Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mỹ bơm tiền hỗ trợ nông dân giữa lúc ‘chiến tranh’ thương mại

14:56 28/07/2018 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố chi 12 tỷ USD để hỗ trợ nông dân Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Liên minh châu Âu và các nước khác chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây được xem là tín hiệu rõ ràng về quyết tâm sử dụng thuế quan như công cụ chính của ông Trump trong giải quyết xung đột.

Kế hoạch trên dự kiến được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, như hỗ trợ tiền trực tiếp, thu mua nông sản, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Các sản phẩm được hỗ trợ lần này bao gồm những nhóm hàng chủ lực như đậu tương, lúa mỳ, sữa, các loại hạt và cây trồng, tùy theo từng chương trình cụ thể khi triển khai.

Nông dân Mỹ đang chịu thiệt

Cũng theo thông báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), người nông dân có thể đăng ký nhận hỗ trợ vào cuối năm nay, sau vụ thu hoạch mùa thu.

Động thái mới nhất này được cho là nhằm xoa dịu nhóm cử tri quan trọng – những người nông dân đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử, nhưng giờ lại đang chịu thiệt hại từ các chính sách thuế của chính Tổng thống Mỹ.

Nông nghiệp là ngành hiếm hoi của Mỹ có thặng dư thương mại, dự kiến đạt 21 tỷ USD trong năm nay. Canada, Trung Quốc và Mexico là ba nước mua hàng nông sản lớn nhất của Mỹ, chiếm 43% tổng lượng năm 2017. Éo le thay, cả ba đối tác này đều bị lôi vào các cuộc xung đột với Mỹ.

Các khoản thanh toán của chính phủ cho nông dân trong năm 2018 – không bao gồm bảo hiểm cây trồng hoặc chương trình hỗ trợ vừa công bố – được dự báo là 9,2 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 1997, theo ước tính của USDA. Số tiền này vừa đủ để không vượt ngưỡng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Phát biểu tại một sự kiện ở thành phố Kansas hôm 24/7, Tổng thống Trump tái khẳng định chủ trương dùng hàng rào thuế quan làm “vũ khí chiến đấu” và cam kết “nông dân sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất”.

Nông dân Mỹ sẽ có nhiều tiền hơn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất

Khoản hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua Tổng công ty Tín dụng thương phẩm (CCC) của USDA và do đó không cần phải chờ Quốc hội phê chuẩn.

Trong thẩm quyền của mình, CCC được phép cho vay và thanh toán trực tiếp cho người nông dân Mỹ khi giá của ngô, đậu tương, lúa mỳ và các mặt hàng nông nghiệp khác đi xuống.

Động thái của chính quyền ông Trump đã gây ra những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa. Người thì ca ngợi chính sách mới đầy nhân văn, người thì bối rối ra mặt bởi từ lâu, đảng này vẫn luôn phản đối những chương trình hỗ trợ kiểu như vậy.

Chưa gãi đúng chỗ ngứa

Người nông dân đang trở thành nạn nhân trong cuộc xung đột thương mại hiện nay, khi các nước tìm cách trả đũa chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc, thép và nhôm của EU, Canada và Mexico. Những quốc gia này lần lượt nhắm vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ để đánh thuế, bao gồm đậu tương, sữa, thịt và rượu.

Xuất khẩu nông sản Mỹ đạt mức 138 tỷ USD trong năm 2017, bao gồm 21,5 tỷ USD đậu tương, mặt hàng có giá trị nhất. Thống kê của USDA cho thấy riêng Trung Quốc đã nhập 12,3 tỷ USD đậu tương của Mỹ vào năm ngoái.

Theo nhận định của một số chuyên gia, chưa bao giờ chính phủ lại bù đắp trực tiếp cho người nông dân với quy mô lớn như vậy do ảnh hưởng của biến động chính sách thuế.

Ngay lập tức, giá cổ phiếu của các công ty thiết bị nông nghiệp đã có biến động trên cơ sở kỳ vọng người nông dân sẽ có nhiều tiền hơn để đầu tư máy móc.

Cổ phiếu của Deere tăng 3,1%, trong khi Caterpillar tăng hơn 1% và AGCO tăng 0,6%. Giá đậu tương, sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề bởi mức thuế trả đũa của Trung Quốc, tăng 1,2% và đạt mức cao nhất trong hai tuần trở lại đây, với lý do khoản hỗ trợ sẽ giúp cải thiện nhu cầu và giảm nguồn cung dư thừa hiện tại.

Tuy nhiên, ông Blake Hurst – một nông dân trồng ngô và đậu tương và là chủ tịch của Cơ quan Nông nghiệp Missouri, nói rằng nếu Nhà Trắng không thay đổi chính sách, ngành nông nghiệp Mỹ sẽ vẫn không hết khổ.

“Các khoản tiền hỗ trợ có thể hữu ích với những người nông dân đang khất nợ ngân hàng, chứ không bao giờ là đủ nếu tình trạng đánh thuế trả đũa không có hồi kết và chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài trong tương lai”, ông Hurst nhận định, kèm theo ví von: “Nó như miếng băng dán tạm vào vết thương do chính mình gây ra”.

Hải Châu