Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Món ăn” đủ 13 chất dinh dưỡng cho khoai tây

10:52 05/10/2020 GMT+7

Cây khoai tây cho giá trị kinh tế cao và sinh khối lớn, nhưng đây cũng là giống cây phàm ăn, và khẩu vị của chúng thiên về “thích ăn ngon”. Vì vậy đất trồng khoai tây lý tưởng nhất phải giàu dinh dưỡng đa, trung, vi lượng. Nhưng nếu đất chua, nghèo, thì cũng không phải quá lo, vì đã có giải pháp sử dụng phân bón Văn Điển để bù khuyết lại. 

Ảnh minh họa.

Khoai tây thuộc nhóm cây ưa lạnh, bởi vậy thời vụ thường bắt đầu từ tuần một tháng 10 đến đầu tháng 11 thì kết thúc. Riêng vụ khoai tây Xuân thường trồng nhân giống thì trồng trung tuần tháng 12 đến hết tháng 12. Khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn (85 – 95) ngày, giá trị kinh tế cao, thích hợp trên đất thịt nhẹ, thịt nhẹ pha cát, chủ động tưới tiêu nước, tầng canh tác dày hơn 15cm thích hợp những chân ruộng sau thu hoạch lúa vụ mùa, khoai tây có nhu cầu độ pH đất từ 5,5 – 6,5. Nếu trồng trên đất chua, khoai tây cần được bón vôi hoặc phân chứa vôi, đất trồng khoai tây cũng cần độ mùn cao hơn 2%. Cây khoai tây cho sinh khối (củ, thân, lá) rất lớn, đồng thời nhu cầu dinh dưỡng cũng lớn và đầy đủ các thành phần.

Mỗi hạt phân bón chứa đủ 13 loại dinh dưỡng

Các công trình nghiên cứu về khoai tây cho thấy: Để đạt bình quân 25 tấn củ trên một hecta, cây cần 140kg đạm (N), 60kg lân (P2O5), 110kg kali (K2O), 60kg canxi (CaO), 9kg magie (MgO),  15kg silic (SiO2), 4kg lưu huỳnh (S), 0,2kg bo (B), 0,4kg kẽm (Zn), 0,2kg đồng (Cu), 0,1kg sắt (Fe) và một số chất vi lượng khác.

Như vậy, bên cạnh 3 chất chính là đạm, lân, kali, thì khoai tây còn rất cần vôi, magie, silic và các chất vi lượng. Do nhận thức còn hạn chế nên không ít bà con nông dân sử dụng phân bón chưa đúng, nổi bật nhất là thừa đạm, bón đạm cao làm cho cây yếu mềm, nhiều bệnh, ít phân hữu cơ dẫn đến đất trồng kém tơi xốp, ít vi sinh vật hoạt động ảnh hưởng đến sự phình củ to năng suất kém. Một số nơi, bà con nông dân sử dụng phân NPK thông thường chỉ giải quyết được đạm, lân, kali, chưa cung cấp các chất khác như vôi, magie, silic, lưu huỳnh, vi lượng. Vì vậy, khoai tây “đói ăn, sức khỏe kém”, giảm năng suất chất lượng. Việc bón phân đơn, bón phân NPK thông thường lâu dài dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng trong đất và thiếu hoặc nghèo kiệt các chất trung vi lượng. Hàng năm đề tài nghiên cứu trong nước cũng như ngoài nước kết luận: Khi cung cấp đầy đủ cân đối tất cả các loại chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cây khoai tây thì cây khỏe, to thân, dày lá, ít sâu bệnh, đặc biệt bệnh héo xanh, giảm dùng thuốc, bảo vệ thực vật, cho năng suất cao.

Theo kỹ sư Nguyễn Xuân Thự – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, trong sản xuất thâm canh khoai tây, bên cạnh yếu tố giống mới (như Solara, Marabel, Diament) và công nghệ bảo quản giống bằng kho lạnh, thì yếu tố phân bón đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một trong số ít loại phân bón lý tưởng cho khoai tây được bà con nông dân nhiều vùng mến mộ là phân đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển. Hơn mười năm qua, phân bón ĐYT NPK Văn Điển chuyên dùng cho khoai tây đã đi vào sản xuất với hoàn toàn khác biệt về chất lượng. Được sản xuất từ lân nung chảy Văn Điển có thành phần dinh dưỡng khoáng tự nhiên: 16% lân dễ tiêu, 30% vôi, 15% magie, 24% silic cùng 6 chất vi lượng bo, kẽm, sắt, đồng, mangan, coban…  được phối hợp với đạm, kali theo tỷ lệ thích hợp nhu cầu của cây, tạo thành các viên phân phức hợp trên dây chuyền hiện đại. Mỗi hạt phân chứa đầy đủ 13 loại dinh dưỡng bao gồm: Đạm, lân, kali, vôi, magie, silic, lưu huỳnh, bo, kẽm, silic, mangan, đồng, coban.

Ảnh tư liệu.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, hiện nay một số dòng sản phẩm Văn Điển đang sử dụng rộng rãi mang lại hiệu quả cao trong sản xuất khoai tây vụ Đông:

– Phân bón ĐYT NPK 10.7.3 có thành phần dinh dưỡng: N=10%; P2O5=7%;  K2O=3%; CaO=6%; MgO=5%; SiO2=4%; S=2% và vi lượng B, Zn, Fe, Mn, Cu, Co.

– Phân bón ĐYT NPK 9.7.4 có thành phần dinh dưỡng: N=9%; P2O5=7%;  K2O=4%; CaO=6%; MgO=5%; SiO2=4%; S=2% và vi lượng B, Zn, Fe, Mn, Cu, Co.

– Phân bón ĐYT NPK 13.3.13 có thành phần dinh dưỡng: N=13%; P2O5=3%;  K2O=13%; CaO=4%; MgO=5%; SiO2=4%; S=1% và vi lượng B, Zn, Fe, Mn, Cu, Co.

– Phân bón ĐYT NPK 13.3.10 có thành phần dinh dưỡng: N=13%; P2O5 = 3%;  K2O=10%; CaO=4%; MgO=5%; SiO2=4%; S=1% và vi lượng B, Zn, Fe, Mn, Cu, Co.

Cách chăm cây khoai tây bằng phân bón Văn Điển

Khi đất có độ ẩm khoảng 80% tiến hành cày bừa cho tơi xốp, loại bỏ gốc rạ, cỏ dại, lên luống, có thể tạo luống bằng tay hoặc bằng máy, luống trồng một hàng thì rộng 0,7 – 0,8m, luống trồng hàng đôi thì rộng 1,4m, lên luống xong và rạch hàng trồng. Bón phân lót hữu cơ hoai mục, lượng bón cho mỗi sào Bắc Bộ (360m2) từ 6-7 tạ, rải đều phân hữu cơ vào rạch luống, đồng thời cũng bón phân đa yếu tố NPK 10.7.3 hoặc dùng ĐYT NPK 9.7.4, lượng bón 12 – 15 kg/sào, lấp một lớp đất mỏng lên phân, sau đó đặt củ giống, khoảng cách củ x củ 20x20cm; khi đặt củ giống tránh đặt trực tiếp vào phân, sau khi đặt củ thì lấp đất phủ lên củ giống một lớp đất dày 3 – 5cm, sau đó vét rãnh lên luống, khi trồng nếu đất khô thì phải tưới nước trước khi bón phân lót để cây mọc nhanh.

Cùng với bón đầy đủ phân lót thì việc bón thúc cho cây khoai tây có tính chất quyết định thắng lợi của vụ sản xuất. Củ mầm sau khi trồng, các mầm ngủ trên củ bắt đầu tăng trưởng, đâm khỏi mặt luống, thông thường sau trồng từ 15 – 20 ngày, nếu thời tiết thuận lợi, độ ẩm tốt thì cây đã mọc cao so mặt luống từ 10 – 15cm. Thời gian này, cây khoai hầu như chưa sử dụng nhiều dinh dưỡng từ đất, phân bón mà chỉ phát triển rễ và sử dụng lượng dinh dưỡng trong củ giống, khi thân cây cao hơn 15-18 cm, bắt đầu có nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng cần bón phân thúc lần 1 cho khoai bằng loại phân ĐYT NPK 13.3.10 hoặc dùng ĐYT NPK 13.3.13, lượng bón 12 -15 kg/sào.

Cách bón: Xới nhẹ hai mép luống hoặc giữa hai hàng khoai rải đều phân rồi vun đất phủ kín phân, kết hợp tưới nước đợt 1, có thể tưới ngấm rãnh. Các hạt phân hút nước hòa tan trong đất, rễ tơ, cây hấp thụ dinh dưỡng để phát triển thân, cành, lá. Sau bón phân thúc lần 1 được khoảng 20 ngày tiến hành bón thúc lần 2 sử dụng loại phân ĐYT NPK 13.3.13 hoặc dùng ĐYT NPK 13.3.10 lượng bón từ 12 – 15 kg/ sào. Rải đều phân xa gốc sau đó vét toàn bộ đất ở rãnh vun thật cao luống phủ kín phân để cho cây phình củ. Bón phân lần 2 kết hợp tưới nước đợt 2, tốt nhất nên dùng phương pháp tưới rãnh, bơm nước vào rãnh đối với đất pha cát mực nước cao 2/3 so mặt luống, đối với đất thịt nhẹ, mức nước cao 1/3 so mặt luống, sau khi bơm 1 – 2 giờ thì tháo cạn nước ở rãnh đi. Nếu gặp mưa to phải tiêu kiệt nước ngay.

Phân bón Văn Điển rất khác biệt so với các loại phân thông thường. Khoai tây được bón phân đa yếu tố NPK Văn Điển thân mập, cành to, lá dày phủ lớp lông mịn kháng sâu bệnh, màu xanh đậm, lá bền đến khi thu hoạch. Đặc biệt, rất ít cây nhiễm héo xanh, củ to đồng đều chiếm đến 85%, năng suất cao, không tróc vỏ sau thu hoạch, dễ vận chuyển. Phân bón Văn Điển cung cấp một lúc đầy đủ 13 loại chất dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của cây. Bón phân đa yếu tố Văn Điển người sản xuất không phải dùng thêm bất cứ loại phân nào khác, đầu tư thấp, lợi nhuận cao, dễ tiêu thụ trên thị trường.

                                                             Việt Hà – Nam Phong