Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm 2020, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,8 tỷ USD

10:33 07/06/2020 GMT+7
Bộ NN&PTNT vừa triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 cho 8 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu quyết tâm vượt khó sau dịch Covid – 19 và thúc đẩy ngành tôm tiếp tục phát triển, khẳng định thế mạnh kinh tế thuỷ sản hàng

Bộ NN&PTNT vừa triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 cho 8 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu quyết tâm vượt khó sau dịch Covid – 19 và thúc đẩy ngành tôm tiếp tục phát triển, khẳng định thế mạnh kinh tế thuỷ sản hàng đầu của khu vực.

Ngành nuôi tôm gặp khó khăn

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2020 diện tích tôm thả nuôi tại các tỉnh ven biển, trong cả nước đạt hơn 400.000ha. Số lượng nuôi tôm bằng gần 80% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt hơn 70% so với kế hoạch năm 2020 và kế hoạch xuất khẩu đạt trên 3,5 tỷ đô la Mỹ.

Trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 457.420ha (bằng 85,3% so với cùng kỳ năm 2019), tôm thẻ chân trắng là 22.132ha (bằng 79% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng sản lượng tôm tính đến hết tháng 4/2020 đạt hơn 168.000 tấn (bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt 21,7% so với kế hoạch năm 2020). Trong đó, Bạc Liêu là tỉnh có sản lượng thu hoạch nhiều nhất, tiếp đến là Cà Mau, Trà Vinh và Kiên Giang. Qua đó, góp phần cho kim ngạch xuất khẩu tính đến hết tháng 3/2020 đạt 59,083 triệu USD (giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019).

Báo cáo từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến thời điểm này có trên 15.950ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 990,87ha thiệt hại do mắc bệnh, 469,08ha do môi trường và 14.490,31ha chưa rõ nguyên nhân. So với cùng kỳ năm 2019, tổng diện tích thiệt hại tăng 3,3 lần và diện tích thiệt hại không xác định được nguyên nhân tăng 5,83 lần.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn nhất lúc này là chuỗi cung ứng logistic, conterner bảo quản tôm còn hạn chế. Sản phẩm tôm chủ yếu được vận chuyển bằng đường biển (chiếm tới 70%), chỉ có 30% bằng đường bộ. Tuy nhiên các cảng trung chuyển hạn chế, chính vì vậy quá trình vận chuyển rất tốn thời gian, tiền bạc.

Trước thực trạng này Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp giảm cước phí, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tạo sự cạnh tranh khắc phục khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cho biết, cuối tháng 4, đầu tháng 5 những cơn mưa trái mùa đã xuất hiện trên diện rộng, điều này rất thuận lợi cho việc nuôi tôm, kế hoạch tăng diện tích nuôi tôm 700.000ha trong năm nay có thể đạt kế hoạch. Ông Cường cũng lưu ý với diện tích tôm lúa, tôm rừng thì chăn nuôi cho đúng kỹ thuật. Bộ sẽ thực hiện công tác quản lý Nhà nước ở mọi khâu từ kiểm tra kiểm soát, con giống, đến thức ăn, chế phẩm… để hỗ trợ người nuôi tôm.

Dự báo xuất khẩu vẫn tăng liên tục

Bất chấp những khó khăn, hạn chế do đại dịch Covid -19 gây ra, các dự báo mới nhất của Bộ NN&PTNN cho thấy xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt khoảng 3,8 tỉ USD bởi nhiều “cửa sáng” sau dịch Covid-19.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, trong khi xuất khẩu các mặt hàng như cá tra, cá ngừ, hải sản… đều giảm, thì con tôm Việt Nam xuất khẩu quý đầu năm nay vẫn khả quan. Nếu dịch Covid-19 được giải quyết cơ bản cuối Quý 2/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu Covid-19.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong quý 1/2020 với trị giá 115,5 triệu USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 lây lan rộng ở Mỹ bắt đầu từ tháng 3.2020 khiến hoạt động nhập khẩu hàng hóa, trong đó có tôm vào thị trường này bị đình trệ. Đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của tôm Việt Nam sau châu Âu. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các nguồn cung tôm từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan đang giảm sút. Đây là cơ hội vàng của ngành tôm Việt Nam.

Xuất khẩu tôm đang có nhiều thuận lợi dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Ảnh: TL

Thông tin từ Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản quốc tế cũng cho thấy khoảng 50% sản lượng tôm của Ấn Độ và Ecuador bị giảm sút do không nhập được con giống. Các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines tuy chịu ảnh hưởng nhẹ hơn nhưng dự kiến giảm lượng cung khoảng 30%. Đây là cơ hội cho tôm Việt Nam nếu kịp thời có những quyết sách tốt trong lúc này.

Theo VASEP, những dấu hiệu thuận lợi cũng bắt đầu xuất hiện ngày một rõ ràng hơn như nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn có vì đây là thực phẩm thiết yếu, việc kiểm soát dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đang có chiều hướng tốt hơn sẽ có thêm hy vọng cho người nuôi và nhà máy chế biến khi đầu ra phần nào được tháo gỡ. Bên cạnh đó, năm nay tôm Việt Nam có thuế xuất khẩu vào Mỹ bằng 0. Hay tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, đặc biệt đối với sản phẩm tôm có mức thuế mà Ấn Độ, Thái Lan hay các nước khác không có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, niềm tin của đối tác nhập khẩu thủy sản rất quan tâm tôm từ Việt Nam.

Dựa trên cơ sở đó, tôm Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn tới với mục tiêu đạt kim ngạch lên 3,8 tỉ USD thay cho dự báo đạt 3,5 tỉ USD đưa ra trong quý 1/2020. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn, nhiều yếu tố nguy cơ vẫn còn nên các chuyên gia thủy sản cho rằng cần sớm có biện pháp liên kết người nuôi và doanh nghiệp. Thêm vào đó cơ quan chức năng, Nhà nước cần sớm có các chính sách hỗ trợ người nuôi doanh nghiệp tận dụng thời cơ vàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng để tiếp tục nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm mặt hàng tôm Việt Nam trên thế giới, tới đây Bộ sẽ tập trung vào các trục trong quy trình sản xuất như: Khâu nuôi trồng tạo ra sản phẩm nguyên liệu thì cần thay đổi phương thức canh tác để tăng sản lượng cho vùng chuyên canh tôm – rừng, tôm – lúa. Bởi đây là vùng thâm canh còn kém, rất quảng canh với năng suất thấp.

Còn đối với diện tích thâm canh, cần phải tiến hành tổng rà soát lại để tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ ở từng giai đoạn, hộ nuôi cũng phải áp dụng công nghệ. Dựa trên nền tảng liên kết chuỗi giữa người nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp để hình thành các khu nuôi khép kín từ tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến và xuất khẩu.

“Thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với con giống, các sản phẩm dịch vụ từ thức ăn, chế phẩm… thì khâu này cần sự vào cuộc một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Từ đó, khống chế được tình hình dịch bệnh, nâng cao chất lượng nguồn tôm nguyên liệu. Mặt khác, trong phát triển ngành tôm, chúng ta không quá chú ý đến việc mở rộng diện tích mà cần chú ý đến chất lượng sản phẩm” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh truyền thông để các hộ nuôi ứng dụng các phương thức canh tác nuôi tôm bền vững, hiệu quả, sử dụng các chế phẩm sinh học để thay thế cho các chế phẩm hóa học. Thực hiện nuôi với mật độ quản trị, ứng dụng thâm canh vừa phải để tạo ra những dòng sản phẩm sạch hơn, cùng với đẩy mạnh chế biến sâu để tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn.

Minh Anh