” xuất khẩu gạo nước ngoài, đời sống mới khấm khá lên được. Rất may mắn, chúng tôi nhận được sự động viên, tạo điều kiện của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Thọ, tôi đã vận động một số chủ cơ sở kinh doanh và xay xát lúa trong xã, thành lập nên HTX kinh doanh và chế biến nông sản Đức Lâm với số vốn điều lệ 2 tỷ đồng”.

Xuất thân từ gia đình nông dân, ông Thanh hiểu được cái khó, cái yếu của bà con nông dân, lúc được mùa thì mất giá, lúc được giá thì lại mất mùa. Với mong muốn cắt cái nghèo đeo bám từ đời ông bà, cha mẹ, họ bắt tay xây dựng máy móc, sân bãi, thị trường… bắt đầu thu mua lúa gạo cho nông dân huyện Đức Thọ và các huyện lân cận trong tỉnh như Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và tỉnh Quảng Bình.

Hình thức hoạt động của HTX là ký hợp đồng với HTX nông nghiệp của các xã và thu mua tự do. Sau khi ký hợp đồng, nông dân có thể toàn tâm toàn ý sản xuất mà không lo đầu ra của sản phẩm. Từ ngày HTX Đức Lâm ra đời, bà con Đức Thọ và nhiều vùng lân cận yên tâm sản xuất, đầu tư công sức máy móc nên năng suất lúa đạt hiệu quả cao. Đời sống vì thế mà cũng khấm khá lên rất nhiều.

Tiếp sức cho nông sản vươn xa

Trong những năm gần đây việc chính quyền địa phương tập trung dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn 50ha trở lên cùng làm một giống lúa ở một số xã như Đức Lâm, Đức Dũng, Trung Lễ… không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập mà còn tạo điều kiện thu mua dễ dàng hơn cho HTX.

Hiện nay, HTX kinh doanh và chế biến nông sản Đức Lâm có 23 thành viên. Với tổng mức đầu tư của HTX đã lên con số hơn 30 tỷ đồng với 3 xe ô tô tải, 5 xe hợp đồng; nhà xưởng, nhà kho; 2 dàn máy liên hoàn công suất 30 tấn/ngày đêm. “Tôi dồn hết tâm huyết vào HTX là vì tôi yêu nghề này, muốn giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ hạt lúa. Và hơn hết tôi thấy nghề này bền vững. Doanh thu so với nhiều HTX khác thì không cao, nhưng đem lại lợi ích cho người dân, tôi vui lắm! Từ khi HTX thành lập đến nay giá lúa thu mua cho bà con trên 7.000 đồng/kg, trong lúc đó giá lúa miền Nam dưới 4.500 đồng/kg”, ông Thanh nhấn mạnh.

Một số giống lúa cho năng suất đạt kết quả cao của HTX Đức Lâm.

Quả thật, trời đã không phụ lòng người, năm 2019, HTX xuất khẩu được hơn 2.200 tấn lúa, gạo. Trong đó xuất khẩu hơn 300 tấn gạo, 1.000 tấn lúa sang Trung Quốc và hơn 200 tấn gạo sang Lào, đã có đại lý gạo tại thủ đô Viêng Chăn và nhiều thị trường trong nước khác. Mang lại doanh thu hơn 30 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài lúa, gạo HTX còn đầu tư sản xuất các loại giống có năng suất cao, giống lúa ngắn ngày, giống lúa chịu hạn… và các chế phẩm từ vỏ trấu. Vừa tiết kiệm được nguồn “nguyên liệu có sẵn” vừa bảo vệ môi trường hiệu quả. Với những kết quả đạt được, ông luôn được sự tin tưởng và đồng thuận cao của các thành viên trong HTX và sự quý mến của nông dân.

Chị Nguyễn Thị Mai (xã Đức Lâm, Đức Thọ) phấn khởi cho biết, trước kia 5 sào lúa của gia đình sản xuất ra chủ yếu phục vụ chăn nuôi vì bán giá quá thấp, nhưng từ khi HTX Đức Lâm ký hợp đồng thu mua lúa cho bà con thì vụ nào cũng ổn định thu nhập trên dưới 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, thị trường luôn luôn chuyển động, giá gạo cũng vậy phụ thuộc cả yếu tố khách quan và chủ quan nên cũng có những năm thua lỗ, ông Thanh đã từng nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Cụ thể, năm 2014, giá lúa đầu vào bình quân 8.500đồng/kg, bà con bán nhiều, HTX buộc phải huy động hết công suất thu mua, dự trữ 2.000 tấn. Tuy nhiên, đến khoảng giữa năm gạo từ miền Nam chuyển ra Bắc lớn, giá rẻ hơn gạo miền Bắc nên hàng của HTX không bán được, thậm chí đến tháng 10.2014, HTX còn tồn hơn 1.000 tấn lúa, trong khi giá gạo đã giảm tới 15%. “HTX phải bán tống bán tháo để gỡ vốn, nhưng vẫn bị lỗ nặng. Các thành viên ai cũng nản, nhưng vẫn quyết tâm không bỏ rơi bà con” – ông Thanh chia sẻ,

Đánh giá về mô hình HTX Đức Lâm, ông Nguyễn Đình Chí – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ khẳng định: “Đây là mô hình HTX đứng top đầu ở Đức Thọ. Họ chính là cầu nối liên kết tiêu thụ hàng tấn lúa hàng hóa/năm của bà con nông dân. Phòng luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để HTX mở rộng quy mô, giúp đỡ bà con nông dân”.

Nhận thức vai trò của công cuộc xây dựng NTM đối với cuộc sống của, dù bận rộn với nhiều công việc của HTX, ông Nguyễn Bá Thanh và các thành viên luôn luôn tiên phong trong các hoạt động xây dựng NTM cả huyện nhà, tạo việc làm ổn định cho nhiều công nhân và thời vụ. Là tiền đề, cơ sở để giúp đỡ họ có cuộc sống tinh thần và cật chất khấm khá hơn.

Hình thức hoạt động của HTX là ký hợp đồng với HTX nông nghiệp của các xã và thu mua tự do. Sau khi ký hợp đồng, nông dân có thể toàn tâm toàn ý sản xuất mà không lo đầu ra của sản phẩm. Từ ngày HTX Đức Lâm ra đời, bà con Đức Thọ và nhiều vùng lân cận yên tâm sản xuất, đầu tư công sức máy móc nên năng suất lúa đạt hiệu quả cao. Đời sống vì thế mà cũng khấm khá lên rất nhiều.

Bài, ảnh: Trung Bảo