Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Năm học mới 2021-2022: Khó khăn, thách thức và những giải pháp để thành công

07:11 05/09/2021 GMT+7

Ngành Giáo dục nước nhà bước vào năm học mới 2021-2022, đang gặp phải những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ.

Học trực tuyến được ngành Giáo dục chọn lựa để thích ứng trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ

Những tưởng đầu tháng 9 năm nay, tiếng trống trường sẽ vang lên rộn rã ở khắp mọi miền đất nước hòa cùng với biết bao tà áo mới đủ màu sắc và muôn vàn cặp mắt tinh khôi, trong trẻo của hàng triệu học sinh tung tăng, háo hức tựu trường như dự định.

Nhưng rồi, làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid -19 ập đến bất ngờ với tốc độ lây lan chóng mặt và kèm theo những biển thể cực kỳ nguy hiểm. Dịch xuất hiện đã làm đảo lộn mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục. Hàng loạt tỉnh, thành phố phải dừng lại hoặc thay đổi lịch khai giảng, lịch học, địa điểm học và cả phương thức dạy và học.

Trước hoàn cảnh bị động nói trên, ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận định: “Nếu giáo dục bị tổn thương thì thời gian phục hồi sẽ rất lâu dài. Bởi giáo dục không giống như các ngành khác”. Đúng thế!

Những thực trạng, bất cập

Để thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay, Bộ Giáo dục đang khẩn trương chỉ đạo toàn ngành và sở Giáo dục các địa phương phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, các ngành liên quan nghiên cứu, điều chỉnh lịch học, chương trình và kiến thức chọn lọc cho các cấp học. Đặc biệt, chuẩn bị thật tốt mọi mặt để tổ chức giảng dạy và học trực tuyến (online) cho học sinh.

Học trực tuyến (online), đối với các nước phát triển là chuyện bình thường, nhưng đối với nước ta là hoàn toàn mới mẻ và sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất, phương tiện để dạy và học đều rất thiếu thốn, bất cập: Đó là chưa kể học trực tuyến trong điều kiện có dịch bệnh lại càng khó khăn gấp bội.

Trước hết, do dịch bệnh khó dài, nên hiện nay tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra khá trầm trọng. Theo Bộ Giáo dục, bước vào năm học mới 2021-2022, cả nước có hơn 407.000 giáo viên tiểu học. Nhưng so với yêu cầu có giáo viên giảng dạy thì còn thiếu rất nhiều. Riêng tỉnh Nghệ An, năm học mới này còn thiếu 400 giáo viên tiểu học và mầm non; hay Đà Nẵng nhu cầu cần tuyển thêm 900 giáo viên (trong đó, tiểu học 495 người), nếu tính cả 53 tỉnh, thành phố thì năm học mới này còn thiếu hàng chục ngàn giáo viên. Điều đáng nói, trong số đó lại hầu hết là giáo viên môn Tin học và tiếng Anh. Do dịch bệnh kéo dài, nhiều trường mầm non, tiểu học phải nghỉ học. Theo đó, hàng ngàn giáo viên không có lương, không có phụ cấp buộc họ phải bỏ nghề chuyển sang tìm việc làm khác để có tiền duy trì cuộc sống bình thường. Học online, nhưng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tin học hướng dẫn giảng dạy thì làm sao đây?.

Hai là, nói đến học online là nói đến các yếu tố và phương tiện cần có như: Mạng internet, máng tính bảng, tivi, điện thoại thông minh… Nhưng theo thống kê và báo cáo của ngành Giáo dục một số tỉnh như: Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn… thì nếu học online, cố gắng lắm cũng chỉ đạt được 40% đến 50%. Lý do, là hiện nay, nhiều thôn bản ở vùng cao xa xôi hẻo lánh vẫn chưa có mạng internet. Hơn nữa, cuộc sống của người dân còn quá nghèo. Cái ăn, cái mặc hàng ngày còn chưa đủ. Năm học mới đến, nhiều gia đình không sắm nổi bộ quần áo mới, cặp sách, đôi dép, quyển vở và cây bút cho con đến trường. Vậy họ lấy đâu có tiền để sắm máy tính, điện thoại thông minh cho con học trực tuyến. Đây là thực trạng, là hiện tượng khá phổ biển ở mọi miền quê trong cả nước, không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa héo lánh.

Đấy là chưa kể nhận thức, học lực của các em ở nông thôn, nhất là miền núi cũng còn rất hạn chế. Học trực tiếp được thầy cô kèm cặp vẫn chưa hiểu bài, vậy mà học trực tuyến thì sẽ ra sao? Và, không riêng gì ở nông thôn và miền núi, mà ngay cả các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… việc học online cũng đang gặp những vấn đề nan giải. Bởi không phải gia đình nào, phụ huynh nào cũng có điều kiện mua sắm máy tính bảng, điện thoại thông minh cho con học trực tuyến. Do dịch bệnh kéo dài, nhiều gia đình là công nhân, viên chức nghèo, người lao động tự do phải nghỉ làm đồng nghĩa với việc không có thu nhập, cuộc sống vô cùng khó khăn. Bởi thế, không phải nhà nào, phụ huynh nào cũng có điều kiện mua sắm máy tính, điện thoại thông minh cho con học trực tuyến. Rất nhiều gia đình có 2 đến 3 con học trực tuyến, trong khi bố mẹ chỉ có 1 chiếc điện thoại. Vậy con nào học, con nào không? Học online lại phải học đúng theo giờ. Vậy ai ở nhà để kèm cặp các con ngồi học? Học sinh tiểu học, tuổi còn nhỏ, luôn hiếu động, thiếu tập trung nên khả năng nhận thức, hiểu bài sẽ rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tập là điều không thể tránh khỏi.

Những thực trạng, bất cập nói trên đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn cho ngành Giáo dục trước thềm năm học 2020-2021.

Cần xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với hình thức học trực tuyến. Ảnh minh hoạ

…Và quyết tâm của ngành Giáo dục

Nhận thức đầy đủ những khó khăn, thách thức chung của đất nước, trước tác động bất lợi do đại dịch Covid -19 gây ra, ngành Giáo dục vẫn quyết tâm quán triệt, giữ vững chất lượng giảng dạy và học tập ở tất cả các cấp học trong năm học mới. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ yêu cầu: Các cơ sở đổi mới mạnh mẽ quản trị trường học theo hướng: Tăng cường tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cấp tổ chuyên môn và giáo viên. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy và học. Cụ thể, nơi nào, địa phương nào chưa có dịch, hoặc tỷ lệ lây nhiễm ít thì tranh thủ cho học sinh học trực tiếp vào các giờ vàng, thậm chí học thêm các ngày nghỉ, buổi tối nếu điều kiện cho phép.

Chủ động xây dựng các kho học liệu điện tử học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để không bị gián đoạn do dịch bệnh có thể kéo dài. Nơi nào chưa có hoặc thiếu sách giáo khoa mới thì đề nghị các nhà xuất bản cung cấp bản điện tử cho nhà trường cho đến khi có sách giáo khoa in giấy. Cần có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng để lấy đủ giáo viên  nhằm đảo bảo chất lượng của các môn bắt buộc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành đầu tư thêm cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, các trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hộ hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, nhà đầu tư, các doanh nghiệp mua tặng điện thoại, máy tính bảng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những địa phương đang bị phong tỏa gắt gao vì dịch bệnh. Xem miễn giảm học phí, không thu học phí kỳ 1 cho học sinh từ mầm non đến phổ thông. Tuyệt đối cấm, ngăn chặn lạm thu đầu năm học mới.

Hy vọng với quyết tâm chính trị cao của toàn ngành Giáo dục, sự đồng thuận tiếp sức của toàn xã hội, năm học mới 2021-2022 sẽ gặt hái được nhiều kết quả, thành công như mong đợi.

Lê Hữu Quế