Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nghịch lý quản lý đất sản xuất có nguồn gốc từ đất nông, lâm trường

11:02 02/12/2021 GMT+7
Nghịch lý là trong khi rất nhiều hộ dân đang thiếu đất sản xuất, thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả.

Thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo phương án được phê duyệt của Bộ NN&PTNT, kết quả đến nay, Bộ đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ 41/41 phương án tổng thể việc sắp xếp, đổi mới và phát triển đối với 256 công ty nông, lâm nghiệp.

Tuy nhiên, trong tổng số hơn 9 triệu ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường do 745 tổ chức, công ty nông, lâm nghiệp, hàng trăm UBND xã và hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng mới chỉ rà soát, đo đạc, cắm mốc, thiết lập hồ sơ quản lý được trên 2 triệu ha. Hiện vẫn còn gần 7 triệu ha chưa được xây dựng đề án để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

Đất Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy miền Nam bỏ hoang. (Ảnh: TNO)

TS. Nguyễn Trí Thành, chuyên gia về lâm nghiệp cho rằng, các cơ quan soạn thảo chính sách chưa xác định rõ được mục tiêu để giải quyết vấn đề về đất nông, lâm trường là như thế nào? Nếu giao đất cho dân, họ sẽ làm gì có hiệu quả hơn hay là bình mới rượu cũ. Vấn đề cứ quanh đi quanh lại và cứ lặp đi lặp lại mãi.

Thực tế còn cho thấy, việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất được các công ty nông, lâm nghiệp và các tổ chức chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh giao cho địa phương còn nhiều lúng túng trong xử lý. Theo báo cáo, trong tổng số hơn hơn 500.000 ha đất cần bàn giao về cho địa phương quản lý, mới chỉ có gần 240.000 ha đã bàn giao vẫn còn hơn 270.000 ha chưa thực hiện.

Ở một số địa phương và một số tổng công ty, chất lượng xây dựng quản lý đất đai chưa tốt, chưa sát với thực tế. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc kéo dài chưa có biện pháp xử lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Ông Ngô Văn Hồng, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên vùng cao cho biết, nhiều địa phương vẫn hết sức lúng túng trong quá trình quản lý đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp. “Lúng túng ở chỗ diện tích đất công ty nông, lâm nghiệp trả về nhưng không biết xử lý như thế nào. Bên cạnh đó, hiện nhiều địa phương có chủ trương giao lại đất cho các công ty nông, lâm nghiệp cũng như chủ rừng quản lý. Điều này đang thể hiện sự lúng túng trong quản lý đất rừng”, ông Hồng chỉ rõ.

Để giải quyết vấn đề quản lý và sử dụng đất rừng, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định yêu cầu các địa phương phải kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao cho người dân thiếu đất sản xuất. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện thực hiện sắp xếp.

Ngoài việc thực hiện các yêu cầu từ Trung ương, các địa phương cần chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, ban hành định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng. Thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới và cho thuê đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường giữ lại để quản lý, sử dụng để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp.

Cần có giải pháp đồng bộ trong việc thu hồi, phân chia đất lâm nghiệp tại các địa phương.

Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội cho rằng, phải có giải pháp kiên quyết nhất, đồng bộ, nhất định phải có biện pháp mạnh mẽ trong chuyện giải thể, phá sản các công ty lâm nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, thu hồi diện tích để bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. Trong đó bàn giao cho địa phương cũng phải quan tâm đến đối tượng được giao đất, nhận đất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều ý kiến cho rằng, đất đai đóng vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của cộng đồng dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân thiếu đất ở và đất sản xuất đang diễn ra khá phổ biến và là vấn đề bức xúc.

Nghịch lý là trong khi rất nhiều hộ dân đang thiếu đất sản xuất thì các công ty nông, lâm nghiệp lại quản lý quá nhiều đất nhưng sử dụng không hiệu quả. Làm sao để người dân, doanh nghiệp chân chính có đất sản xuất? Đây là vấn đề cần có một giải pháp hữu hiệu và biện pháp thực hiện rốt ráo trong thời gian tới./.

Theo VOV

Đại biểu Quốc hội tán thành tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đa số đại biểu tán thành và nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết này nhằm hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nông thôn phát triển.