Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghệ nhân với bí quyết tạo giá trị đặc biệt cho chè Tân Cương

07:34 26/06/2021 GMT+7

Gắn bó cả đời với cây chè Tân Cương, nghệ nhân Lê Quang Nghìn (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) luôn đau đáu niềm khát khao lan tỏa những giá trị của thương hiệu chè trứ danh này.

Nghệ nhân Lê Quang Nghìn.

Vinh danh giá trị cây chè

Bởi vậy, một mặt ông vẫn bảo tồn những phương thức chế biến chè truyền thống. Mặt khác, ông mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ và tư duy sản xuất đáp ứng những đòi hỏi của thị trường. Điều này đã tạo nền tảng để cơ sở sản xuất chè của ông ngày càng phát triển.

Nói về những lợi thế đặc biệt tạo nên giá trị cây chè của vùng đất Tân Cương, nghệ nhân Lê Quang Nghìn cho biết: Tân Cương là vùng chè đặc sản của Thái Nguyên, được cục sở hữu trí tuệ khoanh vùng là chè “Đặc sản Tân Cương Thái Nguyên” và được biết đến như một địa danh trồng chè nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tân Cương được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng rất phù hợp với cây chè tạo lên những sản phẩm chè ngon đặc biệt mà không nơi nào có được. Thêm vào đó, với bề dày truyền thống về kinh nghiệm trồng và chế biến chè của người dân đã tạo nên hương vị quyến rũ làm cho những khách hàng khó tính cũng không nỡ bỏ qua. Do vậy, chè là sản phẩm chủ lực, giúp giảm nghèo, mang lại cuộc sống giàu có cho người dân của địa phương.

Với kinh nghiệm và kiến thức của thế hệ đi trước, ông Nghìn hiểu rõ giá trị thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của Tân Cương, ông cho biết cây chè đặc biệt có những thế mạnh nổi trội khi được canh tác tại đây. Đất chua đi kèm những nguyên tố vi lượng với tỷ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè, tạo điều kiện cây chè sống lâu năm. Nếu được quan tâm chăm sóc, một cây có thể cho ra sản lượng quanh năm, mang lại thu nhập đều đặn cho người trồng chè.

Nhờ đó, cây chè đã đồng hành cùng người nông dân Tân Cương đến nay đã hơn 100 năm. “An cư lạc nghiệp”, gia đình ông Nghìn đã bén duyên với cây chè từ những ngày đầu ở nơi đây. Công việc sản xuất và kinh doanh của gia đình ông Nghìn đã gặt hái được những thành công. Hiện ông đang sở hữu 1,5ha đất trồng chè, cùng với đó là 15 lao động hái chè thủ công.

Toàn bộ diện tích chè của gia đình ông Lê Quang Nghìn đã, đang được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Nghìn cho rằng làm chè là một nghề rất vất vả, đòi hỏi người lao động phải có tính kiên trì, tỉ mỉ và chu toàn trong từng công đoạn, từ hái chè, phơi khô, vò chè cho tới sao chè. “Người làm chè phải hết mình với cây chè”. Như vậy Tân Cương mới có được sản vật mà khó có vùng nào có thể so sánh. Ông tin rằng phải là người yêu nghề thì mới có thể theo đuổi nghiệp trồng chè.

Ngoài ra, ông Nghìn còn là một người nhạy bén với thị trường chè và khẩu vị người tiêu dùng. Ngày nay, yêu cầu thị trường càng ngày càng cao. Người thưởng trà yêu cầu trà phải đẹp, cánh nhỏ và thơm hơn. Nhưng những đòi hỏi này không làm khó được nghệ nhân chè người Ngái, bằng những kỹ thuật canh tác chè kỳ công và công sức bỏ ra, ông Nghìn có thể thu về những đợt chè chất lượng cao, đúng ý khách, khi đó giá thành cũng không còn quan trọng với người mua nữa.

Đón đầu khoa học công nghệ

Dù sở hữu những sản phẩm chè trứ danh, nhưng người làm chè Tân Cương vẫn phải đối mặt với khó khăn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nghìn bộc bạch: Trước đây gia đình tôi vẫn sản xuất và chế biến chè theo phương thức truyền thống thủ công, lạc hậu, thậm chí lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Với lối tư duy sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chưa quan tâm nhiều tới nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản phẩm chè thiếu tính cạnh tranh, hiệu quả không cao. Đồng thời, trước bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, áp lực nặng nề từ nền kinh tế thị trường đã làm cho việc sản xuất và chế biến chè theo cách truyền thống gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến đời sống gia đình tôi hết sức vất vả.

Trước những khó khăn, thách thức đó, ông đã đổi mới tư duy, tìm một hướng đi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền, hội đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân đã mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức, trang bị kỹ thuật, giới thiệu và chuyển giao khoa học công nghệ. Ông được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn KHKT, thăm quan học hỏi các mô hình sản xuất chế biến kinh doanh chè.

Ông Nghìn giới thiệu quy trình đóng gói chè.

Tiếp đó, gia đình ông đã đầu tư với 1 xưởng chế biến rộng 250m2, máy hút chân không, thu mua chè khô về sơ chế chè xanh, ngoài ra còn đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản như chè đinh, chè nõn 2-3 tạ búp tươi/ngày. Hiện nay, cơ sở đã được trang bị những máy móc hiện đại như: Máy sao chè bằng ga của Đài Loan; Máy đóng gói hút chân không… Dây chuyền sản xuất chế biến chè đặc sản khép kín được tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất, các loại máy sao chè lấy nhiệt bằng củi hay bằng điện, hàng chục máy vò chè đều đặt chế độ tự động, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Cơ sở còn áp dụng quy trình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, giúp cho các thành viên nâng cao kĩ thuật và kĩ năng trong chế biến và phân loại sản phẩm chè. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ông còn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất chè sạch VietGAP, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hiệu quả từ việc ứng dụng máy móc, công nghệ đã thể hiện rõ. Ngay năm đầu đi vào sản xuất, sau khi trừ chi phí, đã đem lại lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng. Tới nay số lượng hàng bán ra ngày càng tăng, cho doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm. Trừ chi phí mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập trên 950 triệu đồng. Giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5- 7 lao động là con em trong vùng, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.

Việc kinh doanh chè ngày càng thuận lợi, doanh thu tăng trưởng theo từng năm. Đặc biệt là thương hiệu chè Tân Cương được người tiêu dùng tin cậy. Đây chính là động lực để nghệ nhân Lê Quang Nghìn tích cực chia sẻ kinh nghiệm và liên kết với các hộ làm chè để cùng chung tay vun đắp nên một thương hiệu chè đẳng cấp. Cũng từ đây, hàng trăm hộ kinh doanh ở Tân Cương không chỉ tăng trưởng sản xuất mà còn hướng đến sản xuất xanh, vì sức khỏe cộng đồng.

“Tôi luôn trân trọng vì đã được lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống, được các cụ truyền cho tình yêu nghề, để đem tới cho đời thứ chè đặc sản làm nức lòng người thưởng trà”
Nghệ nhân Lê Quang Nghìn.

Nguyên Khang