Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm 2020, xuất khẩu thủy sản cán đích 8,6 tỷ đô la Mỹ

19:11 22/12/2020 GMT+7

Ngày 22/12, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã diễn ra Đại hội toàn thể của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) lần thứ 6, nhiệm kỳ 2021 – 2025.

Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Vân Nguyễn

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngành Nông, lâm, thủy sản Việt Nam luôn đạt tăng trưởng cao. Năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành Nông, lâm, thủy sản đạt hơn 41 tỷ USD, riêng ngành Thủy sản đạt khoảng 8,6 tỷ USD. Bên cạnh thuận lợi thì ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Do thiếu nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành còn hạn chế, trong nhóm hải sản. Quy mô của ngành chưa tương xứng với tiềm năng thực tế.

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp và chuỗi sản xuất bị suy yếu sau tác động nhiều tháng “đứt sản xuất, đứt dòng tiền, đứt khách hàng” của đại dịch Covid-19. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn ảnh hưởng sang những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt sớm. Việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU đang gặp không ít khó khăn khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều. Thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng, nhưng sẽ siết chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu đó là trở ngại lớn cho ngành Thủy sản Việt Nam.

Phát biểu tại Đại hội, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phẩm Sao Ta chia sẻ: Thị trường vẫn lạc quan năm 2020 nhưng năm 2021 chắc chắn sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ rất khó khăn, chưa thể phục hồi trong vài năm tới. Hiện nay, ngành Thủy sản Việt Nam nói chung, ngành Tôm nói riêng đã bắt đầu xuất hiện các khó khăn mới do thiếu nguyên liệu chế biến, năng suất lao động thấp dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng quan tâm đến chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm, yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảo bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội là vấn đề mà các doanh nghiệp và hiệp hội phải có phương án giải quyết trong thời gian tới.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Uỷ ban Hải sản cho biết: Xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ USD vào cuối tháng này, trong đó hải sản chiếm 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ và hiện đang vướng IUU.

Trong những năm qua, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam phải đối mặt với thẻ vàng IUU, vấn đề ở khâu đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn khó khăn, chính vì thế rất cần sự cam kết của Chính phủ mới giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, để xử lý IUU triệt để cần làm thêm bước hậu cần sau đánh bắt là các cảng cá. Các doanh nghiệp thuỷ sản mong muốn các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn về cơ sở hạ tầng cảng biển, có hệ thống báo cáo minh bạch…

Theo phân tích của các doanh nghiệp, sản phẩm tôm xuất khẩu với dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phục vụ chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội nên được tiêu thụ mạnh. Trong khi các sản pẩm cá tra xuất khẩu nhắm tới các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ sẽ gặp khó khăn, một số sản phẩm hải sản cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đại hội toàn thể lần thứ 6, nhiệm kỳ 2021 – 2025, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã bầu ra Ban chấp hành gồm 31 thành viên. Ông Ngô Văn Ích được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch (VASEP) nhiệm kỳ 2021 – 2025, còn ông Trương Đình Hòe tiếp tục giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội. 

Vân Nguyễn