Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người giữ “hồn” cho làng nghề chiếu cói

08:31 26/10/2020 GMT+7
Một trong những mô hình tiêu biểu của Hội Nông dân huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) trong vươn lên phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương đó là tổ hợp sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm chiếu cói và các

Một trong những mô hình tiêu biểu của Hội Nông dân huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) trong vươn lên phát triển kinh tế gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương đó là tổ hợp sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm chiếu cói và các sản phẩm khác từ cói của chị Nguyễn Thị Kim Phương sinh năm 1982 ở xã An Cư, huyện Tuy An.

Với 25 máy dệt chiếu, mỗi năm tổ hợp tác sản xuất được hàng triệu chiếc chiếu. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nói về động lực khiến chị quyết định khởi nghiệp từ nghề truyền thống của quê hương, chị Kim Phương bày tỏ: Từ thủa bé, chị đã lẽo đẽo theo cha mẹ ra đồng cói, lớn lên, gắn bó, sống với cây cói. Vì thế, chị không bao giờ cho phép từ bỏ ngành nghề truyền thống của quê hương, xứ sở. Hàng đêm, chị trăn trở với nghề truyền thống của quê hương. Muốn khởi nghiệp, giữ nghề phải đối mới từ tư duy đến công nghệ sản xuất, phải có nhiều người cùng làm, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì mới có thể thành công. Vì vậy, chị đã động viên những anh chị em trong làng chuyên dệt chiếu tiếp tục gắn bó với nghề. Năm 2005, chị bắt đầu “khởi nghiệp” bằng 2 chiếc máy dệt đầu tiên và thành lập nên tổ hợp sản xuất. Lúc đó, bà con phấn khởi lắm! Nhưng bài toán đầu tiên của chị, đó là sản xuất rồi tiêu thụ ở đâu?.

“Do kinh nghiệm còn ít ỏi, vì thế, ngay từ ban đầu khi đưa máy móc vào sử dụng, nhiều sản phẩm của cơ cở làm ra còn bị lỗi, chưa được đẹp và mịn. Trong quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước “chúng tôi đã từng bước làm chủ được nghề dệt chiếu bằng máy” – Chị Phương nói.

Đến nay, tổ hợp của chị có 25 máy dệt chiếu và 6 máy may biên, nâng cấp hệ thống lò hấp, nhuộm màu với tổng chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và máy móc thiết bị trên 1,5 tỷ đồng. Tổ hợp đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 40 lao động, với mức lương từ 4.5 triệu đồng/tháng. Với 25 máy dệt chiếu mỗi ngày sản xuất ra 375 chiếc chiếu, 1 năm sản xuất được hơn 1.1 triệu cái. Lợi nhuận mang về cho gia đình chị hơn 1,4 tỷ đồng/năm.

Để đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của khách hàng, ngoài duy trì các mẫu sản phẩm truyền thống, chị cũng nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng và vay vốn đầu tư thêm máy dệt chiếu.

Sản phẩm chiếu đạt chất lượng nên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng khắp miền Trung và miền Nam. Ngoài việc sản xuất chiếu cói tại cơ sở, chị còn là đại lý bao tiêu các sản phẩm chiếu cói của tất cả hộ ở địa phương. Hiện nay, thị trường của tổ hợp tác đã mở rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai…

Ngoài ra, chị còn là đại lý chính thu mua các sản phẩm như: Mền, mùng các loại chiếu nhựa, chiếu trúc và một số mặt hàng khác từ các tỉnh bên ngoài để sang lại cho các đại lý trên thị trường. Riêng phần này sau khi trừ tất cả các loại chi phí lợi nhuận đem lại cho gia đình chị từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, chị Phương xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở tỉnh Phú Yên, là động lực để các hội viên học hỏi.

Với những thành tích tiêu biểu trên, chị Nguyễn Thị Kim Phương đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ các cấp, các ngành và chính quyền địa phương. Năm 2012, chị vinh dự được nhận bằng khen của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2007 – 2011. Năm 2014 được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc. Năm 2018 được UBND tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2016 – 2018.

Trung Bảo