Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Ngủ đông” 3 tháng, vì sao cây có múi lại cần bón phân Văn Điển?

14:58 10/12/2019 GMT+7

Trời đã vào tiết rét đậm, cây có múi miền Bắc cũng vào “giấc ngủ đông”. Trong 3-4 tháng, cây có múi có hai bộ phận cần thiết nhất để hồi phục là bộ rễ tơ và bộ lá. Theo kỹ sư Nguyễn Xuân Thự, sẽ rất tốt cho cây nếu chúng được chăm sóc bằng phân lân Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển – loại phân khoáng có nguồn gốc tự nhiên.

Cây cam cũng như nhiêu cây có múi khác ở miền Bắc cần được bón phân dưỡng sức trong kỳ “ngủ đông” để có vụ mùa bội thu vào năm tới. Ảnh minh hoạ. Tư liệu.

Các loại cây có múi điển hình ở nước ta như cam, bưởi, quýt.., mỗi năm nuôi quả một lần và kéo dài từ 8 – 10 tháng. Để có dinh dưỡng nuôi quả, tất cả các bộ phận của cây đều hoạt động tích lũy dinh dưỡng vào thân và các cơ quan dự trữ. Trong suốt quá trình quả lớn đến 70% dinh dưỡng được huy động về quả. Khi quả chín, đến thời kỳ thu hoạch quả, cây trồng cạn kiệt dinh dưỡng. Đặc biệt hai bộ phận của cây là bộ lá và bộ rễ bị suy kiệt. Tổn hại nhất là rễ tơ, nếu không nhanh được hồi phục sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dinh dưỡng hồi phục bộ lá và dinh dưỡng nuôi quả vụ tới, dẫn tới quả non, rụng nhiều, quả beo, năng suất thấp.

Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, cây có múi ở thời kỳ kinh doanh, giai đoạn sau thu quả bộ rễ tơ già cỗi rất nhiều, sức hấp thụ nước và dinh dưỡng giảm đến 60 – 70%, cần phải có thời gian khôi phục lại bộ rễ tơ mới, đó chính là lúc “ngủ đông”.

Miền Bắc nước ta có mùa đông khô, lạnh là điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho cây ăn quả, họ cây có múi nghỉ đông càng hanh khô keo dài thì càng “kìm hãm” để cây có múi “ngủ đông” dài khi sang xuân, cây càng nhiều hoa, để chủ động cho vụ cam, bưởi, quýt tới được sai hoa, đậu quả, đặc biệt những năm mùa đông ít khô rét, trước hết cần phải chủ động chăm sóc ngay sau thu quả.

Giúp cây có múi “ngủ đông” phục hồi rễ và lá

Chia sẻ với phóng viên Làng Mới, kỹ sư Nguyễn Xuân Thự  – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, một chuyên gia về sử dụng phân bón cho biết: Giai đoạn “ngủ đông” của cây thường kéo dài 3 – 4 tháng, để lấy lại sức cho vụ tiếp theo. Có hai bộ phận cần thiết nhất để hồi phục là bộ rễ tơ và bộ lá. Rễ tơ cần có bộ dễ tơ mới càng nhiều càng tốt còn bộ lá thì từ từ hồi phục lại độ dày của phiến lá, độ bóng của mặt lá, tăng cường diệp lục, phát triển khí khổng trên lá chuẩn bị tốt cho cây quang hợp khi bước vào giai đoạn ra hoa đầu mùa xuân ấm áp. Nhu cầu đạm (N) và kali (K2O) của cây giai đoạn ngủ đông không cao. Nhu cầu đạm lớn hơn kali một chút. Tuy nhiên, nhu cầu lân (P2O5), canxi (vôi), magie (Mg) lại rất cao. Các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng cũng rất cần cho cây.

Lân (P2O5) giai đoạn này giúp cho cây sản sinh rễ tơ mới mạnh mẽ, quá trình này thường diễn ra chậm do thời tiết khô hanh, lạnh, cũng như rễ tơ vụ trước đã già cỗi, vừa được “phá bỏ” nên phải bón lân sớm ngay  sau thu quả từ 15 – 20 ngày.

Canxi (CaO) còn gọi là vôi. Tất cả đất vùng rễ của cây có múi đều bị chua do rửa trôi, do cây hút hấp thụ sau một chu kỳ nuôi quả, bởi vậy cần ngay lập tức bón vôi cho đất mục đích khử chua nâng độ pH đất thích ứng cho rễ cây phát triển, vôi còn là chất dinh dưỡng cho cây hồi phục bộ lá và tích lũy trong thân, quả vụ sau.

Magie (MgO) giúp cây tăng cường diệp lục, phục hồi bộ lá duy trì quang hợp thời gian “ngủ đông” .

Silic (SiO2) giúp cho đất vùng rễ tơi xốp, thông thoáng thuận lợi cho rễ tơ hô hấp phát triển.

Các chất vi lượng thời kỳ “ngủ đông”, cây có múi cần không nhiều, chủ yếu gửi vào lớp đất dưới phục vụ cho cây hấp thu ở thời kỳ phân hóa mầm hoa cuối giai đoạn ngủ đông. Với những yêu cầu các loại chất dinh dưỡng nêu trên, khi sử dụng các loại phân bón đơn như urê, supe lân, kali, hoặc NPK thông thường đều thiếu các dinh dưỡng trung lượng đó là vôi, magie, silic, và vi lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn ngủ đông của cây. Mặt khác, các loại phân này còn hạn chế sự tái sinh của bộ rễ tơ mới mà chúng lại “khuyến khích” các rễ tơ cũ tồn tại, rễ tơ cũ hấp thụ dinh dưỡng kém, nếu tồn tại thì ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi quả vụ tiếp theo, cây ra lộc sớm bất lợi cho ra hoa kết quả sau này.

Cách bón phân Văn Điển cho cây có múi thời kỳ ngủ đông

Theo hướng dẫn của kỹ sư Nguyễn Xuân Thự, một số sản phẩm phân bón đa yếu tố Văn Điển sử dụng rất tốt cho cây có múi trong thời kỳ ngủ đông như sau:

Lân nung chảy Văn Điển có thành phần dinh dưỡng dễ tiêu: P2O5 = 16% ; vôi = 30% MgO = 15% SiO2 = 24% các chất vi lượng Fe = 0,4%; B = 0,02%; Zn = 0,02%; Mn = 0,04%; Cu = 0,01%; Co = 0,01%.

Phân Lân nung chảy dạng bột mịn (15-19%) của Công ty CP phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh Tư liệu

Phân đa yếu tố NPK Văn Điển gồm nhiều dòng sản phẩm chuyên dùng cho cây có múi thời kỳ “ngủ đông” như:

Đa yếu tố (ĐYT) NPK 5.10.3 có thành phần dinh dưỡng: 5%N; 10% P2O5 ; 3% N2O; 15% CaO ; 9% MgO; 14% SiO2; 2% S và vi lượng B, Zn, Mn, Fe, Cu, Co…

Đa yếu tố (ĐYT) NPK 10.12.5 có thành phần dinh dưỡng: 10%N; 12% P2O5 ; 5% K2O; 16% CaO ; 8% MgO; 15% SiO2; 3% S và vi lượng B, Zn, Mn, Fe, Cu, Co…

Như vậy phân lân nung chảy Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển chứa nhiều nhất các chất dinh dưỡng thiết yếu mà các loại phân bón khác không có. Lượng bón tùy thuộc vào đất, tuổi cây, cũng như năng suất đã thu hoạch và sức khỏe của cây.

Kỹ thuật bón phân nhà nông cần lưu ý

Thường sau thu hoạch vào cuối tháng 11, 12 hàng năm, sau khi dọn vệ sinh vườn, nhà nông cần tiến hành bón phân. Bón 15 – 20 kg phân hữu cơ ủ hoai mục + 3-5kg lân nung chảy và 3 – 4 kg phân đa yếu tố NPK 5.10.3 hoặc 2 -3 kg đa yếu tố NPK 10.12.5 cho mỗi gốc (đối với cam, bưởi, dưới 10 năm tuổi lượng bón ít hơn), giúp cho cây ra rễ tơ mới nhanh và phát triển khỏe, cây hồi phục phát triển tốt khi xuân đến tạo điều kiện cho ra hoa nhiều, đậu quả cao và hạn chế rụng quả sinh lý.

Đào rãnh xung quanh tán cây, rộng 20 – 25cm, sâu 5 – 10cm, phá hết rễ tơ cũ bằng cách đưa đất vừa đào lên mặt đất sau đó trộn các loại phân và bón theo rãnh đào rồi dùng đất lấp kín phân, chỉ nên lấp đầy 2/3 rãnh, phần còn lại chờ bón thúc sau này, sử dụng tàn dư thực vật, cây phân xanh, rơm rạ tủ gốc giữ ẩm cho cây.

Các loại phân bón Văn Điển nói chung, đặc biệt phân lân Văn Điển là loại phân khoáng thiên nhiên, thân thiện môi trường chậm tan trong nước, nhưng tan tốt trong môi trường dịch chua của rễ cây tiết ra, nên cây trồng đặc biệt cây có múi cần đến đâu sẽ sử dụng đến đó. Khi bón phân Văn Điển cây trồng thỏa mãn đầy đủ, cân đối dinh dưỡng để sử dụng bất cứ khi nào luôn duy trì được trạng thái khỏe mạnh, sức đề kháng tốt đối với sâu bệnh gây hại.

Phân bón đa yếu tố NPK 10.12.5 ( dạng hạt) thích hợp bón cho cam, bưởi và một số loại cây khác. Ảnh tư liệu.

Chú ý: Không được tưới nước vào giai đoạn này nhằm giúp cây “ngủ đông” thuận lợi, khống chế lứa lộc đông hoặc xuân sớm, chỉ khi xuất hiện nụ hoa mới tưới và bón phân đón hoa.

Những cây quả ít, thân lá phát triển mạnh, hoặc những năm mùa đông lạnh ít, khô hanh, cần phải kìm hãm sinh trưởng tạo điều kiện cho cây “ngủ đông” bằng cách cuốc sâu, phơi đất vùng tán để phá hủy hoàn toàn rễ tơ cũ như vậy, khi có mưa xuân sẽ kích thích phân hóa mầm hoa tạo điều kiện cho cây sai hoa đậu quả.

Bà con nông dân ở nhiều nơi đã hình thành thói quen sử dụng phân lân Văn Điển và phân đa yếu tố NPK Văn Điển trong những năm qua để bón và dưỡng cây có múi qua các thời kỳ “ngủ đông” cho năng suất chất lượng tốt nhất. Nếu có điều kiện kiểm chứng, bà con nông dân có thể đến  các vùng trồng cây có múi nổi tiếng thương hiệu như: Cam Cao Phong (Hòa Bình); Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang), Bắc Quang (Hà Giang); Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ); Cam Phú Quỳ (Nghệ An); Bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh); Bưởi Diễn (Hà Nội)… Khi trao đổi với nông dân trồng cây có múi ở những địa phương này, bà con sẽ có thêm sự kiểm chứng và thông tin hữu ích khác.

Việt Hà – Nam Phong